Đường dẫn truy cập

Nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau 1975: ‘chặng đường 25 năm rất ấn tượng’


Ông Chris Runckel, thứ hai từ trái, và Giám đốc Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ tại Hà Nội, James Hall cùng đại diện của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong, ký thỏa thuận hai quốc gia mở văn phòng tại Hà Nội và Washington ngày 28/01/1995.
Ông Chris Runckel, thứ hai từ trái, và Giám đốc Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ tại Hà Nội, James Hall cùng đại diện của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phong, ký thỏa thuận hai quốc gia mở văn phòng tại Hà Nội và Washington ngày 28/01/1995.
Nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tại Việt Nam: ‘chặng đường 25 năm rất ấn tượng’
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:05 0:00
Tải xuống

Ông Chris Runckel, nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Việt Nam, nói với VOA rằng chặng đường bang giao 25 năm qua giữa hai quốc gia cựu thù là “rất ấn tượng và đáng ngợi khen.” Từ lúc ban đầu với bao điều nghi kỵ và ngờ vực, nay Washington và Hà Nội là những người bạn, một điều mà một phần tư thế kỷ trước khó có ai có thể nghĩ tới.

Từ 1969 đến 1970, ông Runckel sang Việt Nam, phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ suốt 19 tháng và sau cuộc chiến, ông tham gia vào Bộ Ngoại Hoa Kỳ, làm việc tại Bangkok để thu xếp cho việc tái định cư của các thuyền nhân Việt Nam trong các chương trình nhân đạo.

Vào tháng 1/1994, ông được giao nhiệm vụ là Nhà đàm phán Đặc biệt của Hoa Kỳ về Việt Nam và bắt đầu đến Hà Nội thường xuyên để bàn về việc bàn giao đất đai và các tòa nhà của chính phủ Hoa Kỳ trước năm 1975; việc hoàn trả tài sản của cá nhân và công ty Hoa Kỳ sau khi Sài Gòn thất thủ; cũng như các vấn đề ngoại giao, lãnh sự và các vấn đề khác. Ông còn là nhà ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ bắt đầu lên kế hoạch cho việc mở cửa Đại sứ quán mới tại Hà Nội.

Vào ngày 3/2/1994, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam thì ông Chris Runckel đã có mặt ở Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình ông phải ở trong khách sạn suốt 7 tháng ròng rã, chứ chưa được ra ngoài thuê nhà hay căn hộ vì hai bên “cứ gây áp lực cho nhau vì các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ.”

Ông Runckel nói với VOA về những khó khăn lúc ban đầu:

“Ban đầu mối quan hệ của cả hai bên là không ai trong chúng tôi thực sự biết nhiều về bên kia. Và đã có rất nhiều nghi ngờ từ cả hai phía.”

Ban đầu mối quan hệ của cả hai bên là không ai trong chúng tôi thực sự biết nhiều về bên kia. Và đã có rất nhiều nghi ngờ từ cả hai phía.
Ông Chris Runckel, nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên đến Việt Nam để chuẩn bị cho bình thường hóa quan hệ hai nước.


Ông chia sẻ rằng mãi cho đến khi hai bên ký kết thỏa thuận cuối cùng về việc mở Văn phòng liên lạc tại Hà Nội vào ngày 28/01/1995, ông mới được trao chìa khóa cho một căn nhà nhỏ và trống, thuê được từ Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn trên đường Tôn Thất Thiệp. Ngày hôm sau, ông bay vào Sài Gòn, tiếp nhận các bất động sản ngoại giao của chính phủ Mỹ, trong đó có Đại sứ quán của Hoa Kỳ trước năm 1975, nay là nơi tọa lạc của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Mặc dù điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đạt được thỏa thuận này thì rất mất nhiều thời gian và nhiều cuộc thảo luận và phải có tính thuyết phục,” ông nói thêm.

Ông Chris Runckel ký biên bản tiếp nhận tài sản của chính phủ Hoa Kỳ, ngày 28/01/1995. Photo Business in Asia.
Ông Chris Runckel ký biên bản tiếp nhận tài sản của chính phủ Hoa Kỳ, ngày 28/01/1995. Photo Business in Asia.

Vào ngày 11/7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và vào ngày 5/8/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher khánh thành Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, nơi trước đây là Văn phòng Liên lạc Hoa Kỳ do ông Chris Runckel là Phó trưởng phòng.

“Tổng thống Clinton đã nhìn xa trông rộng, bỏ qua cuộc chiến và cố gắng thiết lập mối quan hệ mới với Việt Nam,” ông Chris Runckel nhớ lại.

Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam vào năm 2000.
Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam vào năm 2000.

Nhận định về quan hệ Mỹ – Việt sau 25 năm bang giao, ông Chris Runckel, hiện là nhà sáng lập và chủ tịch công ty tư vấn đầu tư kinh doanh Runckel & Associates có trụ sở thành phố Portland, bang Oregon, nói với VOA:

“Tôi nghĩ điều làm tôi ấn tượng nhất là mối quan hệ đã trở nên thắt chặt hơn. Việt Nam và Hoa Kỳ cùng tìm hiểu và hỗ trợ lẫn nhau về bất kỳ vấn đề nào quý vị có thể nghĩ về tới, từ y tế đến văn hóa, đến quan hệ thương mại.”

Nhờ mối quan hệ này mà hàng triệu và hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong hai mươi lăm năm qua. Có lẽ gần 50 triệu người ở Việt Nam đã thoát nghèo.
Ông Chris Runckel


Ông nhận định rằng chính từ mối hệ này đã cởi trói cho hàng triệu người dân Việt Nam, thoát khỏi cảnh khó khăn, nghèo đói sau chiến tranh.

“Nhờ mối quan hệ này mà hàng triệu và hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong hai mươi lăm năm qua. Có lẽ gần 50 triệu người ở Việt Nam đã thoát nghèo và bây giờ có cơ hội có được một cuộc sống tốt hơn,” ông nói thêm.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 2/2019.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 2/2019.

Vì những đóng góp của ông trong việc cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, một cầu nối quan trọng cho những thành tựu ngoại giao về sau, năm 1997, ông Runckel đã được trao giải thưởng cao nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng Danh dự Xuất sắc. Ông là một trong hai người, không phải là đại sứ Hoa Kỳ, nhận được giải thưởng cao quý này trong suốt lịch sử 200 năm của ngành ngoại giao Hoa Kỳ.

Nhận định về mối quan hệ Mỹ – Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai, nhà cựu giao Mỹ nói:

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang làm một công việc rất tốt cho đến thời điểm này trong việc xây dựng một mối quan hệ tốt hơn và mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ.”

Về phía Mỹ, ông nói: “Một trong những điều quan trọng nhất là chúng tôi dành cho người khác sự tôn trọng và thừa nhận rằng họ có một hệ thống chính trị khác với chúng ta. Họ có một nền văn hóa khác, một lịch sử khác với chúng ta. Nhưng chúng tôi nợ họ sự tôn trọng.”

“Chúng ta cần lắng nghe họ muốn nói điều gì. Dù chúng ta chọn những con đường khác nhau vì lịch sử và văn hóa khác nhau, nhưng chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng họ trong việc đi tiếp con đường phía trước.”

Hôm 11/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong bức thư gửi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ hai nước, cho biết Mỹ sẽ “tiếp tục những cam kết của mình trong việc tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ song phương trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng như sự tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và luật lệ quốc tế.”

Trước đó hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ cam kết “mở rộng mối quan hệ Đối tác Toàn diện” và “làm cho 25 năm tiếp theo của mối quan hệ song phương trở thành một mô hình của hợp tác và đối tác quốc tế.”

Trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 12/7/2020, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết: “Kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác Mỹ – Việt, cùng hướng tới hòa bình, thịnh vượng và an ninh - ở Việt Nam và Đông Nam Á. Xin gửi lời tri ân đến tất cả những người đã hỗ trợ để biến điều này thành hiện thực.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG