Đường dẫn truy cập

Tổ chức hải ngoại lên án Việt Nam hình sự hóa vụ việc của Báo Sạch


Các thành viên Báo Sạch khi còn tự do.
Các thành viên Báo Sạch khi còn tự do.

Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam có trụ sở ở Mỹ hôm 25/10 ra tuyên bố nói họ lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hóa các hoạt động của nhóm Báo Sạch và năm thành viên của nhóm.

Như VOA đã đưa tin, các thành viên chủ chốt của nhóm Báo Sạch bị bắt hồi tháng 4 và sau đó bị truy tố theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, tức Điều 258 của BLHS 1999.

Nhà chức trách cấp huyện thuộc thành phố Cần Thơ nói rằng hồi tháng 8/2019, nhóm này đăng nhiều bài viết và video trên internet với danh nghĩa đấu tranh chống quan liêu, tiêu cực... “nhưng thực chất lại hoàn toàn sai trái, tiêu cực”.

Bản cáo trạng được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai ban hành hồi tháng 8 năm nay nói rằng các bị can Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã và Lê Thế Thắng thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng từ các việc làm sai trái, tiêu cực nêu trên.

Thông tin từ phía chính quyền cho hay nhóm sẽ bị đưa ra xét xử hôm 26/10.

Hai đồng giám đốc của Sáng kiến Pháp lý Việt Nam là Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi viết trong tuyên bố hôm 25/10 của tổ chức này rằng việc điều tra, bắt giam và truy tố đối với các thành viên nhóm Báo Sạch là “vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do kinh doanh”.

Sáng kiến Pháp lý Việt Nam, tổ chức có trụ sở ở California, Mỹ, cũng là cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine.

Tuyên bố của tổ chức chỉ trích Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015, tức Điều 258 của BLHS 1999, xem đó là một điều luật phi lý khi coi việc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân” là tội phạm mà không định nghĩa rõ hành vi, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện của các cơ quan nhà nước.

Tổ chức nói rằng vụ án Báo Sạch hiện nay và các vụ khác trong quá khứ bị truy tố, xét xử theo Điều 331 của luật hình sự hiện hành hoặc Điều 258 của luật cũ cho thấy các cơ quan tố tụng Việt Nam “đã hình sự hóa” hành vi của các cá nhân liên quan một cách “bất hợp lý” mà không xem xét các hành vi này theo pháp luật dân sự.

Dựa vào cáo trạng do nhà chức trách ở Việt Nam đưa ra, hai đồng giám đốc Sáng kiến Pháp lý Việt Nam lập luận rằng nếu các công dân là thành viên của Báo Sạch xâm phạm tới uy tín hay lợi ích cụ thể của cá nhân, tổ chức nào, “nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các bên liên quan có thể giải quyết được tranh chấp theo con đường dân sự như tòa án dân sự, trọng tài, trung gian hòa giải, chứ không được dùng các công cụ hành chính hay hình sự”.

Với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng họ “phản đối” các hành vi xâm phạm tự do báo chí, ngôn luận, kinh doanh, và “yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho các thành viên Báo Sạch, đồng thời đình chỉ tất cả các cáo buộc nhắm vào những công dân này”.

Tổ chức cũng kêu gọi các nhà báo và công chúng nói chung lên tiếng bảo vệ quyền tự do của các thành viên Báo Sạch, đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam bãi bỏ Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG