Có lúc ông Ji Sang Huyn không biết là ông có thể gặp lại mẹ ông nữa hay không. Lúc đó là năm 2006 và mẹ ông đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên từ hai năm trước.
Ông Ji, năm nay 28 tuổi, cùng với người em trai và người em gái cũng đã vượt biên và đang sống lén lút ở miền đông bắc Trung Quốc. Tại đây ông nhận được một cú điện thoại.
Ông Ji cho biết mẹ ông gọi cho ông từ Nam Triều Tiên. Bà nói rằng vì nghĩ là ở lại Trung Quốc quá đỗi nguy hiểm cho nên bà quyết định tới Nam Triều Tiên.
Trung Quốc mang trả về nước những người Bắc Triều Tiên mà họ cho là nhập cảnh bất hợp pháp. Các tổ chức nhân quyền và những người tị nạn cho biết những người bị trả về nước bị nhà chức trách Bắc Triều Tiên giam cầm ở những trại tù, nơi họ bị tra tấn và thậm chí bị xử tử.
Mẹ ông Ji đã xếp đặt để nhờ một người đưa lậu người tị nạn đi cùng với ông Ji và em trai ông sang Lào rồi sang Nam Triều Tiên. Nhưng ông Ji nói rằng ông không kịp tìm em gái ông để đưa cô đi chung. Mãi đến tháng 9 vừa qua ông Ji mới tìm được người em gái của mình.
Ông Ji nói rằng em ông không biết hai ông anh của mình đã quay lại Bắc Triều Tiên hay đã tới Nam Triều Tiên. Nhưng nhờ một người bạn ở Trung Quốc cô biết được họ ở Seoul. Họ liên lạc với cô và trả tiền cho một tổ chức nhân quyền để giúp đưa cô sang Nam Triều Tiên.
Em gái của ông Ji giờ đây đang ở tại một cơ sở của chính phủ, nơi người Bắc Triều Tiên tạm trú trong vòng 3 tháng và học cách thích nghi với cuộc sống mới.
Cơ sở này có tên là Hanawon và đang được nới rộng để có thể thu nhận thêm người tị nạn. Hơn 20.000 người đã tới Nam Triều Tiên kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953. Trong số này có hơn phân nửa là những người vượt biên từ năm 2007, phần lớn là vì nạn đói và sự bách hại ở Bắc Triều Tiên.
Một số người tị nạn và những người tranh đấu cho quyền lợi của người tị nạn nói rằng người Bắc Triều Tiên đào tị sẽ mỗi ngày một nhiều.
Ông Tim Peters là một nhà truyền giáo người Mỹ và đã lập một tổ chức ở Seoul để giúp người đào tị tới Nam Triều Tiên.
Ông Peters nói: "Dần dần chúng ta sẽ thấy số người tới Nam Triều Tiên mỗi lúc một đông và điều này không hoàn toàn là nhờ công của đường xe lửa ngầm."
Ông Peters nói rằng những người Bắc Triều Tiên tái định cư ở miền nam đang đóng một vai trò lớn hơn trong việc giúp cho thân nhân họ rời khỏi Trung Quốc. Một số người đã tự lập các mạng lưới môi giới và cộng tác với các nhà truyền giáo.
Ôngg Peters nói tiếp: "Hầu như tất cả những người tị nạn tái định cư ở Nam Triều Tiên đã thề hứa với 3 hoặc 4 người khác trong gia đình của họ hoặc những người thân thiết ở Bắc Triều Tiên là khi họ được tái định cư thì họ sẽ làm hết sức để giúp những người đó vượt biên."
Ông Peters cho biết một số người tị nạn thậm chí còn trở lại Trung Quốc để đưa người thân của họ tới Nam Triều Tiên.
Bà Kim Seok Hyang là một cực viên chức của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, cơ quan giám sát hoạt động tái định cư người tị nạn Bắc Triều Tiên. Bà Kim cho biết những người tị nạn làm tất cả những gì có thể làm để giúp gia đình của họ vượt biên.
Bà nói rằng nhiều người tị nạn, đặc biệt là những người phụ nữ chiếm số đông ở đây, đã mang khoản tiền vài ngàn đô la mà chính phủ trợ cấp để trả cho những người môi giới để đưa thân nhân họ tới Nam Triều Tiên. Và trong trường hợp không đủ tiền, một số người quay sang làm nghề mại dâm.
Bà Kim cho biết: "Họ muốn hy sinh để có được khoản tiền đó. Trong cách nhìn của họ thì họ cần phải cứu những người trong gia đình và họ không có lựa chọn nào khác hơn là phải bán thân."
Ông Ji Sang Hyun nói rằng ông không biết mẹ ông đã trả bao nhiêu tiền để cho ông cùng với người em trai và người em gái tới được Nam Triều Tiên. Ông chỉ cảm thấy vui mừng vì rốt cuộc em gái ông đã tới được Nam Triều Tiên và cả nhà có thể đoàn tụ. Nhưng câu chuyện của ông cũng không hoàn toàn là một câu chuyện “có hậu”.
Ông Ji nói rằng cha ông lúc đầu không muốn vượt biên nhưng khi biết được ba mẹ con ông đều tới Nam Triều Tiên thì ông cũng tìm cách vượt biên. Nhưng ông đã bị công an biên phòng bắt được và bị tra tấn trong nhà giam.
Ông Ji nói rằng sau đó ông biết được là cha ông đã qua đời chỉ vài ngày sau khi được thả khỏi nhà giam.
Số người Bắc Triều Tiên tị nạn tới được Nam Triều Tiên đang tiếp tục gia tăng. Phần lớn những người này đạt được mục tiêu nhờ sự giúp đỡ của những nhà truyền đạo Cơ đốc giáo. Các nhà truyền giáo đưa người Bắc Triều Tiên qua tuyến đường được gọi là đường xe lửa ngầm từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam A, nơi dễ xin tị nạn hơn. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên VOA Jason Strother tại Seoul, những người tị nạn định cư ở Nam Triều Tiên giờ đây đang đóng một vai trò lớn hơn trong việc đưa thân nhân bạn bè của họ tới miền Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1