Đường dẫn truy cập

Đổi mới và số phận của văn học


Đổi mới và số phận của văn học
Đổi mới và số phận của văn học

Bản chất của văn học là sáng tạo. Bản chất của sáng tạo là làm ra cái mới. Bản chất của văn học, do đó, có thể tóm gọn vào một chữ: mới. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử lâu lâu lại vang lên khẩu hiệu “đối mới”. Hết cuộc đổi mới này đến cuộc đổi mới khác. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, lúc nào giới cầm bút cũng loay hoay với công việc đổi mới.

Các cuộc vận động đổi mới văn học như thế đã có ít nhất từ lúc ý thức về cá nhân manh nha xuất hiện, với nó, người ta xem cái riêng quan trọng hơn cái chung, như Rousseau viết trong cuốn Confessions: “Có thể tôi không hơn ai cả, nhưng ít nhất tôi cũng khác người.” Nhấn mạnh và tự hào về cái khác ấy cũng tức là biểu dương cái mới như một giá trị.

Giá trị của cái mới cũng đồng thời là giá trị của hiện tại: khám phá cái mới đồng nghĩa với khám phá cái hiện tại, khám phá ra bản chất của tri thức là một sự khám phá chứ không phải chỉ là một sự phục hồi như người xưa quan niệm, từ đó, từ chối thái độ phục cổ và sùng cổ, hoài nghi các quy phạm và các điển phạm. Những khám phá này đã dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa hiện đại với vô số những cuộc thử nghiệm táo bạo và thú vị, thoạt đầu, ở châu Âu từ cuối thế kỷ 19, sau đó, lan rộng ra cả thế giới, trong đó có Việt Nam, trong thế kỷ 20.

Trong lúc ở nhiều nơi, đặc biệt ở châu Âu, công cuộc đổi mới thường diễn ra một cách ầm ĩ và dứt khoát với vô số các tuyên ngôn, chủ trương và trường phái khác nhau, ở Việt Nam, các cuộc vận động đổi mới thường lặng thầm và dây dưa, lặp đi lặp lại nhiều lần, và lần nào cũng nửa vời, lửng lơ. Từ cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, người ta nghe, thoạt đầu là những lời thầm thì, sau, là những tiếng hô: từ bỏ truyền thống thơ Ðường luật để đổi mới, mới từ ý tưởng đến mới trong văn thể. Giữa thập niên 1950, ở miền Bắc, một số nhà thơ đòi “chôn thơ tiền chiến”; ở miền Nam, một số cây bút khác cũng hô hào: phải đoạn tuyệt văn học tiền chiến. Trong cả nước, từ giữa thập niên 1980, mọi người đều hô hào đổi mới. Cuối những năm 1990, ở hải ngoại cũng nghe văng vẳng những lời kêu gọi: vĩnh biệt nền văn hoá làng để xây dựng một cộng hoà văn học ít nhiều mang màu sắc hậu hiện đại.

Tôi đoán: mười, hai mươi năm, thậm chí, trăm năm hay vài ba trăm năm nữa, nếu còn loài người và còn văn học, thiên hạ vẫn lại tiếp tục nghe những lời kêu gọi đại loại như thế. Tôi chỉ muốn lưu ý: nên hiểu những cách nói ấy như là những khẩu hiệu nhằm bày tỏ những quyết tâm tìm kiếm những quan điểm mỹ học và những phương pháp sáng tác mới hoặc nhằm xây dựng một nền văn hoá văn chương mới hơn là một thực tế.

Bởi không ai có thể hoàn toàn đoạn tuyệt được quá khứ của một nền văn học ở đó mình đã từng là độc giả cần cù và đầy say mê. Ở châu Âu, đầu thế kỷ 20, một số lãnh tụ của chủ nghĩa vị lai (futurism) và chủ nghĩa đa-đa kêu gọi đốt sạch tất cả các viện bảo tàng, các thư viện và các học viện để giải phóng trái đất khỏi những truyền thống nặng nề và rêu mốc. Thế nhưng, cuối cùng, ngay cả những người ấy cũng chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa hiện đại vốn nảy sinh trước đó. Qua việc đọc, cái quá khứ gần ấy cũng như cả những quá khứ xa xôi thời cổ đại và Phục Hưng dần dần được nội tâm hoá, trở thành một phần trong con người của họ. Hơn nữa, nó còn nhập vào ngôn ngữ mà họ sử dụng, trong cái khí quyển văn hoá mà họ sống, trong cái ký ức tập thể mà họ chia sẻ; và cuối cùng, trong những giấc mơ chung của cả một cộng đồng mà họ là thành viên. Ví dụ, ở Việt Nam, với thế hệ của Trần Dần, hay trẻ hơn một chút, của Thanh Tâm Tuyền, Thơ Mới thời 1932-45 không phải là những gì ở ngoài. Ngược lại, nó đã là tuổi thơ của họ, lắng thật sâu vào tiềm thức của họ để từ đó âm thầm chi phối họ với tư cách là người đọc, và sau đó, với tư cách người viết. Làm sao mà đoạn tuyệt hẳn được?

Không đoạn tuyệt được quá khứ, người ta cũng không thể phủ nhận được những thành tựu trong quá khứ. Cái gì đã trở thành lịch sử thì mãi mãi là lịch sử. Trong văn học, những gì đã hay và đã lớn đều trở thành những cái cổ điển. Mà đã là cổ điển thì sẽ còn lại mãi như những cột mốc trên chặng đường phát triển, từ đó, giúp người đọc qua bao nhiêu thế hệ khác nhau, hình thành được ý niệm về cái cũ và cái mới để tiến hành công việc đánh giá và phân loại các tác giả cũng như các tác phẩm và để xác định thế đứng của mình trong hiện tại. Không có những cột mốc ấy sẽ không có lịch sử. Do đó, phủ nhận những thành tựu trong quá khứ cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận lịch sử nói chung. Ðó là điều bất khả: không có lịch sử, cái mới sẽ trở thành vô nghĩa.

Những cách nói như “phủ nhận quá khứ”, “chặt đứt quá khứ” hay “đoạn tuyệt với quá khứ”, bởi vậy, chỉ là những cách nói có phần cường điệu hoặc chỉ là những ngộ nhận, nếu không muốn nói, thỉnh thoảng, là những sự vu oan.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG