Những người đào tị từng phục vụ trong quân đội cộng sản Bắc Triều Tiên đang yêu cầu chính phủ Nam Triều Tiên cho phép họ chiến đấu chống lại các cựu đồng chí của họ.
Một nhóm có tên là Mặt trận Giải phóng Nhân dân Bắc Triều Tiên hôm nay nộp một thỉnh nguyện thư cho bộ quốc phòng Nam Triều Tiên. Họ muốn được phép thành lập một lực lượng đặc biệt để góp phần kết liễu chế độ Cộng Sản ở miền bắc.
Ông Kim Seong Min, chủ tịch của tổ chức này, cho biết như sau.
Ông Kim nói đại ý rằng nếu được cấp phát súng đạn thì những người của tổ chức ông sẵn sàng tiến ra tiền tuyến, như đảo Yeonpyeong, là nơi bị Bắc Triều Tiên pháo kích hồi tháng trước.
Ông Park Chun Guk cho biết ông từng là người chỉ huy một sư đoàn lực lượng đặc biệt ở Bắc Triều Tiên.
Ông Park nói rằng một người từng là kẻ trộm biết được kẻ trộm khác có thể làm gì, cho nên những người từng là bộ đội miền bắc như ông hiểu được tình hình ở Bắc Triều Tiên cũng như chiến thuật và cách suy nghĩ của binh lính ở miền bắc.
Ông Park là một trong những cựu chiến binh Bắc Triều Tiên tham dự một cuộc họp báo ở Seoul ngày hôm nay. Những người này cho biết các chi tiết về đơn vị đã pháo kích vào đảo Yeonpyeong hồi tháng trước. Họ cũng nói rằng nhiều cựu đồng chí của họ đã được huấn luyện để lẻn vào Seoul và những thành phố khác để phá hủy những mục tiêu quan trọng, như phi trường và hải cảng, để phá hoại kinh tế của miền nam trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Những người đào tị này dự báo là Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện những hành vi gây hấn với Nam Triều Tiên. Lý do là vì ông Kim Jong Un, người dự kiến sẽ lên “nối ngôi” ở Bắc Triều Tiên, cần phải chứng tỏ uy tín của một nhà lãnh đạo, giống như cha ông là ông Kim Jong Il đã làm trong thập niên 1980, trước khi lên “nối ngôi” của ông nội ông là cố lãnh tụ Kim Il Sung.
Hơn 20.000 người Bắc Triều Tiên đào tị đang sinh sống ở Nam Triều Tiên.
Hai miền Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh từ năm 1953 sau khi cuộc chiến 3 năm kết thúc bằng một hiệp định ngưng bắn, chứ không phải là một hòa ước.
Căng thẳng giữa đôi bên đã gia tăng đáng kể sau khi một chiến hạm Nam Triều Tiên bị chìm hồi tháng 3, gây tử vong cho 46 binh sĩ hải quân. Một cuộc điều tra quốc tế kết luận rằng chiến hạm Cheonan bị ngư lôi của Bắc Triều Tiên đánh trúng. Bình Nhưỡng nói rằng họ không dính líu gì tới vụ này.
Tuy nhiên Bắc Triều Tiên thừa nhận đã pháo kích vào đảo Yeonpyeong hồi tháng trước. Họ nói rằng đó là một hành động chính đáng vì trong một cuộc tập trận ở đảo này quân đội Nam Triều Tiên đã nã đại pháo vào vùng biển có tranh chấp ở phía tây bán đảo Triều Tiên.
Nam Triều Tiên đang tiến hành các cuộc tập trận bằng đạn thật sang tới tuần lễ thứ nhì liên tiếp. Các giới chức ở đây không cho biết là họ có bắn vào vùng biển có tranh chấp hay không.
Bình Nhưỡng nói rằng những cuộc tập trận như vậy, cùng với những cuộc thao dượt hải quân mới đây mà Hoa Kỳ thực hiện chung với Nam Triều Tiên và Nhật Bản, đang đưa bán đảo Triều Tiên tới gần bờ vực chiến tranh.
Lòng căm phẫn đang gia tăng trong dân chúng Nam Triều Tiên kể từ khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong hôm 23 tháng 11. Nhiều người ở đây cũng tức giận vì điều mà họ cho là phản ứng yếu ớt của chính phủ đối với vụ tấn công, giết chết 4 người. Một nhóm người Bắc Triều Tiên đào tị nằm trong số những người muốn chính phủ Nam Triều Tiên có hành động cứng rắn hơn. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1