Các chuyên gia phân tích nghiên cứu tài liệu được cho là chỉ nam của Bắc Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều biện pháp để điều chỉnh thế bất lợi lớn mà họ phải đối đầu nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù không có cách nào để chắc chắn một cách tuyệt đối về tính xác thực của cuốn chỉ nam này, các giới chức Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã đọc qua thì coi văn kiện này là có thực.
Một chuyên gia phân tích lâu năm về Bắc Triều Tiên và quân đội của nước này, ông Daniel Pinkston thuộc Tổ hợp Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul, đã khảo sát văn kiện theo lời yêu cầu của VOA. Ông gọi văn kiện này là quan trọng.
Ông cho biết: “Về những gì liên quan đến các kế hoạch, các chuẩn bị của họ, tôi nghĩ có một số thông tin hữu ích để rút ra từ văn kiện này.”
Cuốn chỉ nam có từ 5 năm này đưa ra những hướng dẫn về cách thức chế tạo loại sơn hút radar để giúp che giấu các máy bay phản lực, tầu chiến và xe tăng. Nó cũng giải thích cách thức chế tạo bẫy, lát những đường phi đạo giả, và đánh lừa địch bằng cách để cho các đơn vị cố định bắt chước các đặc điểm của những đơn vị đang di chuyển. Những chiến thuật như thế đã được quân đội Tây phương sử dụng lâu nay.
Ông Pinkston, một cựu chuyên gia về Bắc Triều Tiên làm việc cho Không lực Hoa Kỳ, nói rằng cuốn chỉ nam bí mật này có phần chắc đã được phân phát cho các cấp chỉ huy và các chuyên gia quân sự cấp cao có liên hệ với chiến tranh điện tử.
Ông nói: “Điều này có thể hơi lạ nhưng có một nhận thức rõ ràng ở đầu văn kiện về tầm quan trọng của điện tử, của các hệ thống liên lạc, thông tin, máy điện toán và cách thức những thứ này ảnh hưởng đến vấn đề chỉ huy và kiểm soát. Có sự thừa nhận rằng nếu chỉ huy và kiểm soát gặp trục trặc thì sẽ tác động nghiêm trọng đến khả năng tiến hành các cuộc hành quân.”
Tin tức về văn kiện này thoạt tiên được báo Chosun Ilbo loan tải. Tờ báo phát hành ở Seoul trích thuật lời một chuyên gia tình báo Nam Triều Tiên nói rằng các chiến thuật do thám của miền Bắc trải rộng hơn so với dự kiến.
Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, bởi vì họ không hề ký một hòa ước vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Bắc Triều Tiên có hơn 1 triệu binh sĩ, đa số trấn đóng ở vùng Phi quân sự chia cắt bán đảo. Nam Triều Tiên thì có khoảng 600 ngàn binh sĩ hiện dịch, và Hoa Kỳ bố trí khoảng 28 ngàn binh sĩ ở miền Nam.
Trong khi miền Bắc có nhiều binh sĩ hơn, các chuyên gia quân sự nói rằng miền Bắc thiếu thiết bị và vũ khí của họ phần lớn là cũ kỹ và lỗi thời, nhất là so với vũ khí công nghệ cao của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, miền Bắc bị nghi là có cả vũ khí sinh học lẫn hóa học, và nói rằng họ còn đang chế tạo vũ khí hạt nhân nữa.
Đài VOA đã có được 48 trong số 80 trang của Hội Truyền giáo Caleb.
Tổ chức Cơ đốc giáo nhỏ ở thành phố Cheonan, trợ giúp những người Bắc Triều Tiên đào tỵ. Mục sư của tổ chức này, ông Kim Sung-eun, nói rằng những người làm liên lạc cho họ ở quốc gia cộng sản khép kín này sẵn sàng hy sinh tính mạng mình và gia đình để đưa các loại văn kiện này ra khỏi Bắc Triều Tiên.
Vị mục sư này nói ông có thể thu thập một số bí mật quân sự của Bình Nhưỡng bởi vì những người có thế lực ở Bắc Triều Tiên hợp tác với tổ chức của ông.
Bằng cách đưa lậu các máy thu hình giống như những cây bút ra vào nước, Hội truyền giáo này còn bí mật thu thập được video về sinh hoạt ở Bắc Triều Tiên, trong đó có những chợ thực phẩm ngoài trời. Những tài liệu này cho thấy thoáng qua các điều kiện hiện tại bên trong xứ sở nghèo khó này.
Bắc Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ nơi mà một số ít khách ở ngoài được phép vào nước có thể đến và những gì họ chụp ảnh hay quay video.
Một cuốn chỉ nam quân sự được cho là đã bị đưa lậu ra ngoài Bắc Triều Tiên tỏ lộ mối lo của Bình Nhưỡng về kỹ thuật chiến tranh điện tử được Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sử dụng. Văn kiện này còn cho thấy quân đội Bắc Triều Tiên dùng sơn thẩm thấu radar và các chiến thuật do thám khác để che giấu vũ khí của họ. VOA đã có được một bản sao văn kiện này, và thông tín viên VOA Steve Herman ở Seoul ghi nhận chi tiết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1