Mỗi lần đi tìm một căn nhà mới, Trần Ái lại lâm vào thế khó xử. Nếu có đủ khả năng mua, thì nhà không có giấy tờ hợp lệ; còn nếu giấy tờ hợp lệ thì giá lại quá cao.
Nhiều năm sau khi bong bóng địa ốc ở Việt Nam lên đến mức tệ hại nhất, nhà đất vẫn là một thứ không thể có được đối với đại đa số dân chúng, ngay cả với những người thuộc tầng lớp trung lưu như anh Ái, một lập trình viên 30 tuổi.
Anh nói, “Tôi chỉ cần một chỗ bình thường để ở.” Anh đang sống với mẹ và 2 em gái trong một căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà cô. “Chỉ là chỗ để che mưa che nắng. Một chỗ để ngủ và thoải mái. Không có gì là ghê gớm.”
Nhà cửa thuộc loại đơn giản như anh Ái muốn rất khó kiếm, một phần vì bong bóng địa ốc. Tín dụng rẻ và nền kinh tế tăng trưởng tới mức 8,4% trong năm 2005. Sự kiện đó khích lệ nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cơ chế và các xí nghiệp quốc doanh mở rộng ra ngoài tầm kinh doanh chính, và đổ tiền vào khu vực địa ốc. Cuộc đầu cơ dựa trên hy vọng giá nhà sẽ chỉ tăng lên, chứ không phải vì nhu cầu thực tế của giới tiêu thụ Việt Nam. Vì thế, đầu tư tập trung vào những chung cư loại sang, và khi quả bóng ngưng phồng lên, thì Việt Nam nhận thấy mình có rất nhiều đơn vị gia cư đắt tiền.
Kết quả là một tình trạng không cân xứng giữa cung và cầu. Nhiều người Việt Nam bình thường như anh Ái đang đi tìm nhà vừa túi tiền. Nhưng những gì có trên thị trường thường vượt quá khả năng tài chính của họ.
Tại một diễn đàn về địa ốc hồi tháng 9, ông Nguyễn Trần Nam thứ trưởng bộ xây dựng, nói, “Phần lớn các công trình lọt vào tay giới thượng lưu, khu vực giàu có.” Ông Nam cho biết 80% dân chúng không mua nổi những căn hộ chung cư này, cho dù chính phủ có can thiệp để kiềm chế quả bong bóng nhà đất loại sang này. “Chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời, nhưng hậu quả tai hại đã xảy ra rồi.”
Kể từ khi đó, Hà Nội đã củng cố nỗ lực giúp cho quần chúng mua được nhà với giá phải chăng. Chẳng hạn như năm 2013, ngân hàng trung ương đã công bố một chương trình cho vay 1,4 tỷ đôla để mua nhà cho những người Việt có thu nhập thấp với mức lời 6%. Dân chúng đã nêu thắc mắc về thành quả của chương trình, với một số người nộp đơn than phiền rằng họ không thể tận dụng những khoản cho vay lãi nhẹ bởi họ hạn chế kích thước và trị giá của các căn hộ, đôi khi nằm trong những khu dễ bị lụt hay cách xa trung tâm thành phố.
Ông Nam nêu ra rằng nhà nước cũng đã xây thêm chỗ ở cho sinh viên, một chương trình chủ yếu bởi vị có quá nhiều người Việt Nam rời bỏ quê nhà để đi học ở các thành phố.
Ông Nam nói nhiều dự án “đang được phát động ở nông thôn cho người nghèo.”
Về phía khu vực tư nhân, các nhà quyết định chính sách đã thúc đẩy giới xây dựng chuyển các khu nhà thương mại thành “nhà ở xã hội,” trong khi giới địa ốc đã tìm cách tách tài sản đắt tiền của họ ra thành nhiều đơn vị dễ bán hơn. Các công ty từng nói thị trường đang có biến chuyển, và nhấn mạnh hơn vào các đơn vị nhỏ với giá thấp hơn.
Tại cuộc hội thảo, ông Marc Townsend, giám đốc điều hành của công ty CBRE Việt Nam, nói: “Thị trường nhà đất mới với giá phải chăng thực sự là đang ở vị thế của thị trường với giá trung bình cách đây vài năm.”
Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực dọn sạch thị trường địa ốc bởi vì thị trường này góp phần 10% và tổng sản phẩm quốc dân, theo ông Nam. Khu vực này cũng chiếm phần lớn khoản tiền cho vay đã biến thành nợ xấu trong mấy năm vừa qua bởi vì các công ty quốc doanh dễ tiếp cận với tài chính, mà họ thường tuồn vào để đầu tư địa ốc. Khi nền kinh tế khựng lại, các công ty này không trả được nợ, khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng tỷ lệ cao về nợ xấu, vẫn từng là một trong những trở ngại chính đối với tăng trưởng kinh tế vững mạnh ngày nay.