Đường dẫn truy cập

Nghi án 4.000 lao động Việt làm chui ở Nhật


Một nhóm công nhân đang làm việc tại Tokyo, Nhật Bản (ảnh minh họa)
Một nhóm công nhân đang làm việc tại Tokyo, Nhật Bản (ảnh minh họa)

Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ 2 lãnh đạo của một công ty Nhật bị tình nghi sử dụng lao động trong đường dây có đến hàng ngàn lao động bất hợp pháp người Việt.

Tờ Mainichi của Nhật cho hay Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Satoshi Kogyo có trụ sở tại Maebashi, Gunma Prefecture, đã bị cáo buộc sử dụng 6 nhân công bất hợp pháp từ Việt Nam để làm việc cho các dự án phá dỡ ở Tokyo và Gunma Prefecture từ tháng 2 năm 2016 đến tháng Giêng năm nay. Sở Cảnh sát Đô thị (MPD) cũng đã chuyển hồ sơ vụ này sang cho các công tố viên vào ngày 10/2.

Tin cho hay 6 công nhân Việt, với độ tuổi từ 20 đến 30, đã ở quá thời gian quy định thị thực.

Các nhà điều tra tội phạm có tổ chức của Nhật nghi ngờ chỉ riêng năm 2016, Satoshi Kogyo đã tuyển dụng khoảng 4.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang để làm việc cho các dự án ở 7 tỉnh trong khu vực Kanto, giúp công ty này kiếm lợi nhuận khoảng 50 triệu yên.

Theo Sở Cảnh sát Đô thị của Nhật, công ty Satoshi Kogyo bắt đầu thuê nhân công Việt Nam từ khoảng năm 2014 và liệt kê họ bằng tên Nhật trong hồ sơ công ty để tránh bị phát hiện.

Trả lời phỏng vấn của VOA, nhà báo Đỗ Thông Minh ở Nhật cho biết số người Việt tại Nhật trước đây chỉ khoảng 20.000 người, nhưng con số này đã tăng lên nhanh chóng lên đến 120.000 người trong những năm gần đây, trong đó chiếm khá đông là người Việt đi lao động ở Nhật:

“Trong số đó có khoảng 10.000 người tị nạn, 10.000 người đoàn tụ, chỉ có 20.000 người chính thức định cư thôi. Còn lại là khoảng 50.000 người đi lao động, 50.000 người đi du học. Thế nhưng mà số người đi du học này người ta cũng chỉ xét trên giấy tờ thôi. Có thể nói đến quá bán là đi lao động”.

Theo nhà báo Đỗ Thông Minh, những người Việt lao động chui do hạn chế về ngôn ngữ, tình trạng cư trú… nên gặp khá nhiều thiệt thòi so với những người lao động hợp pháp tại Nhật. Những công việc mà các công nhân lao động chui thường làm là tại các nhà hàng, xưởng lắp ráp dây chuyển hoặc những công trình xây dựng ngoài trời.

Tờ Mainichi dẫn lời Chủ tịch công ty Satoshi Kogyo thú nhận với cảnh sát: “Lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ với mức lương thấp nên họ rất quan trọng”.

Ngoài lý do kinh tế, Nhật là nước có dân số già, tỷ lệ sinh đẻ thấp nên nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài tại Nhật rất cao. Chính vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thông Minh, chính phủ Nhật không quá mạnh tay với tình trạng người nước ngoài lao động chui:

“Lý do là bởi vì nước Nhật hiện tại xã hội bị lão hóa. Người già rất nhiều mà người trẻ rất thiếu. Thí dụ năm 2020 sắp tới tổ chức thế vận hội, Nhật Bản lo nhất là không có nhân công để xây dựng. Thành ra một mặt họ ngăn cấm những người vào bất hợp pháp, nhưng mặt khác họ vẫn phải tiếp tục nhận thêm rất nhiều người lao động vào đây”.

Gần đây, người Việt đi lao động tại Nhật cũng lên tiếng về tình trạng bị các công ty môi giới lừa trong các hợp đồng đi lao động tại Nhật. Nhiều người đã chấp nhận bỏ tình trạng hợp pháp để đi lao động chui, tìm cách ở lại Nhật để làm việc bù đắp số tiền thế chân bị mất khi bỏ ngang hợp đồng.

Nhà báo Đỗ Thông Minh cho biết do bị cắt xén nhiều khoản trung gian nên người lao động hợp pháp thường khoản thu nhập còn lại thấp hơn những người lao động bất hợp pháp. Còn chủ thuê người lao động bất hợp pháp luôn phải đối diện với nguy cơ bị nhà chức trách phát hiện và bị phạt lên đến 20.000 – 30.000 đôla.

VOA Express

XS
SM
MD
LG