Đầu năm mới, sau những ngày thẫn thờ đọc vu vơ và vẩn vơ những tập thơ cũ - ở đâu cũng chỉ thấy những nỗi niềm hiu hắt, tôi quay trở lại với công việc nghiên cứu và viết lách thường lệ, bắt đầu với việc lục tài liệu trong các thư viện thực và ảo. Một trong những tài liệu tìm thấy, một cách rất tình cờ, lại chứa đựng một nhận xét bất ngờ và thú vị: Thời đại chúng ta đang sống là thời đại hòa bình và nhân đạo nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay.
Phản ứng đầu tiên khi đọc nhận xét ấy là ngạc nhiên và ngờ vực. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu; ở đâu và lúc nào cũng tràn ngập tin tức, và phần lớn tin tức liên quan đến chuyện chiến tranh: chiến tranh ở Iraq tưởng đã kết thúc nhưng máu me vẫn đổ đầy trên đường phố, hầu hết là máu của thường dân vô tội; chiến tranh ở Afghanistan thì không biết lúc nào mới chấm dứt. Tình hình ở Libya và Syria thì vẫn rất lộn xộn, nguy cơ nội chiến có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực, kể cả Việt Nam, lúc nào cũng rất căng thẳng. Dân chúng ở Nam Hàn thì lúc nào cũng phập phồng trước những người anh em khùng khùng dại dại ở Bắc Hàn. Iran vẫn là một ngòi nổ cho một hoặc nhiều cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông; và nếu chiến tranh ở đó xảy ra, Mỹ và cả khối NATO nữa, không thể không tham dự.
Từ năm 2007 đến 2011, chi phí quân sự không ngừng tăng vọt. Trong biểu đồ “World military spending”, chúng ta thấy chi phí quân sự ở Mỹ tăng 19%, ở Trung Quốc 484.6%, ở Ấn Độ 384.2%, ở Nga 65%, ở Saudi Arabia 228.3%, ở Iran 380.2%, v.v…
Cùng với số lượng vũ khí và số tiền khổng lồ đổ ra cho các vũ khí ấy, có một khía cạnh khác quan trọng không kém: sức công phá của các loại vũ khí mới càng ngày càng tinh vi và càng dữ dội. Chỉ nói riêng về bom nguyên tử: năm 1945, quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima giết chết 135.000 người; ở Nagasaki 64.000 người. Hiện nay, có rất nhiều quả bom nguyên tử có sức công phá hơn hai quả bom nguyên tử ấy cả hàng ngàn lần. Xin lưu ý: mật độ dân cư sau này tăng lên rất cao. Nhà cửa cứ san sát nhau; người người cứ chen chúc nhau trong các thành phố lớn. Bởi vậy, cứ tưởng tượng: một quả bom nguyên tử lớn được thả xuống một thành phố lớn nào đó. Sẽ có bao nhiêu người chết? Chắc chắn là phải tính hàng triệu. Chứ không phải là hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn như trước.
Nhưng không phải chỉ có bom nguyên tử hay bom hạch tâm. Còn có các loại vũ khí hóa học hay sinh học mà sức công phá cũng ghê gớm không kém. Ngay cả loại vũ khí thông thường bây giờ cũng khác. Bom, ngày xưa, chỉ nổ trên mặt đất. Bom bây giờ có thể chui xuống mặt đất, xuyên qua những bức vách dày và kiên cố.
Tất cả số tiền và các loại vũ khí ấy đều nhắm đến một mục đích: giết được càng nhiều người bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Sống thường xuyên với những bản tin chiến sự và những con số như thế, chúng ta không thấy bất an sao được? Dễ ngỡ như thời chúng ta sống là thời đại khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu lại đưa ra một bức tranh khác, lạc quan hơn, và thật ra, với những bằng chứng chính xác và thuyết phục hơn. Nổi bật nhất trong số này là Steven Pinker, giáo sư tâm lý học tại Harvard. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, xuất bản vào cuối năm 2011, ông khẳng định: Khác với định kiến của nhiều người, sự bạo động trên thế giới càng ngày càng giảm và “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên bình yên nhất trong suốt lịch sử tồn tại của loài người.”
Nhận định có vẻ lạc quan thái quá của Pinker được rất nhiều sử gia ủng hộ. Lý do là nó gần với sự thật hơn là những ấn tượng đầy cảm tính của chúng ta. Người ta nêu lên mấy bằng chứng chính:
Thứ nhất, số lượng các cuộc chiến tranh càng ngày càng giảm. Các học giả ước tính, từ khi loài người bắt đầu có lịch sử viết, khoảng năm 3600 trước công nguyên đến nay, có tổng cộng khoảng 14.500 cuộc chiến tranh lớn đã nổ ra. Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các cuộc chiến tranh có khuynh hướng giảm dần: Trong thập niên 1950, mỗi năm trung bình có sáu cuộc chiến tranh; từ đầu thế kỷ 21 đến nay, mỗi năm trung bình có một cuộc chiến tranh. Nhìn vào biểu đồ “Average number of international conflicts, per year, 1950-2008”, chúng ta thấy rõ ngay khuynh hướng hòa bình hóa này:
Thứ hai, không những số lượng các cuộc chiến tranh giảm, số lượng người bị giết chết trong các cuộc chiến tranh ấy cũng càng ngày càng giảm. Xin lưu ý, trong số 14.500 cuộc chiến tranh lớn từ xưa đến nay, có khoảng 4 tỉ người đã bị giết. Trong thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh tàn khốc nhất là chiến tranh thế giới lần thứ nhất (khoảng 15 triệu người bị chết) và lần thứ hai (khoảng 66 triệu người bị giết). Sau đó, dù nhân loại có thêm nhiều loại vũ khí giết người hàng loạt, con số tử vong trong các cuộc chiến tranh lại giảm dần. Nhìn vào biểu đồ “Battle-deaths, 1946-2002” dưới đây, chúng ta thấy ngay điều đó:
Thật ra, biểu đồ trên cũng chưa thực sự chính xác: Nó không tính đến tỉ lệ tử vong trên dân số. Steven Pinker lý luận: ngày xưa, Thành Cát Tư Hãn và quân lính dưới trướng của ông giết tổng cộng khoảng 40 triệu người. Tính theo tỉ lệ dân số thế giới vào thế kỷ 13, con số 40 triệu nạn nhân ấy sẽ tương đương với khoảng 278 triệu vào giữa thế kỷ 20, tức nhiều hơn hẳn tổng số nạn nhân của hai cuộc đại thế chiến. Cũng vậy, con số khoảng 20 triệu người da đỏ bị giết chết vì bạo động và bệnh tật ngày trước sẽ tương đương với khoảng 92 triệu người hiện nay.
Cũng tính theo tỉ lệ dân số, tất cả các con số tử vong do các cuộc chiến tranh từ thập niên 1950 trở lại đây gây ra đều khá nhỏ. Chúng ta thấy rõ điều đó khi nhìn vào biểu đồ tỉ lệ tử vong trên 100.000 người dưới đây:
Chính vì vậy, không thể không đồng ý với nhận định của Steven Pinker: “Càng đô thị hóa, toàn cầu hóa, thương mại hóa, kỹ nghệ hóa và thế tục hóa, Châu Âu càng ngày càng an toàn hơn.”
Và thế giới cũng an toàn và ít bạo động hơn.
Biết thế, không vui sao được?
***
Chú thích:
Hai biểu đồ về chi phí quân sự trên cùng được lấy từ nguồn:
Các biểu đồ về chiến tranh được lấy từ: