Đường dẫn truy cập

Đổi mới và cái tôi của tác giả


Đổi mới và cái tôi của tác giả
Đổi mới và cái tôi của tác giả

Trong bài trước, tôi có viết: Đổi mới, ở một khía cạnh nào đó, là một nỗ lực tái tạo quá khứ, một nỗ lực viết lại lịch sử và tạo nên một thứ tộc phả văn học mới, ở đó, người ta có thể xác định được vị trí của mình và những thay đổi mà mình có thể mang lại.

Tái tạo quá khứ, thật ra, cũng có nghĩa là tái tạo chính mình.

Nhiều người, để cổ vũ cho những sự thay đổi trong văn học, thường lặp đi lặp lại câu châm ngôn “Hãy là mình”, hay một biến dạng của nó: “Hãy thành thực”.

Với tôi, đó chỉ là một quan niệm cũ, cũ đến nhàm, hơn nữa, nhàm đến nhảm, nhảm đến vô duyên.

Cũ, đã hẳn: câu châm ngôn ấy đã có từ lâu lắm trong lịch sử nhân loại, và ngay cả ở Việt Nam. Nó đặc biệt được nhấn mạnh bởi các nhà lãng mạn chủ nghĩa, những kẻ vừa đề cao chủ nghĩa cá nhân vừa tin vào cái tính “bản thiện” của con người, từ đó, chủ trương cảm tính bao giờ cũng tốt hơn lý trí, tưởng tượng bao giờ cũng tốt hơn những sự tính toán, tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn kỹ thuật, tính chất nguyên thuỷ bao giờ cũng tốt hơn là tính hiện đại, nông thôn bao giờ cũng tốt hơn thành thị, v.v...

Với những quan niệm như vậy, người ta dễ dàng tin là thiên tài nằm ngay trong bản thân mình; con đường sáng tạo, do đó, cũng là con đường quay về với chính mình, dám tự là mình, chỉ cần thành thực với mình, và để mặc cho cảm xúc của mình tuôn trào dào dạt trên trang giấy. Chủ trương này, trên thực tế, một thời từng có ý nghĩa cách mạng lớn: ở Tây phương, nó phá vỡ tính chất duy lý và tính chất quy phạm nghiệt ngã của chủ nghĩa tân cổ điển và giải phóng được cá nhân, đặc biệt về phương diện tình cảm; ở Việt Nam, nó phá đổ truyền thống văn học đề cao tính cộng đồng và tính phổ quát, dựa trên những khuôn sáo thoát thai từ mỹ học trung đại của Trung Hoa, đặc biệt quan điểm “văn dĩ tải đạo”.

Tuy nhiên, tính chất cách mạng ấy đã chấm dứt với sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện đại khi nhiều nhà thơ đề cao tính chất phi ngã trong văn học, chẳng hạn Rimbaud: “Tôi là một kẻ khác”, John Keats: nhà thơ lớn là kẻ không có cá tính, hay T.S. Eliot: “nhà thơ không phải là kẻ có một cá tính để diễn tả mà là kẻ có một phương tiện đặc biệt để sử dụng”; khi nhiều lý thuyết gia phát hiện, nói như René Wellek, “cái hay hay cái dở của thơ chẳng dính dáng gì đến sự thành thực cả”; bằng chứng: “những bài thơ dở nhất của những thanh niên mới lớn đều là những bài thơ thành thực.” (1)

Ðứng về phương diện lý thuyết, chủ trương đề cao sự thành thực hay thái độ “dám là mình” chỉ đúng với hai điều kiện: một, cái “mình” ấy là cái đã có sẵn, nó có trước sự hiện hữu của cá nhân; và hai, cái “mình” ấy mang tính độc đáo và độc lập bẩm sinh, nghĩa là tự bản chất nó đã khác với vô số những cái “mình” khác của thiên hạ.

Hai điều kiện ấy, tiếc thay, không bao giờ có thật. Hầu hết các triết thuyết hiện đại đều ít tin là có một thứ yếu tính nào xuất hiện trước hiện hữu như thế. Những người theo khuynh hướng hậu hiện đại, dù thuộc về Mác-xít, phân tâm học, nữ quyền luận, hậu thực dân luận, hậu cấu trúc luận... đều hoài nghi quan niệm cho cái “mình” hay cái tôi là một cái gì nhất quán và cố định. Với Michel Foucault, ngay cả cái gọi là “nhân tính” cũng không phải là cái gì tự nhiên; ngược lại, nó chỉ là kết quả của kiến thức, xuất phát từ những điều kiện lịch sử và văn hoá nhất định (2). Hơn nữa, theo ông, cái gọi là con người cũng chỉ là một ý niệm tương đối mới, chỉ xuất hiện khoảng thế kỷ 18 và có nguy cơ sẽ biến mất (3).

Theo chân Michel Foucault, nhiều người tuyên bố: cái “tôi” đã chết (4). Giống như trước đây hơn một trăm năm, Nietzsche đã tuyên bố: Thượng đế đã chết. Cái “tôi” chỉ còn là một sản phẩm của xã hội; hơn nữa, của ngôn ngữ: thoạt đầu không có đứa bé nào có ý thức về nó như một cái tôi riêng biệt và khác biệt với tha nhân. Một ý thức như vậy chỉ xuất hiện dần dần khi đứa bé học cách dùng chữ “tôi”, ngôi thứ nhất số ít, trong tương quan phân biệt với “anh / chị / ông / bà...”, ngôi thứ hai số ít, v.v... Tất cả những cách thức sử dụng ngôn ngữ như vậy làm cho đứa bé dần dần ý thức về vị trí của nó trong xã hội, từ đó, tiến thêm một bước nữa, ý thức về bản sắc của nó trong mối quan hệ với chung quanh (5). Trong ý nghĩa như thế, Jacques Lacan cho cái tôi thật ra là một tác phẩm thay vì là một chủ thể. Hay nói theo ngôn ngữ của ông: “Tôi không phải là một nhà thơ mà là một bài thơ.”(6)

Nói “tôi là một bài thơ” cũng có nghĩa là nói cái tôi ấy chỉ là một câu chuyện kể, một hình thức tự sự mà thôi. Nên lưu ý là theo các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa, tự sự là hoạt động căn bản của nhân loại, hơn nữa, là “điều kiện có tính bản thể luận của đời sống xã hội” (7). Loài người hiểu về cuộc đời của họ, bản sắc của họ như những câu chuyện mà họ tự kể hoặc nghe kể hoặc kết hợp cả hai. Không có những câu chuyện như thế, kinh nghiệm của con người về thế giới cũng như về chính họ trở thành mơ hồ, hàm hồ, không thể nào nhận thức được.

Cái “tôi” không những không có sẵn mà còn chứa đựng đầy những nguy cơ sáo mòn.

Là một sản phẩm của xã hội và của văn hoá, cái “tôi” bao giờ cũng chứa đựng nhiều những yếu tố thuộc về quá khứ hơn là hiện tại. Những tác phẩm chúng ta đọc, trong đó có không ít thuộc loại cổ điển hoặc chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn học cổ điển, biến chúng ta thành những con người của truyền thống.

Hậu quả là, nói chung, chúng ta, với tư cách độc giả, bao giờ cũng dễ thấy gần gũi với văn học của ngày hôm qua hơn là văn học của ngày hôm nay, và bao giờ cũng lạc hậu hơn một chút so với dòng văn học tiên phong trong thời đại.

Bởi vậy, đi càng sâu vào cái “tôi”, chúng ta càng dễ bắt gặp những bản sao nhoè nhoẹt của bao nhiêu thế hệ đi trước: ở người này, chúng ta bắt gặp bản sao của văn học dân gian, của ca dao và truyện cổ tích, của thứ mỹ học đơn sơ và đầy tính công thức; ở người kia, chúng ta bắt gặp bản sao đầy nước mắt của văn chương lãng mạn thời 1932-45; ở người khác nữa, chúng ta bắt gặp bản sao tối ám của chủ nghĩa hiện thực hoặc đỏ lòm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, v.v...

Cứ như thế, càng đi vào cái “tôi” càng dễ bắt gặp nước mắt và nước mũi của tiền nhân. Ở đây, sự thành thực thường đồng nghĩa với cái sáo.

Ðổi mới không phải là quay về với mình, không phải dám là mình, không phải chỉ khai thác những gì đã có sẵn trong mình. Ngay từ thời cổ đại, Plato đã quan niệm, nhà thơ, lúc đang ngây ngất trong cảm hứng sáng tạo, không còn là hắn với những kinh nghiệm thường nhật nữa; thậm chí, không còn kiểm soát bản thân hắn nữa: hắn trở thành kẻ phát ngôn cho một lực lượng thần bí nào đó; hắn bị nhập vào một cơn linh cuồng (divine madness) (8).

Sau này, gạt thần thánh sang một bên, nhiều người xem viết tức là sáng tạo nên mình: trong quan niệm này, cái “mình” không phải là nguyên nhân mà chính là kết quả. Michel Foucault có một ý tưởng mà tôi rất thích: “Khi tôi viết, tôi viết trước hết là để thay đổi chính tôi và làm cho tôi không nghĩ những điều giống như trước đó nữa.” (9)

Không nghĩ những điều đã từng nghĩ, nói thì dễ, nhưng trên thực tế, là một cuộc đấu tranh hết sức nhọc nhằn, ở đó, người ta phải thường xuyên tự thanh lọc những dấu vết cũ kỹ mai phục bên trong con người mình.

Chiến trường thực sự của người cầm bút, do đó, chính là trong tâm hồn của hắn.

Kẻ thù nguy hiểm nhất của hắn không ai khác hơn là chính hắn, kẻ luôn luôn có khuynh hướng kéo ngược hắn về quá khứ, với những quy ước và những thói quen dễ dãi. Hắn chỉ có thể được gọi là thành công khi, với tác phẩm mới, hắn ít nhiều trở thành một con người khác với những cách nghĩ và cách cảm khác. Nói cách khác, cái tôi của hắn chỉ là một một sản phẩm được hình thành trong quá trình hắn cầm bút.

Nói cách khác nữa: viết là một cách dự phóng về chính bản thân mình.

***

Chú thích:

1. Tất cả các trích dẫn này đều được lấy từ K.K. Ruthven (1979), Critical Assumptions, Cambridge: Cambridge University Press, tr. 92 và 96-7.
2. Xem Philip Barker (1998), Michel Foucault, an Introduction, Edinburgh: Edinburgh University Press, tr. 70-90.
3. Xem thêm bài “The death of man, or exhaustion of the cogito” của George Canguilhem, in trong cuốn The Cambridge Companion to Foucault, do Gary Gutting biên tập (1994), New York: Cambridge University Press, tr. 71-91.
4. Xem bài “The Death of the Self in a Postmodern World” của Connie Zweig in trong cuốn The Fontana Post-modernism Reader do Walter Truett Anderson biên tập, Fontana Press xuất bản tại London năm 1996, tr. 141-146.
5. Xem sự phân tích của Catherine Belsey (1980) trong cuốn Critical Practice, London & New York: Methuen, tr. 60.
6. Xem bài của Connie Zweig dẫn ở trên, tr. 145.
7. Câu nói của M. Somers, dẫn theo Maureen Whitebrook (2001) trong cuốn Identity, Narrative and Politics của London: Routledge.
8. Plato trình bày các quan niệm về sáng tạo của mình chủ yếu trong cuốn Ion, và một phần trong cuốn Phaedrus.
9. Dẫn theo Philip Barker (1998), sách đã dẫn, tr. 87.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG