Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên án tù gần 15 năm cho nhóm Báo Sạch và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo bị buộc tội ‘chống nhà nước’ cũng như ngừng kết án những người làm báo.
Toàn bộ năm thành viên của nhóm, từng gây tiếng vang trong nước với các bài viết đấu tranh cũng như vạch trần những sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt nam, bị một toà án ở Cần Thơ kết án hôm 28/10 theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, một điều khoản luôn được giới hoạt động và các tổ chức quốc tế xem là mơ hồ về “lợi dụng các quyền, tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.”
Trong tổng cộng 14 năm 6 tháng tù mà nhóm này bị tuyên, Trương Châu Hữu Danh, một trong những người sáng lập và nổi tiếng với các bài viết chống BOT “bẩn” cũng như vụ Hồ Duy Hải, bị kết án nặng nhất với 4 năm 6 tháng tù. Trang Facebook “Báo Sạch” của nhóm ngừng hoạt động ngay sau khi ông Danh bị bắt vào tháng 12 năm ngoái. Vài tháng sau đó, các thành viên còn lại của nhóm cũng bị công an bắt giam.
“Việc tuyên án các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng, Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã nhiều năm tù là một cuộc tấn công thô bạo nữa vào báo chí tự do ở Việt Nam,” Đại diện cấp cao ở Đông Nam Á của CPJ, Shawn Crispin, nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 1/11.
Đại diện của tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam cho phép 5 nhà báo công dân này được kháng cáo bản án của họ.
“Các nhà chức trách… nên đảm bảo họ được trả tự do khi kháng cáo và ngừng sử dụng các điều khoản chống nhà nước không có thật để truy tố các nhà báo,” ông Crispin nói.
Cáo trạng của toà án Cần Thơ nói rằng nhóm Báo Sạch đã đăng những thông tin “chưa được kiểm chứng” và “không đúng sự thật” lên mạng xã hội, gây “kích động” và làm “lôi kéo một bộ phận nhân dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương” của Đảng và Nhà nước. Phán quyết ngày 28/10 của toà án Cần Thơ cũng cấm cả 5 thành viên của Báo Sạch hành nghề trong 3 năm sau khi thụ án.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/10 cũng đưa ra một tuyên bố chỉ trích các bản án này khi cho rằng đây là “xu hướng giam giữ và kết án đáng lo ngại đối với các nhà báo và công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận cũng như báo chí của họ đã được ghi trong hiến pháp của Việt Nam.”
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) cũng lên án việc chính quyền Việt Nam kết án các thành viên của nhóm Báo Sạch.
Dữ liệu thống kê của CPJ cho thấy Việt Nam đã giam giữ 15 nhà báo sau song sắt vì những bài viết của họ tính đến ngày 1/12/2020, và trở thành quốc gia thứ 2 ở châu Á bỏ tù nhiều nhà báo nhất, sau Trung Quốc. RSF năm ngoái cũng xếp Việt Nam trong nhóm 5 quốc gia được xem là những “nhà tù” lớn nhất đối với các nhà báo.