Các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, cùng với các nước khác ở Châu Á, nhưng đã yêu cầu chính phủ thực hiện lời hứa cải tổ các ngân hàng và công ty quốc doanh.
Đầu tư đang đổ vào Việt Nam vào lúc mọi thứ từ lạm phát cho đến chỉ tệ trở nên ổn định, trong khi mậu dịch vững mạnh sẵn sàng cho một triển vọng còn tốt đẹp hơn.
Ngày đầu năm dương lịch đánh dấu các giai đoạn đầu của mậu dịch tự do trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, có tiềm năng lẫn lộn cho Việt Nam. Một số người lo ngại rằng các công ty Việt Nam sẽ không có cơ may so với các đối thủ có hiệu năng khác như Malaysia và Philippines.
Nhưng có những người khác lại lập luận rằng Việt Nam có con ách chủ bài trong tay: đó là sự tham gia vào nhiều cuộc đàm phán về mậu dịch tự do toàn cầu, nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, còn gọi tắt là TPP với Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Ông Edward Lee, người đứng đầu về nghiên cứu Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered, nói: “Thực ra Việt Nam dường như sẵn sàng các lợi ích.” Ông cho rằng các thoả thuận mậu dịch tự do sẽ thu hút người nước ngoài cũng muốn mở rộng hoạt động vào phần còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Bằng cách đó, Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy sự hoà nhập của ASEAN vào thế giới.
Và phải cạnh tranh với các nước láng giềng mạnh hơn có thể buộc các công ty Việt Nam phải có năng suất cao hơn.
Ông Lee nói, “Về lâu về dài, nếu không mở cửa ra để cạnh tranh, thì tình hình sẽ còn tệ hại hơn.”
Sức hấp dẫn của Châu Á đối với các nhà đầu tư
Sự tin tưởng vào Việt Nam là một phần trong cảm tưởng đối với các thành viên ASEAN và các nơi khác ở Châu Á. Trong tình hình giá hàng hoá sụt mạnh ở Châu Mỹ Latinh, bất mãn và vấn đề Ukraine gây thiệt hại cho Đông Âu, và các vụ xung đột có vũ trang ở Trung đông và châu Phi, các nhà đầu tư đang đi tìm sự ổn định và các chương trình hoạt động đa dạng ở phần này của thế giới.
Một nhà ngoại giao Nhật Bản nói các nhà đầu tư ở nước bà đang chuyển hướng từ Trung Quốc qua Đông nam Á bởi vì chi phí cao hơn và bởi vì các vụ tranh chấp biển đảo giữa Bắc Kinh và Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN đã vượt qua các con số tại Trung Quốc vào năm 2013, theo Ngân hàng Standard Chartered.
Dân số già cỗi và giá cả tăng cao ở Trung Quốc cũng đã khiến các công ty nước ngoài bỏ đi, nhưng ASEAN đang cạnh tranh với Ấn Độ để nắm lấy các công ty ngay khi họ đổ bộ. Ở trong cùng một cộng đồng kinh tế đem lại sức mạnh cho ASEAN về số lượng, vời khoảng 600 triệu người đối lại với 1 tỷ 300 triệu người ở Ấn Độ.
Chiến tranh chỉ tệ?
Nhưng các nước thành viên ASEAN cũng đang tranh giành với nhau để đem về thêm đôla nước ngoài. Các nhà phân tích nêu câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương ở đây có sẽ rơi vào tình thế được xem như các cuộc chiến tranh chỉ tệ vốn đã gây tác động ở Châu Âu, Nhật Bản và Australia. Với các chỉ tệ đang yếu thế, các quốc gia có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu bởi vì hàng hoá của họ có vẻ rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Việt Nam cho biết sẽ không hạ giá tiền đồng hơn 2% trong năm nay. Nhưng đồng đôla Singapore đã bất ngờ sụt giá trong tuần này và mức giảm giá tiền đồng của Việt Nam vẫn chưa sánh kịp các mức giảm đáng kể trong các loại chỉ tệ khác từ đồng baht của Thái Lan cho đến đồng rupiah của Indonesia. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có thể còn chật vật mới xuất khẩu được số lượng gạo ngang với Thái Lan, hoặc số lượng cà phê ngang với Indonesia.
Các con số kinh tế ổn định
Song ông Andy Ho, trưởng ban đầu tư của Vinacapital, nói rằng các cuộc thăm dò trong các nhà lảm môi giới nhận thấy rằng họ trông đợi thị trường chứng khoán thành phố Hồ chí Minh sẽ đạt thành tích tốt trong năm 2015, tăng 15% dựa vào thu nhập mạnh. Ngân hàng Standard Chartered nói đầu tư nước ngoài đang tăng ở Việt Nam ở tỷ lệ nằm trong số cao nhất trong khối ASEAN.
GDP đã tăng 5,98% trong năm 2014, một con số mà chính phủ Việt Nam và các quan sát viên dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 6% trong năm nay. Sự kiện này sẽ đảo ngược chiều hướng tăng trưởng dưới 6% trong những năm vừa qua. Đồng thời, lạm phát sẽ ổn định ở khoảng 3%, tương phản rõ ràng với mức hơn 18% đã gây hoảng sợ trong giới đầu tư vào năm 2011.
Ba mối đe dọa kinh tế
Để giữ vững động năng, đa số đồng ý rằng Việt Nam phải theo thực hiện lời hứa hẹn cải cách những khu vực tham nhũng và căng phồng, nhất là các ngân hàng và các cơ sở kinh doanh do nhà nước làm chủ. Kinh tế gia Betty Wang của Ngân hàng Standard Chartered nói Việt Nam đang đối mặt với cùng lúc 3 mối đe doạ từ phía các công ty quốc doanh thiếu hiệu năng, hậu quả của bong bóng địa ốc, và những khoảng vay nợ xấu khổng lồ.
Bộ ba rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam có liên quan chặt chẽ với nhau. Các công ty quốc doanh vay những món nợ dễ dàng của ngân hàng, và dùng tiền để đầu cơ địa ốc. Và khi thị trường đó sụp đổ thì khối nợ xấu tăng vọt.
Bà Wang nói: “Nếu có thể cải thiện các lãnh vực này, thì chính phủ sẽ giúp cho đất nước đạt được tăng trưởng bền vững trong tương lai.”
Hà Nội đã cho thấy các dấu hiệu cải cách, qua việc bắt giữ và bỏ tù các chuyên viên ngân hàng về tội gian lận, và thúc đẩy tài sản nhà nước vào khu vực tư nhân. Hy vọng là nếu các nhà đầu tư mua cổ phần các tổng công ty trước đây thuộc quyền sở hữu nhà nước, họ sẽ cải thiện các tập tục kinh doanh, sản lượng và sự minh bạch. Các công ty quốc doanh liên tục hoạt động kém hữu hiệu hơn so với các đối tác tư nhân và đóng góp ít hơn vào nền kinh tế.
Tương tự, có niềm hy vọng là ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty nước ngoài sẽ có nghĩa là kỹ năng, kỹ thuật, và tiêu chuẩn chất lượng sẽ được chuyển sang cho các công ty ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright ở thành phố HCM có nhận xét: “Vẫn còn có sự cách biệt ở Việt Nam giữa khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài và khu vực công ty địa phương.”