Nhân Văn - Giai Phẩm là một trong những hiện tượng nổi bật nhất trong sinh hoạt văn học và cả sinh hoạt chính trị ở miền Bắc vào nửa sau thập niên 1950.
Gọi là nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm thật ra chỉ là một cách nói cho tiện. Thực chất những người bị liệt vào Nhân Văn - Giai Phẩm đã tham gia tranh đấu chống độc tài không phải chỉ trên tạp chí Nhân Văn hoặc trên Giai Phẩm. Mầm mống của sự phản kháng xuất hiện rất sớm, ngay từ đầu năm 1955 và bài viết của họ được đăng tải trên nhiều cơ quan ngôn luận khác nhau, kể cả trên những tờ báo, những tạp chí nằm trong tay các tổ chức đảng.
Năm 1950, trong một cuộc Hội nghị văn công tổ chức tại Việt Bắc, Hoàng Cầm lúc ấy đang là đoàn trưởng Đoàn văn công quân đội khu Việt Bắc đã ngang nhiên tuyên bố: “Đảng không nên nhúng tay vào chuyên môn của nghệ thuật”. Sau năm 1954, về Hà Nội, Hoàng Cầm được cử làm đoàn trưởng đoàn kịch Tổng cục chính trị trong quân đội miền Bắc, vẫn tiếp tục tranh đấu đòi tự do cho văn nghệ sĩ. Thời gian này, bên cạnh ông xuất hiện một người nữa, cũng tài hoa và cũng quyết liệt như ông: Trần Dần. Cả hai người đều tâm đắc với nhau trong mục tiêu tranh đấu đòi đảng Cộng sản phải “trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập trong quân đội một Chi hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục chính trị. Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật quân đội đối với họ” (1).
Yêu sách trên không được đáp ứng, Hoàng Cầm phản kháng bằng cách làm đơn xin ra khỏi quân đội, lột bỏ tất cả các chức vụ quan trọng và hứa hẹn nhiều vinh quang mà cộng sản dành cho ông.
Những biến động trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới càng làm cho Hoàng Cầm, Trần Dần và bạn bè của ông tin tưởng hơn đối với lý tưởng tranh đấu đầy chính nghĩa của mình. Trong các biến động ấy, đáng kể nhất là: sự kiện ngày 24.2.1956, tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrouchtchev đọc một bản báo cáo nẩy lửa vạch trần những tội ác tày trời của Staline, lên án cái bệnh sùng bái cá nhân rất mực nghiêm trọng và phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa; sự kiện ngày 26.5.1956, Lục Đỉnh Nhất, trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đọc báo cáo hô hào phát động chiến dịch “Trăm hoa đua nở” với khẩu hiệu “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”; sự kiện dân chúng nổi dậy chống chính quyền tại Ba Lan và tại Hung Gia Lợi…
Đầu năm 1956, lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc phát triển mạnh, cực kỳ đông đảo, trong họ có nhiều người là những tài năng lỗi lạc. Về lý luận: Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang… Về thơ: Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Văn Cao… Về văn xuôi: Trần Duy, Thuỵ An, Như Mai, Hoàng Yến, Trần Dần… Về nhạc và hoạ: Nguyễn Văn Tý, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Nguyễn Sáng…
Những người trên tập trung trong hai cơ quan ngôn luận chính: một là Giai Phẩm, một loại tập san không định kỳ, hai là Nhân Văn, một tạp chí ra mỗi nửa tháng.
Số Giai phẩm đầu tiên được gọi là Giai phẩm mùa xuân phát hành đúng dịp Tết 1956 thực sự là một tiếng sét nổ trên vòm trời âm u tối sầm của Hà Nội. Hầu hết các bài viết đều tập trung phê phán gay gắt những sự khốn cùng trong xã hội, những hiện tượng mất dân chủ trầm trọng dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc. Trong bài Cái chổi quét rác rưởi, Phùng Quán ví xã hội chủ nghĩa giống như một đống rác khổng lồ, và ông, với tư cách là một nhà văn, sẽ nhận trách nhiệm dùng ngòi bút quét sạch hết đi những rác rưởi đó để đem lại sự sạch sẽ, sự trong lành cho mặt đất.
Trong Giai phẩm mùa xuân, bài viết làm cho cộng sản tức tối nhất là bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần. Dài hơn 300 câu, bài thơ vẽ lại khung cảnh miền Bắc bị cộng sản tiếp quản mới có hơn một năm mà đã u uất, tối tăm, cùng quẫn vô hạn. Dân chúng lũ lượt di cư vào Nam. Những người ở lại chịu đựng biết bao đau thương:
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ !
họ vẫn bảo chờ
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót…
Bài thơ cứ lặp đi lặp lại mãi một điệp khúc buồn rầu:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu. Trần Dần bị bắt giam. Phẫn uất, Trần Dần phản kháng một cách tuyệt vọng nhưng vô cùng quyết liệt: cứa cổ tự tử. May, bạn bè ông phát hiện kịp và cứu sống. Sau đó ông xin ra khỏi đảng.
Trong năm tháng cuối năm 1956, Trần Dần và các bạn hữu của ông tái bản Giai phẩm mùa xuân và ra tiếp ba số Giai Phẩm nữa: Giai phẩm mùa xuân tập 1 và 2, Giai phẩm mùa đông, đồng thời xuất bản tạp chí Nhân Văn do Phan Khôi đứng tên làm chủ nhiệm, Trần Duy làm tổng thư ký. Nhân Văn số 1 ra ngày 15.9.1956, đến số 6 ra ngày 30.11.1956 thì bị thu hồi và đóng cửa hẳn.
Như vậy, toàn bộ hoạt động của tạp chí Nhân Văn cũng như các Giai Phẩm chỉ diễn ra trong năm 1956. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cho đến nay, chưa bao giờ có một tạp chí hoặc một đặc san nào chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi mà lại khuấy động được dư luận, có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài như vậy.
Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, những người thuộc nhóm này, được sự đồng tình của Ban chấp hành Hội Nhà văn mới được thành lập đầu năm 1957, tiếp tục đăng bài trên báo Văn do Nguyễn Công Hoan, chủ tịch Hội Nhà văn làm chủ bút.(2)
***
Chú thích:
- Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận của nhiều tác giả, nxb Sự Thật, Hà Nội, 1959, tr. 24.
- Có thể đọc toàn bộ các số Nhân Văn và Giai Phẩm trên Talawas:
http://www.talawas.org/talaDB/talaDBFront.php?rb=08&von=80&bis=100&pg=1
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.