Sáng nay, Thứ Bảy, đọc báo mạng ở trong nước, tôi mới biết tin giáo sư Lê Trí Viễn đã qua đời tại Sài Gòn vào ngày hôm trước, Thứ Sáu 3 tháng 2 năm 2012.
Ở Việt Nam, có lẽ không ai học và/hoặc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam mà lại không biết Lê Trí Viễn. Ông là một trong những đại thụ trong ngành văn học cổ điển Việt Nam; hơn nữa, còn là một trong những giáo sư kỳ cựu nhất, nếu không muốn nói, là người kỳ cựu nhất, không có ai sánh kịp về thời gian đứng lớp: ông bắt đầu dạy học từ thời kháng chiến chống Pháp; sau Hiệp Geneva, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục dạy học; sau năm 1975, ông cùng gia đình dọn vào Sài Gòn và tiếp tục dạy học. Đến quá tuổi về hưu, ông vẫn tiếp tục dạy học trong rất nhiều năm. Ông theo đuổi nghể dạy học, như thế, có lẽ trên 70 năm. Cùng với việc dạy học, ông viết và dịch khá nhiều sách. Ông tham gia nhóm biên soạn bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (gồm 3 tập, xuất bản tại Hà Nội năm 1958), bộ Lịch sử văn học Việt Nam (gồm 6 tập, 1962-3). Có hai đề tài ám ảnh ông nhiều nhất và ông viết cũng hào hứng nhất: bình thơ và tìm hiểu đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam. Về đề tài đầu, ông đã xuất bản các cuốn: Những bài giảng văn ở đại học (2 tập, 1982 và 1988); Bình thơ xuân (1996), và Đến với thơ hay (1997). Về đề tài sau, ông có đến ba cuốn: Đặc điểm có tính quy luật của lịch sử văn học Việt Nam do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1984; sau, ông sửa lại, lấy nhan đề là Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam, được nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp ấn hành vào năm 1987; và cuối cùng, cũng theo hướng nghiên cứu ấy, ông khai triển thêm, thành cuốn Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, được nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1996.
Lê Trí Viễn, ngay từ nhỏ, đã muốn trở thành một nhà văn và một nhà thơ, nhưng ông lại lập nghiệp và nổi tiếng, trước hết, với tư cách một nhà giáo và một nhà nghiên cứu. Có điều, với tư cách một nhà giáo, dù rất nổi tiếng, ông không phải là người dạy thật hay; và với tư cách một nhà nghiên cứu, dù cũng rất nổi tiếng, ông cũng không phải một nhà nghiên cứu thật giỏi: cả đời ông không hề có một phát hiện nào đáng kể cả. Ở cả hai lãnh vực, không ít người xuất sắc hơn ông. Yếu tố tạo nên nét đặc biệt ở ông, với cả hai tư cách ấy, lại đến từ giấc mơ làm nhà văn và nhà thơ từ nhỏ: Trong số những nhà giáo dạy văn học cổ ở Việt Nam, ông là một trong những người có khả năng cảm thụ tinh tế nhất; và trong số những người chuyên viết lách về văn học cổ, ông là một trong những người có giọng văn mượt mà và giàu cảm xúc nhất. Số phận của Lê Trí Viễn, do đó, là số phận của một người đứng ở ngã ba. Ông thành công và thành danh ở ngay vị trí ngã ba ấy.
Tuy nhiên, ở đây, tôi không có ý định phê bình Lê Trí Viễn. Tôi chỉ muốn viết về ông như một người thầy. Một người thầy, với riêng tôi, có thật nhiều tình nghĩa. Nếu không có thầy, có lẽ cuộc đời của tôi đã khác.
Tôi không nhớ tôi học với thầy Lê Trí Viễn một hoặc hai học kỳ. Và cũng xin thú thực, tôi hoàn toàn không nhớ đã học được ở ông bất cứ điều gì trong một hoặc hai học kỳ ấy. Ông không phải là người hoạt khẩu. Đọc ông: thích; nghe ông giảng bài: hơi mệt. Dự giờ ông khá nhiều, tôi chỉ nhớ một chuyện duy nhất: cách ông đọc diễn cảm Truyện Kiều. Ông vừa giảng vừa đọc từng đoạn, từng đoạn Truyện Kiều một cách say sưa và đầy xúc động. Giọng ông có lúc như nghẹn lại. Còn mắt ông lúc thì đăm chiêu, lúc thì buồn bã, lúc thì thiết tha, lúc thì long lên phẫn nộ tùy theo tâm trạng của Thúy Kiều. Có vẻ như ông hoàn toàn nhập hồn vào Truyện Kiều. Chỉ có một vấn đề nhỏ: chất giọng Quảng Nam của ông còn rất nặng. Do đó, đám bạn học của tôi, hầu hết là dân miền Nam, khi nghe những câu “Trăm năm trong cõi người toa / Chữ toài chữ moạng khéo lòa ghét nhau” đã hộc lên cười. Lúc đầu rinh rích; sau, ầm ĩ. Đang đọc, thầy Viễn bỗng khựng lại, ngơ ngác; sau, bừng bừng nổi giận. Ông bẻ mấy viên phấn trắng trên bàn, ném tung tóe vào đám sinh viên; vừa ném vừa chửi: “Tổ choa tụi bay, đồ dzô cổm. Thơ hay như rứa mà cứ nhen reng ra mà cười!” (1) Đám sinh viên sợ, im bặt. Về sau, chỉ dám cười ngoài lớp. Sau lưng ông.
Tôi chỉ thực sự thấy gần gũi với thầy Viễn ở năm cuối cùng, lúc tôi làm luận văn tốt nghiệp về văn học Việt Nam do thầy hướng dẫn. Bài luận văn ấy được thầy cho 10/10. Trong một cuộc họp Khoa, một người nào đó trong Ban chủ nhiệm đề nghị hạ bớt một điểm, thành 9/10 với lý do: đối với môn Văn, không nên cho điểm tuyệt đối. Tôi nghe kể lại, lúc ấy, thầy Viễn nói: “Tôi đã dạy học 40 năm; tôi xin đem 40 năm dạy học của tôi để làm bảo chứng cho cái điểm 10 ấy.” Nghe thầy nói thế, mọi người – trong đó có nhiều người là học trò cũ của thầy – im lặng. Cuối cùng, cộng điểm tất cả các môn lại, tôi đỗ thủ khoa. Đến lúc Khoa bàn bạc chuyện bổ nhiệm, cũng lại thầy Viễn là người đề nghị giữ tôi ở lại trường để làm cán bộ giảng dạy. Cũng lại có một số người đặt vấn đề về lý lịch của tôi: dân miền Nam, gia đình Công giáo, không có chút quan hệ gì với “cách mạng”. Thầy Viễn lại đứng ra bảo đảm cho tôi, và nhờ thế, tôi được giữ lại trường, trong khi tất cả bạn bè của tôi đều phải đi dạy ở các tỉnh lẻ rất xa. Và rất heo hút.
Chuyện bảo chứng cũng như bảo đảm ấy, thầy Viễn không bao giờ kể cho tôi nghe. Những gì tôi biết được đều đến từ các thầy cô khác, sau này.
Được giữ lại trường, tôi có hai năm để tham dự khóa đào tạo hậu đại học dưới sự hướng dẫn của thầy Viễn. Thời ấy, nói là đào tạo nhưng, thật ra, lại chẳng có bài bản gì. Tôi nhớ, buổi họp mặt đầu tiên, thầy chỉ dặn tôi hai điều: một, cố học thêm chữ Hán; và hai, đọc thật kỹ các cuốn lịch sử văn học Việt Nam đã được xuất bản ở miền Bắc. Học chữ Hán như thế nào? Thầy bảo, đại khái: Tìm một cuốn sách giáo khoa chữ Hán nào đó, về nhà, tự học. Học bao nhiêu tùy sức. Còn chuyện đọc lịch sử văn học, thầy dặn kỹ hơn: Làm sao biết hết và hiểu hết những gì được trình bày trong đó. Biết tất cả các tài liệu được trích dẫn và được nhắc nhở. Ví dụ, trong các chương viết về Nguyễn Trãi, hầu như ai cũng nói ông ngoại của ông, Trần Nguyên Đán và cha của ông, Nguyễn Phi Khanh, đều là những nhà thơ lớn. Nhiệm vụ của tôi, trong trường hợp ấy là, phải tìm đọc về Trần Nguyên Đán và Nguyễn Phi Khanh để biết, một, họ là ai; và hai, họ làm thơ như thế nào. Đại khái thế. Tôi làm theo lời thầy dặn. Có điều, sau đó, trong các cuộc họp mặt hàng tuần hoặc hai tuần, thầy lại chẳng hỏi gì về những gì tôi đã học cả. Nếu hỏi, chỉ hỏi qua loa chứ không hề đi vào chi tiết. Nhiều nhất là hai thầy trò ngồi tán gẫu về một đề tài văn học nào đó nảy sinh một cách hoàn toàn tự phát. Hoặc thầy rủ đi thư viện. Hai thầy trò xin được giấy phép để chui vào các phòng đọc đặc biệt, tha hồ lục lọi, chủ yếu là đọc lại các tạp chí văn học ở Sài Gòn trước năm 75.
Thoạt đầu, mỗi lần đi ra ngoài như thế, tôi hay rủ thầy Viễn ghé uống cà phê hay ăn uống gì đó. Bao giờ thầy cũng từ chối. Dứt khoát từ chối. Sau, tôi nghe nhiều thầy cô cũng nói như vậy: Đó là tính cách của thầy, ngay từ ở Hà Nội. Hỏi: Tại sao? Đáp: Thầy quan niệm được ai mời ăn hay uống thì phải mời lại mới sòng phẳng. Nhưng kinh tế của thầy lại khó khăn, khó có thể mời ai ăn hay uống được. Nên thầy từ chối. Để, nói theo chữ của thầy, là “khỏi bị nợ miệng”. Biết thế, tôi không mời thầy nữa. Hai thầy trò lọc cọc đạp xe đạp đến thư viện; đọc sách xong, lại lọc cọc đạp xe về. Ai về nhà nấy.
Nhắc đến ăn uống, sực nhớ một đoạn trong cuốn Hồi Ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, cũng là một trong những thầy cũ của tôi ở đại học. Trong cuốn hồi ký ấy, thầy Mạnh có thuật lại một chuyện liên quan đến thầy Viễn do tôi kể cho thầy nghe vào năm 1996 với một vài chi tiết thầy nhớ không chính xác, do đó, rất dễ gây hiểu lầm. Thầy Mạnh viết:
“Vào khoảng 1997, 1998 gì đó, Nguyễn Hưng Quốc về nước có đến thăm
tôi. Anh vốn là học sinh ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Sau 30-4-
1975, anh ở lại thành phố và học văn ở Đại học sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp,
anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Ít lâu sau, anh vượt biên sang Pháp rồi
sang úc và hiện đang làm việc ở đấy.
Anh nói, sở dĩ anh vượt biên không phải vì sợ khổ mà cảm thấy tương lai
mù mịt. Anh kể tôi nghe một chuyện thật tội nghiệp.
Hồi ấy còn chế độ bao cấp, mọi thứ thực phẩm đều được phân phối theo
tem phiếu, mà tiêu chuẩn thì rất hạn chế. Tuy nhiên do sự tháo vát của công
đoàn, thỉnh thoảng anh em cũng được mua thêm ít thịt, ít cá ngoài tiêu chuẩn.
Anh nhớ hôm ấy công đoàn kiếm đâu được một mớ thịt đem về chia đều
cho mỗi người một suất. Tất nhiên dù chia cẩn thận đến thế nào vẫn không thể
đều nhau tuyệt đối được. Trong khi chia thịt, mọi người đứng vây xung quanh.
Không ai bảo ai nhưng người nào cũng chăm chăm quan sát các suất thịt xem
miếng nào ngon hơn, miếng nào nhỉnh hơn.
Chia xong, bắt đầu nhận phần. ưu tiên nhận trước phải dành cho bậc cao
niên nhất trong khoa, ấy là thầy Viễn – Lê Trí Viễn. Do đã nhằm sẵn, nhằm kỹ
trước rồi nên được lệnh, thầy chộp ngay lấy một miếng ngon nhất và có phần
nhỉnh hơn các miếng khác một chút.
“Ôi! – Nguyễn Hưng Quốc nói tiếp – em phấn đấu đến bao giờ mới thành
giáo sư Viễn để được chộp lấy miếng thịt kia! (2) Phải vượt biên thôi! Vượt biên
thôi!” (3).
Để hiểu được ý nghĩa chuyện chia thịt, cần nhớ đến hoàn cảnh kinh tế Việt Nam vào những năm 1979-1980. Thời ấy, có thể nói, cả nước đều đói. Một phần vì chiến tranh với Cam Bốt và Trung Quốc. Phần khác vì nạn lụt lớn ở các tỉnh miền Tây. Nhưng quan trọng nhất là vì chính sách bao cấp và ngăn sông cấm chợ của chính quyền. Lương cán bộ giảng dạy ở đại học mỗi tháng được 64 đồng. Mua 13 ký gạo với giá rẻ mất hết khoảng 10 hay mười mấy đồng gì đó. Và một số nhu yếu phẩm khác, trong đó, có một ký thị heo cũng với giá rất rẻ. Thịt heo được mang về văn phòng Khoa, mỗi tháng một lần. Cô thư ký có nhiệm vụ chia đều mỗi phần một ký. Đúng một ký. Với tôi, lúc ấy còn độc thân, sống chung với gia đình một người em họ vốn làm nghề buôn bán và thường xuyên nhận hàng viện trợ từ thân nhân ở ngoại quốc, nên đời sống, nói chung, có lẽ thoải mái hơn hẳn các đồng nghiệp khác. Tôi nhìn các phần thịt nằm trên mấy mảnh báo cũ dưới sàn nhà một cách ơ hờ. Ý nghĩ duy nhất lóe lên trong đầu là bữa nhậu sắp tới với bạn bè. Nhưng với các thầy cô giáo khác, đó lại là một ký thịt duy nhất cho gia đình trong cả tháng. Mắt ai cũng hau háu. Họ phân vân cân nhắc miếng nào nhiều mỡ hay nhiều nạc. Họ chen lấn nhau để đến gần miếng thịt mình chọn lựa. Đến lúc cô thư ký hô: “Xong rồi!”, mọi người nhào đến chụp. Một lần, tôi cúi xuống lấy phần thịt gần nhất. Đó cũng là miếng thịt thầy Viễn ngắm nghía. Thầy gạt tay tôi một cách mạnh bạo để giành miếng thịt ấy. Tôi giật mình rụt tay lại. Lần ấy, tôi chờ mọi người lấy xong hết để nhận miếng thịt cuối cùng còn lại trên mấy mảnh giấy báo trên sàn nhà.
Về, tôi thấy ngậm ngùi. Tôi không trách gì thầy Viễn cả. Không, tuyệt đối không. Tôi chỉ thấy thương cho thầy, cũng như thương cho vô số thầy cô khác, những người có tài, thông minh, đầy tâm huyết, nhưng phải sống trong hoàn cảnh khốn quẫn. Rồi tôi nghĩ đến bản thân tôi. Tôi mường tượng cảnh tôi, 40 năm sau, cũng giáo sư, cũng in sách, và cũng chen lấn giành giựt từng miếng thịt. Tôi thấy thêm một điều: chế độ này không những đẩy con người đến chỗ khốn cùng mà còn làm cho người ta mất cả tư cách nữa. Lần đầu tiên tôi lóe lên ý nghĩ vượt biên.
Chỉ nghĩ bâng quơ vậy thôi. Ý nghĩa ấy chỉ thành một quyết tâm vào mấy tháng sau đó khi tôi đưa cho thầy Viễn xem một bài viết của tôi về Chinh phụ ngâm. Trước, tôi đã đưa cho vài thầy cô khác xem. Ai cũng khen. Thầy Viễn vừa khen vừa chê. Khen giọng văn của tôi. Nhưng chê, thậm chí, chê kịch liệt về quan điểm. Thầy nói: “Nó có nguy cơ vượt ra ngoài quỹ đạo của chủ nghĩa Mác về văn học.” Rồi thầy phân tích từng điểm, từng điểm. Tôi cố phân bua: “Em muốn viết cái gì mới mới.” Thầy trợn mắt, nạt: “Thì viết lại ý tưởng của người khác bằng giọng văn riêng của mình là mới rồi!” Xong, thầy vỗ về: “Em còn trẻ, lại sinh trưởng ở miền Nam, nên cẩn thận rèn luyện về quan điểm. Bây giờ, cách tốt nhất là nên đọc kỹ người khác; lấy ý người khác viết lại bằng văn của mình dưới hình thức khác. Diễn đạt thật hay thì bài viết cũng hay. Cách diễn đạt mới thì bài viết cũng đầy tính sáng tạo.” Tôi không chấp nhận điều đó. Nhưng tôi không cãi. Về nhà, nằm nghĩ ngợi, tôi biết tôi không thể tiếp tục sống và viết lách với một quan điểm sáng tạo hẹp hòi và ấu trĩ như vậy. Tôi quyết định: vượt biên.
Lần vượt biên đầu tiên bị thất bại. Tôi bị bắt và bị ở tù mất hơn nửa năm. Về, tôi bị mất việc ở đại học. Bạn bè tôi kể lại, trong một cuộc họp Khoa, sau khi biết tôi vượt biên (nhưng chưa biết tôi đang ngồi tù), thầy Viễn đã xin lỗi các “đồng chí” trong Khoa về việc đã bảo lãnh cho tôi ở lại trường hai năm về trước. Thầy thề sẽ không bảo lãnh cho bất cứ “đứa nào ở miền Nam” nữa cả.
Tôi rất áy náy đã phụ lòng tin của thầy. Bởi vậy, trong những năm sống ở Việt Nam cũng như trong những lần về nước trước kia, tôi không hề tìm gặp thầy. Tôi vẫn đọc thầy và nghe kể nhiều về thầy. Nhưng không gặp. Mãi đến năm 1998, nhân gặp một người bạn của tôi, vốn là giáo sư tại Úc, trong chuyến công tác ở Việt Nam, thầy có gửi cho tôi cuốn Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam với lời đề tặng lẩy từ Truyện Kiều: “.... mà lòng đã chắc những ngày một hai”.
Tôi có viết thư cám ơn thầy. Nhưng không nhận được hồi âm. Rồi thôi. Từ đó về sau, tôi không liên lạc gì với thầy. Dù tôi vẫn đọc thầy. Và vẫn nghe ngóng tin tức về thầy.
Tin mới nhất tôi nhận được hôm nay là thầy đã vĩnh viễn ra đi.
***
Chú thích:
1. “Tổ cha tụi bây, đồ vô cảm. Thơ hay như vậy mà cứ nhăn răng ra mà cười.”
2. Câu này, thật ra, hoàn toàn khác. Xin xem đoạn phía dưới.
3. Xem trên
http://www.wattpad.com/107807-hoi-ky-nguyen-dang-manh?p=45
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.