Ảnh hưởng của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm thể hiện rõ rệt trong tờ báo Văn của Hội Nhà Văn, một tổ chức chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương đảng thông qua Ban Tuyên huấn do Tố Hữu đứng đầu.
Không những cho đăng tải nhiều bài viết của những người thuộc nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, ban biên tập báo Văn còn trực tiếp viết hoặc tường thuật lại những lời phát biểu cùng một khuynh hướng với nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Họ phản đối quan điểm mà Tố Hữu, đại diện cho Trung ương đảng Cộng sản, nêu ra trong Đại hội Văn công vào cuối năm 1954: văn học có chức năng phải khắc hoạ hình tượng con người mới. Và con người mới ấy mang những phẩm chất mới của cách mạng: sự tuyệt mỹ. Họ viết: “Nhà văn phải thấy hướng đi lên của người và việc trong xã hội, nhưng không thể nặn ra những nhân vật anh hùng lý tưởng, toàn thiện toàn mỹ không có hoặc chưa có trong thực tế. Vả chăng, tô vẽ theo kiểu ấy thì không phải là đề cao anh hùng, mà trái lại, làm giảm giá trị của anh hùng và biến anh hùng thành những người quái dị”. Khi dẫn lại đoạn văn trên, Phong Lê, trong quyển Mấy vấn đề về văn xuôi Việt Nam 1945-1970, trang 76 không ghi rõ là trích trong Văn số mấy. Đoạn văn dưới đây thì có xuất xứ: Văn số 15, 1957: “Con người thời đại không phải là một hình ảnh khổng lồ vẽ ra. Phản ánh con người thời đại, xây dựng con người thành một trái tim khuôn sáo, dập xương thịt, tâm hồn và trí tuệ mọi người trong cái trống rỗng không thực, một chiều và máy móc. Con người thời đại mà văn học nhằm xây dựng phải là con người trải qua thật một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ về tư tưởng, về tình cảm, về thói lề, giữa cái hay và cái dở, cái đẹp, cái xấu; con người được nhìn thấy thật đúng là nó với bước tiến của nó”.
Trong chiều hướng ấy, trên báo Văn số 31, 1957, Bùi Hiển đưa ra quan niệm bản chất con người có tính chất nhị nguyên: “E-ren-bua thuật lại trường hợp một người ở mặt trận thì chiến đấu dũng cảm, nhưng khi vào làm việc ở một cơ quan thì có thái độ quỳ luỵ đối với thủ trưởng. Đó là trường hợp khá tiêu biểu về cái tính “nhị nguyên” trong mỗi con người. Dựng một nhân vật, theo ý tôi, cần phải tả cả hai mặt tốt xấu và tất cả sự đấu tranh giữa hai mặt ấy vì đó là một hiện tượng rất thực và thông thường trong tâm lý con người”.
Trong các buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hội Nhà Văn năm 1957, Hoàng Yến đòi hỏi văn học phải mạnh dạn hơn nữa trong việc phản ánh những mặt trái xấu xa, dơ dáy của cuộc đời; Chu Ngọc quan niệm văn học phải góp phần chống lại các tệ lậu bằng cách can đảm vạch trần mọi tệ lậu ấy trong sáng tác; Ngô Thông cho là trong cuộc sống, ngay trong cuộc sống xã hội chủ nghĩa, cái xấu vẫn nhiều hơn cái đẹp; Nguyễn Tuân tuyên bố nhà văn chỉ có thể phê phán, nêu vấn đề mà không cần giải quyết vấn đề; Kim Lân bộc lộ những dằn vặt, đau khổ của mình khi, để cho đúng chính sách, phải viết ngược lại những ý nghĩ thực của mình; Tế Hanh chống lại quan niệm của con người mới chỉ thuộc thành phần công nhân, ông gọi đó là thứ “công nhân chủ nghĩa” què quặt. Can đảm nhất là Phùng Quán. Ông công khai phát biểu: “Làm tất cả đề tài mà không nghĩ lập trường. Vì yêu con người không đặt lập trường vội. Có nhiều khi bị cách giáo dục giáo điều làm bớt tình cảm chân thật. Thí dụ: khi tôi được giáo dục căm thù địa chủ nên nhìn con địa chủ tôi cũng căm thù…” (Anh Thơ tường thuật trên Văn số 33, 1957).
Tất cả những ý kiến trên đều nhắm tới mục đích trực tiếp đả kích quan điểm của Hoài Thanh cho rằng nhiệm vụ của nhà văn là phải nói cái tốt, nói mấy cũng không thừa. “Thành quả của cách mạng là một chuyện luôn luôn phải được khẳng định để chúng ta có một chỗ dựa mà vượt khó”. Đồng thời, qua việc đả kích Hoài Thanh, người ta cũng phản đối các chủ trương văn nghệ của đảng khi giải thích cảm hứng chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là cảm hứng ca tụng; đối tượng được ca tụng là người anh hùng trong lao động và sản xuất; mục đích của việc ca tụng là nhằm giáo dục tư tưởng cách mạng cho mọi người.
Chống lại quan niệm hẹp hòi của đảng, chống lại thái độ thiển cận và thô bạo của các cán bộ lãnh đạo văn nghệ của đảng, báo Văn cổ vũ sự đa dạng trong sáng tác: “Nhà văn này thiên về ca ngợi ư? Anh cứ làm việc của anh. Nhà văn sở trường mổ xẻ khuyết điểm ư? Đả kích ư? Anh cứ việc đi sâu. Rồi thì có bạn chuyên về những nhân vật trẻ tuổi, những vấn đề tình yêu, vấn đề đồng áng, nhà máy, quân đội, cả những chuyện đánh cá, vấn đề người sơn tràng và người làm công sở tư nữa. Mặc sức. Chỉ xin đừng cái gì cũng ngớp rồi không chuyên, không làm được cái gì ra hồn mà thôi” (Văn số 22, 1957).
Mục Tin Văn trên Văn số 7, 1957 ghi nhận một dấu hiệu đáng mừng trong những truyện ngắn độc giả và bạn hữu gửi tới toà soạn: “Đề tài phong phú và nhiều mặt: anh cán bộ cơ quan bị quy oan trong chỉnh đốn tổ chức, vợ chưa cưới lại tuyên bố dứt khoát, anh cán bộ chuyên ngành thắc mắc, chị cán bộ có chồng chết gia đình giục tái giá còn phân vân… chỉ kể lướt thế đã đủ chứng tỏ số đông các bạn đã có ý thức tránh những đề tài công thức chung chung”.
Mục Tin Thơ trên Văn số 7, 1957 cũng ghi nhận một tình trạng tương tự: “Còn nhớ khi nào phần lớn thơ ta chỉ lấy chủ đề trong đánh giặc và sản xuất, tới lui mãi trong hai nhiệm vụ phản đế và phản phong mà chúng ta quan niệm một cách rất máy móc… Chỉ nhìn những đầu đề bài cũng thấy các bạn trẻ đã tìm hướng thơ trong muôn mặt cuộc sống. Những bài thơ muốn đi sâu vào tâm tình, nói đến một vấn đề rất cũ và rất mới là tình yêu. Những bài thơ muốn bày tỏ những suy nghĩ về cuộc đời, cái sống, cái chết, những vui sướng và đau khổ của con người… thấy rất nhiều những đầu đề tình cảm: Duyên ta tươi đẹp. Đợi gì chẳng nói, Nhớ, Gặp gỡ, Tình yêu ấp ủ trong lòng, Đợi anh em nhé, Hãy lắng nghe em”…
Nhìn lại tình hình văn học trong giai đoạn này, trong quyển Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam, Phong Lê phê phán:
”Tình hình các ý kiến và quan điểm trên đây phản ánh sự xa rời đời sống và sự mơ hồ về lập trường ở không ít các nhà văn…
Bọn Nhân Văn đã dựa vào đó để đưa vào tác phẩm của chúng nội dung phản cách mạng và chủ nghĩa cá nhân sa đoạ. Không ít nhà văn cũng đã dựa vào đó để miêu tả những đề tài vụn vặt, vô vị, hoặc thể hiện những tâm trạng buồn yếu bi quan trước nhiều vấn đề lớn và phức tạp của đời sống” (tr. 72).
Những cái mà Phong Lê gọi là “những đề tài vụn vặt, vô vị” và “những tâm trạng buồn yếu bi quan” ở trên, thật ra, là những nỗ lực vượt thoát giáo điều để tiến đến văn chương đích thực của giới cầm bút miền Bắc. Đó là những đề tài về tình yêu. Không phải tình yêu của những bậc anh hùng, những con người mới hoàn toàn vì giai cấp, vì cách mạng, mà là tình yêu trong đời sống bình thường, của những con người bình thường, thứ tình yêu hay vấp phải những trắc trở, những gập ghềnh do chiến tranh làm xa cách (Mùa hoa dẻ của Văn Linh, 1957), hoặc do cải cách ruộng đất đem lại (Sắp cưới, truyện ngắn của Vũ Bão, 1957). Đó cũng là những đề tài về cải cách ruộng đất, một tai hoạ khủng khiếp giáng xuống đầu nông dân gieo rắc bao nhiêu đau khổ: Ông lão hàng xóm của Kim Lân, Những ngày bão táp của Hữu Mai, Thôn Bầu thắc mắc của Sao Mai…
Nguyễn Thành Long trong hai truyện ngắn Về nhà và Một trò chơi nguy hiểm mô tả những người miền Nam, năm 1954, theo Hiệp định Genève, tập kết ra miền Bắc như một cuộc phiêu lưu, đi tìm cảm giác lạ, có tính cách hoàn toàn cá nhân chứ chẳng phải vì một lý tưởng gì cao cả mà báo chí thường tuyên truyền.
Đoàn Giỏi trong Thao thức nêu lên những băn khoăn của một người tập kết muốn trở về Nam nhưng con đường về càng lúc càng mịt mùng bế tắc.
Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, trong năm 1957 cũng đăng nhiều truyện ngắn khai thác các khía cạnh mất mát thương tâm trong cuộc sống mới hoặc trong kháng chiến chống Pháp vừa qua. Họ lên án chiến tranh, cho chiến tranh thật là tàn ác (Sau hai chiến dịch trên Văn Nghệ Quân Đội số 2-1957); chiến tranh cứ để lại hoài trong lòng mọi người một “vết thương” rớm máu không bao giờ lành hẳn (Vết thương trên Văn Nghệ Quân Đội 3-1957).
Ảnh hưởng của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm như vậy, hết sức sâu rộng. Sâu. Và rộng. Họ lôi kéo được hầu hết những người trong Ban chấp hành Hội Nhà Văn. Nhiều người nói báo Văn của Hội Nhà Văn thực chất là tạp chí Nhân Văn hoá thân ra, giấu bớt chữ “Nhân” phía trước. Họ lôi kéo được cả giới sinh viên Hà Nội: tờ Đất Mới của sinh viên chỉ ra được một số thì bị đóng cửa nhưng tinh thần phản kháng đã thể hiện rất rõ, vô cùng mãnh liệt, nổi bật nhất là cây bút trẻ tuổi nhưng hừng hực lửa: Bùi Quang Đoài. Nhiều văn nghệ sĩ muốn ẩn nhẫn qua ngày, cuối cùng, do ảnh hưởng của Nhân Văn - Giai Phẩm cũng nhảy vào trường văn trận bút để đả kích lại đảng, đó là trường hợp của Nguyễn Bính lúc ấy làm chủ nhiệm báo Trăm hoa.
Ngoài ra, hiện tượng phần lớn bản thảo gửi đến báo Văn đều cố đi tìm sự đa dạng, sự độc đáo, thoát ly công thức mà báo Văn ghi nhận trong hai số 7 và 8 đã dẫn ở trên cũng có thể coi là kết quả của cuộc vận động “đổi mới” văn học do nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm tiến hành.
Nói cách khác, trừ một ít cán bộ lãnh đạo hoặc một số ít những người cầm bút xu thời, hầu hết giới văn nghệ sĩ ở miền Bắc, với những mức độ khác nhau, đều đồng tình với lý tưởng đấu tranh của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Giới lãnh đạo Hà Nội thừa thông minh để hiểu đó mới chính là một hiểm hoạ lớn nhất đối với họ, với tư cách là một lực lượng cầm quyền muốn mãi mãi độc tôn.
***
Chú thích:
Có thể đọc toàn bộ các số Nhân Văn và Giai Phẩm trên Talawas: