Năm nhà báo trong nhóm Báo Sạch vừa gửi đơn kháng cáo đối với các bản án sơ thẩm của họ về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Toà án Nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, cho biết đã nhận được các đơn kháng cáo vào ngày 17/11.
Trước đó vào ngày 28/10, các thành viên của nhóm Báo Sạch bị tuyên án tù tổng cộng 14 năm 6 tháng tù, trong đó nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù; Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng đều bị tuyên 3 năm tù; Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã cùng mức án 2 năm tù.
Ngoài ra, 4 trong số 5 nhà báo này còn bị cấm hành nghề báo chí 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch được biết tiếng trên mạng xã hội với nhiều bài đăng những thông tin độc lập hoặc tố cáo vi phạm liên quan đến các trạm BOT, các vụ việc “nóng” như vụ Tất Thành Cang, Đại học Đông Đô, vụ án tử tù Hồ Duy Hải…
Cáo trạng của toà án cho rằng các bài viết của nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch đã lôi kéo nhiều người tham gia mạng xã hội bình luận chửi bới, xâm phạm đến nhiều tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngay sau khi các bản án được đưa ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 30/10 lên tiếng nói Washington “hết sức quan ngại” về các bản án đối với các thành viên của nhóm Báo Sạch.
“Chúng tôi hiểu rằng nhóm nhà báo này tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng và tất nhiên là đây không phải là tội”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói. “Năm bản án mới nhất này nằm trong xu hướng giam giữ và kết án đáng lo ngại đối với các nhà báo và công dân Việt Nam thực hiện các quyền tự do ngôn luận và báo chí của họ vốn được ghi trong hiến pháp của Việt Nam.”
Washington kêu gọi Hà Nội trả tự do cho 5 nhà báo và tất cả những người bị giam giữ vô cớ, và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình và không sợ bị trả đũa.
Các tổ chức báo chí và nhân quyền quốc tế như Phóng viên không biên giới (RSF), Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các thành viên nhóm Báo Sạch và chấm dứt tình trạng trấn áp những nhà báo cung cấp thông tin độc lập cho người dân.