Đường dẫn truy cập

Ngoại giao về vấn đề Triều Tiên gia tăng


Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng phái đoàn được chào đón khi đến Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 26/4/2011
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cùng phái đoàn được chào đón khi đến Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 26/4/2011

Những hoạt động ngoại giao về vấn đề Triều Tiên trong tuần này đang có sự gia tăng rõ rệt. Từ thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.

Một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ, hiện đang có mặt tại Seoul. Thương thuyết gia hàng đầu của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân đang hô hào cho việc mở lại cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên như một sự khởi đầu của việc thực hiện lại cuộc đàm phán 6 bên. Mục tiêu của cuộc đàm phán này là làm cho Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân.

Ông Vũ Đại Vĩ đã bắt đầu các cuộc thảo luận ở thủ đô của Nam Triều Tiên chỉ vài giờ sau khi một nhóm các chính khách nổi tiếng thế giới đến Bắc Triều Tiên để bắt đầu chuyến viếng thăm trong 3 ngày. Nhóm được gọi là “Trưởng Lão” này gồm có cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Gro Brundland, và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson. Phái đoàn đã được Thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho nghênh đón tại phi trường Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Kim Sung Hwan, cho biết ông không trông đợi nhiều ở chuyến đi của nhóm Trưởng Lão.

Ông Kim nói rằng chính phủ Nam Triều Tiên không cần tới sự giúp đỡ của phe thứ ba để truyền đạt ý kiến của mình tới giới hữu trách ở Bắc Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ hai, ông Carter nói rằng nhóm của ông hy vọng sẽ gặp được lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il và người con trai và cũng là người thừa kế của ông là ông Kim Jong Un.

Phái đoàn Trưởng Lão cho hay họ muốn thảo luận về cuộc đàm phán đang bị bế tắc về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và tìm hiểu về nạn thiếu hụt lương thực ở Bắc Triều Tiên.

Nhiều người biểu tình ở Seoul trong tuần này hy vọng phái đoàn Trưởng Lão sẽ nêu lên vấn đề nhân quyền với giới hữu trách Bắc Triều Tiên.

Tại cuộc biểu tình ở trạm xe lửa chính của thành phố Seoul ngày hôm nay, những người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với một dự luật đang được bàn thảo ở Nam Triều Tiên về vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên. Dự luật này đề nghị hạn chế thêm nữa những hoạt động viện trợ nhân đạo và thiết lập một văn phòng của chính phủ chuyên theo dõi tình hình nhân quyền ở miền Bắc. Những người biểu tình cũng đòi Bình Nhưỡng đóng cửa các trại tù mà họ nói là nơi hàng vạn Bắc Triều Tiên bị ngược đãi cho tới chết.

Ông Woo Dae Sik, một thành viên của Hội Cựu chiến binh Nam Triều Tiên, nói rằng những vấn đề này cần phải được phản ánh trong các chính sách của chính phủ.

Ông Woo nói thêm rằng những cuộc biểu tình như thế này rất có ích và vấn đề nhân quyền cần phải được nêu ra để phục vụ cho mục tiêu tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Cuộc đàm phán 6 bên - gồm 2 miền Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga, đã bị bế tắc hơn hai năm nay.

Những nỗ lực nhằm thực hiện lại những cuộc thảo luận cấp cao giữa Seoul và Bình Nhưỡng cũng bị bế tắc. Nam Triều Tiên nhiều lần nói rằng trước hết Bắc Triều Tiên phải tạ lỗi về việc đánh chìm một chiến hạm, giết chết 46 binh sĩ của họ hồi năm ngoái. Bắc Triều Tiên đã bác bỏ kết luận của một cuộc điều tra quốc tế cho rằng chiến hạm của miền nam bị chìm vì ngư lôi của miền bắc.

Các mối quan hệ Liên Triều đã trở nên căng thẳng nhiều hơn nữa cách nay 5 tháng, khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên gần ranh giới trên biển ở Hoàng Hải, gây tử vong cho 4 người Nam Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG