Đường dẫn truy cập

Người Việt từng đến Bhutan ‘cảm nhận nguồn năng lượng tích cực’ (phần 3)


Một bệnh viện ở Gelephu nhìn từ bên ngoài
Một bệnh viện ở Gelephu nhìn từ bên ngoài

Một số người Việt hải ngoại từng trải nghiệm cuộc sống ở Bhutan chia sẻ với VOA rằng họ cảm thấy ‘an lạc’, được lan tỏa ‘nguồn năng lượng tích cực’ từ người dân nơi đây và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ học hỏi Bhutan ở chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia.

Bhutan, quốc gia nhỏ lọt thỏm ở Nam Á với dân số khoảng 800.000 người, được biết đến với việc xây dựng chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia và được mệnh danh là ‘một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới’.

Đây là đất nước có môi trường tự nhiên được gìn giữ gần như nguyên vẹn và nền văn hóa tâm linh thấm đẫm triết lý Phật giáo. Tuy nhiên, Bhutan không hoàn toàn cởi mở với du khách bên ngoài khi áp đặt mức phí 100 đô la mỗi ngày đối với mỗi du khách, theo tìm hiểu của VOA.

‘Sống biết đủ’

“Người dân Bhutan sống rất hạnh phúc dù đời sống vật chất không cao như Âu-Mỹ,” bà Lan Cao sống tại Quận Cam, bang California, Mỹ, nói với VOA.

“Tất cả những người tôi đã gặp ở Bhutan đều rất hiền, rất dễ thương. Từ những người bạn cho đến những người làm việc trong nhà hàng.”

Bà Lan Cao là giáo sư luật kinh tế tại Đại học Chapman, California. Bà đã đến Bhutan để tìm hiểu cũng như đóng góp cho dự án thành phố chánh niệm Gelephu mà Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck loan báo hồi cuối năm ngoái.

“Tại vì họ rất tin vào cách sống của Phật giáo. Họ sống như là thực tập Phật giáo trong đời sống,” bà Lan giải thích tại sao người dân Bhutan hạnh phúc. “Họ biết ơn những điều trong cuộc sống dù nhỏ nhưng khiến họ hạnh phúc.”

“Họ không chạy theo đồng tiền. Họ không cảm nhận sức ép của cuộc sống. Họ sống biết đủ,” bà nói thêm và cho biết người dân Bhutan được chính phủ chăm lo y tế, giáo dục miễn phí.

Cận cảnh Chùa-Đập Sankosh
Cận cảnh Chùa-Đập Sankosh

Theo lời kể của Giáo sư Lan Cao thì Bhutan là ‘đất nước rất đẹp nằm giữa dãy núi Himalaya’ với đại đa số dân theo Phật giáo. Bà đã thấy rất nhiều nhà sư ở Bhutan có phong thái ‘rất bình an’. “Những nhà sư này đều đã phải tu học từ 20 đến 30 năm ở trường cũng như ở chùa.”

Ông Trịnh Hội, luật sư về nhân quyền và là cựu giám đốc điều hành cơ quan cứu trợ người tị nạn VOICE, nói với VOA rằng Bhutan không hạn chế du khách, và ‘bất cứ ai cũng có thể đến Bhutan’.

Người Bhutan không chạy theo đồng tiền. Họ không cảm nhận sức ép của cuộc sống. Họ sống biết đủ.
Lan Cao – Giáo sư Luật đại học Chapman


Tuy nhiên, khoản phí 100 đô la Mỹ mỗi ngày mà mỗi du khách phải trả là ‘để đảm bảo là du khách đến Bhutan không phải để vui chơi mà là để hiểu về đất nước và con người Bhutan một cách nghiêm túc’.

Ông Trịnh Hội là bằng hữu lâu năm của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel từ khi Quốc vương còn là sinh viên, ông cho biết. Ông đến Bhutan lần đầu tiên cách nay 20 năm khi hai vợ chồng ông đi hưởng tuần trăng mật. Sau đó ông còn đến đất nước này nhiều lần nữa, trong đó có lần đi dự đám cưới của Quốc vương sau khi ngài lên ngôi.

Trong số đó, có một lần ông đến Bhutan để ‘tĩnh tu’ suốt một tháng – trải nghiệm đã ‘thay đổi cuộc đời’ ông, Trịnh Hội cho biết.

“Thời gian đó giúp tôi nghiệm ra được rất nhiều điều trong cuộc sống. Sau đó tôi đã rời chức giám đốc điều hành của VOICE để về với gia đình và lo cho con cái ở Mỹ, để hiểu rõ về con đường mình đi, nhất là sự thăng tiến tâm linh. Nó giúp tôi hàn gắn được những khó khăn trong cuộc sống,” ông chia sẻ.

Ông cho biết ở Bhutan có rất nhiều tu viện và đền chùa và ông mong rằng quốc gia này sẽ mở rộng hệ thống này hơn nữa để du khách đến Bhutan có thể tìm được sự ‘khai sáng tâm linh’.

Luật sư Trịnh Hội cũng ca ngợi việc Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới phát thải ròng âm, điều mà các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc không làm được. Nhờ vào đó, Bhutan có môi trường sống tốt, ông nói.

‘Khác biệt với thế giới’

Cuộc sống ở Gelephu hài hòa với thiên nhiên
Cuộc sống ở Gelephu hài hòa với thiên nhiên

Ông An Võ, người Úc gốc Việt hiện đang làm công việc quản lý dự án ở Los Angeles, cho biết ông đến Bhutan lần đầu tiên vào cuối năm ngoái nhân dịp Quốc vương loan báo thực hiện dự án thành phố chánh niệm Gelephu. Ông ở Bhutan 8 ngày và ‘đã tiếp xúc với rất nhiều người dân Bhutan’.

“Họ yêu đất nước mình, họ tôn kính nhà vua của họ, và họ rất hào hứng với dự án thành phố chánh niệm, nhất là những người trẻ được giáo dục ở nước ngoài nhưng chọn về nước để đóng góp,” ông An Võ cho biết.

Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tăng tài sản của mỗi người dân. Nhưng bây giờ với sự phát triển ở Việt Nam, chúng ta cần nghĩ về tác động môi trường? Biển có sạch không? Các dòng sông có sạch không? Làm sao phát triển Việt Nam để đất nước này có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong thế giới công nghệ cao?
An Võ – Quản lý dự án


Theo lời ông thì Bhutan là ‘một đất nước thú vị’ vì đây là đất nước gần như 100% theo Phật giáo, là nơi có rất nhiều tu viện Phật giáo và lối sống và tinh thần Phật giáo đã ăn sâu vào nền văn hóa và xã hội Bhutan.

Ông khen ngợi việc Bhutan đi tiên phong trên thế giới về chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia như là thước đo phát triển và tiến bộ.

Ông An Võ đã từng đến Việt Nam cũng như những quốc gia châu Á khác vốn cũng có nền tảng Phật giáo, nhưng đối với ông, Bhutan ‘là một nơi rất đặc biệt’, ông nhận xét.

“Ngay từ lúc tôi đặt chân đến Thimphu, tôi có thể thấy những tòa nhà rất hòa hợp với cảnh quan. Không có một tòa nhà nào cao hơn 8 tầng mặc dù đó là thủ đô của Bhutan,” ông kể.”Khi tôi đi từ sân bay vào thành phố, tôi đã gặp những con người rất thân thiện, rất điềm tĩnh và rất hạnh phúc.”

“Và đó là điều rất khác thường trong cuộc sống hiện nay. Tôi đã sống ở Úc, ở Mỹ và quay trở về Việt Nam – nơi nào cũng rất xô bồ. Mọi người đều cố gắng kiếm tiền. Nên khi đến Bhutan và chứng kiến nhịp sống chậm rãi, con người hạnh phúc với những gì mình có, nó nhắc cho tôi nhớ lại khoảng 20, 30 năm trước đây khi tôi lớn lên ở Việt Nam và ở Úc,” ông bày tỏ.

Việt Nam nên học hỏi?

Liên hệ đến Việt Nam, ông An Võ cho rằng sau thời gian tăng trưởng kinh tế liên tục, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã có quy mô lớn hơn nhiều lần và mức sống người dân cũng đã cao hơn nhiều so với 20 năm trước đây nên ‘giờ là lúc Việt Nam nên có cách tiếp cận cân nhắc hơn’.

“Tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tăng tài sản của mỗi người dân. Nhưng bây giờ với sự phát triển ở Việt Nam, chúng ta cần nghĩ về tác động môi trường? Biển có sạch không? Các dòng sông có sạch không? Làm sao phát triển Việt Nam để đất nước này có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong thế giới công nghệ cao?” ông phân tích.

Các con phố ở Gelephu được lát gạch thấm nước nên không cần hệ thống thoát nước
Các con phố ở Gelephu được lát gạch thấm nước nên không cần hệ thống thoát nước

Ông cho rằng Việt Nam nên học hỏi con đường phát triển bốn mục tiêu (quadruple line reporting) mà Bhutan đã tiên phong, tức là bao gồm thu nhập, tác động môi trường, tác động xã hội và tác động đến hạnh phúc của người dân.

“Đó là điều mà những quốc gia như Việt Nam nên xem xét kỹ, cho cả bây giờ và trong tương lai gần,” ông nói.

Bà Lan Cao nhấn mạnh rằng Bhutan là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia. “Rõ ràng Bhutan coi hạnh phúc của người dân là rất quan trọng, chứ không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế,” bà cho biết.

“Nhiều nước nghèo muốn thu hút đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đòi hỏi của họ, nhưng Bhutan có cách đi khác vì họ rất trân trọng truyền thống văn hóa của mình,” bà giải thích và cho biết Bhutan đã tham khảo bài học của những nước nghèo khác và học hỏi từ những sai lầm của họ, chẳng hạn như phát triển ồ ạt gây tổn hại cho thiên nhiên.

“Do đó tiền đầu tư nước ngoài đổ vào Bhutan phải dùng để xây dựng những gì cần thiết để làm cuộc sống của người dân tốt hơn, họ được hạnh phúc hơn.”

“Người Mỹ đến Việt Nam họ đâu muốn thấy những thành phố như Los Angeles?” bà Lan lập luận. “Họ đi Hà Giang hay Sa Pa vì họ muốn thấy cảnh quan thiên nhiên.”

Các bậc thang thiền hành ở Chùa-Đập Sankosh
Các bậc thang thiền hành ở Chùa-Đập Sankosh

Khi được VOA hỏi về bài học của Bhutan khi phát triển thành phố chánh niệm Gelephu, cựu Thủ tướng Bhutan, Tiến sỹ Lotay Tshering, thành viên của nhóm công tác về dự án thành phố chánh niệm Gelephu, dẫn lại bài phát biểu của Quốc vương khi loan báo dự án rằng ‘các nước nhỏ nên nghĩ xa hơn những phương tiện thông thường để thành công’ và ‘Bhutan bù đắp cho diện tích và tầm vóc của mình bằng sự sáng tạo’.

Một trong những mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến và đã cam kết với quốc tế là phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là điều mà Bhutan hiện không những đã đạt được mà còn đạt được rất sâu khi có mức phát thải ròng âm.

“Khi Gelephu tiếp tục tăng trưởng và phát triển, sẽ có thêm các cột mốc mới trong các lĩnh vực như nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển môi trường và phát triển nguồn nhân lực. Khi chúng tôi đạt được những cột mốc quan trọng này, chúng tôi sẽ đánh giá có những bài học nào để chia sẻ với các nước ngang hàng,” Tiến sỹ Lotay Tshering nói.

‘Lan tỏa năng lượng tích cực’

Bhutan là đất nước thấm đẫm tinh thần Phật giáo
Bhutan là đất nước thấm đẫm tinh thần Phật giáo

Bà Lan Cao nói những gì cảm nhận ở Bhutan ‘đã thay đổi cách tôi suy nghĩ về cuộc đời’.

“Tôi sống một cuộc sống phải luôn vận động không ngừng, giống như bị kẹt trên cái máy chạy bị nó đẩy liên tục nên khó mà nhảy xuống,” bà ví von. “Nhưng khi đến Bhutan tôi đã phải suy nghĩ lại.”

Mặc dù bà cho biết vẫn phải sống và làm việc ở Mỹ như hiện tại nhưng bà sẽ thay đổi cách sống theo những gì đã nhìn thấy ở Bhutan. Bên cạnh đó, bà cũng nhận lời mời thỉnh giảng cho một trường đại học ở Bhutan nên sẽ đến quốc gia này thường xuyên.

Về phần mình, luật sư Trịnh Hội nói Bhutan là nơi ông ‘muốn đến sống khi về hưu’ vì ông ‘thật sự tin tưởng’ vào tầm nhìn của quốc gia này.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG