Chỉ với một chiếc ba lô, một chiếc lều xách tay và một chiếc túi nhỏ, ông Cong, một di dân Trung Quốc 47 tuổi, là một trong số hơn chục di dân bước lên bờ đá của sông Chucunaque ở Lajas Blancas, Panama, từ một chiếc thuyền gỗ chật hẹp.
Điểm dừng chân này là một trong hàng chục điểm dừng mà ông đã thực hiện trong tháng qua, và đó là nơi ông gặp phóng viên đài VOA trên hành trình hướng tới Hoa Kỳ - một hành trình bắt đầu ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Ông Cong từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình với lý do lo ngại về an ninh.
Đi bộ qua bờ sông dưới nắng nóng, trong chiếc áo phông dài tay màu đen, quần đùi thể thao màu đen và đôi dép màu trắng, ông hơi khập khiễng vì mắt cá sưng tấy do trượt chân khi băng qua sông trước đó trong cuộc hành trình.
Di dân từ Trung Quốc là nhóm di dân tăng nhanh nhất, đi qua hành trình dài đến biên giới Hoa Kỳ. Vượt qua Darien Gap nguy hiểm của Panama và mạo hiểm với cái chết và bệnh tật là một phần quan trọng của hành trình đó.
Giống như nhiều người khác, ông Cong cho biết ông nhận được rất nhiều thông tin từ các nguồn trực tuyến về cách thực hiện chuyến đi, bao gồm cả Douyin, phiên bản tiếng Hoa của TikTok. Sau nửa năm hoạch định, ông quyết định: “Tôi phải đi”.
“Khi tôi bước đi, tôi quyết định rằng điều đó sẽ đáng giá, ngay cả khi tôi có chết trên đường đi,” ông nói.
Khi VOA hỏi ông, người từng làm chủ một cửa hàng bánh crepe tại Trung Quốc, vì sao ông lại vượt ngàn dặm đến một đất nước mà ông chưa từng đặt chân tới, ông trả lời: “Tự do”.
“Tôi muốn tự do,” ông nói.
Ông Cong cho biết ở Trung Quốc không có tự do, điều này khiến ông chán nản. Ông nói tài khoản Douyin của ông đã nhiều lần bị cấm vì sử dụng từ khóa nhạy cảm và chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Cong nói định nghĩa của ông về tự do là ông không phải làm những gì mình không muốn và có thể chỉ trích chủ tịch.
Nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc là một lý do lớn khác khiến ông quyết định rời khỏi đất nước. Thị trường chứng khoán của nước này đang ở mức thấp nhất trong 5 năm và đất nước này đã chứng kiến sự sụt giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu. Tháng 6 năm ngoái, ông Cong phải đóng cửa tiệm bánh crepe vì ế khách.
“Không ai có tiền. Không có công việc kinh doanh nào dễ dàng cả”, ông nói. “Không có ngoại thương, tất cả tiền trong nước xoay vòng từ người này sang người khác. Làm sao điều đó có thể tạo ra sự giàu có?"
Ông Cong không phải là người duy nhất quyết định thực hiện chuyến đi tới biên giới Hoa Kỳ.
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ CBP cho thấy hơn 37.000 di dân Trung Quốc đã bị giam giữ tại biên giới Mỹ-Mexico vào năm 2023, gấp gần 10 lần so với năm trước.
Chỉ riêng tại khu vực San Diego - trải dài 100 km trong đất liền từ Thái Bình Dương - các quan chức Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ nói với một đài truyền hình địa phương trong tuần này rằng họ đã thực hiện hơn 140.000 vụ bắt giữ kể từ ngày 1/10/2023. Trong đó có khoảng 20.000 người từ Trung Quốc, tăng 500% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi vượt biên, những di dân trình diện nhân viên Tuần tra Biên giới và tuyên bố ý định xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Họ trải qua tiến trình làm hồ sơ và thường được trả tự do trong vòng 72 giờ. Theo Bộ Tư pháp, 55% di dân Trung Quốc đã được cấp tị nạn vào năm ngoái.
Ông Giuseppe Loprete, người đứng đầu phái đoàn của Tổ chức Di trú Quốc tế tại Panama, một cơ quan của Liên hiệp quốc cung cấp thông tin cho những di dân vượt qua Darien Gap, nói với Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn rằng những di dân Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương do rào cản ngôn ngữ và có tiền.
Ông Cong cho biết ông đã trả 700 đô la cho một người đưa đường dẫn lối mà ông tìm thấy trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc để được hướng dẫn đến Acandí, Colombia. Từ đó, ông đi bộ ba ngày trong rừng nhiệt đới. Ông trả thêm 25 đô la cho chuyến đi thuyền trên sông Chucunaque. Nhưng đó chỉ là một phần chi phí mà ông phải gánh chịu trong hành trình hơn một tháng từ Tứ Xuyên qua Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, Colombia và bây giờ là Panama.
Số lượng người rời khỏi Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm 2013. Theo cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, UNHCR, hơn 700.000 người Trung Quốc đã xin tị nạn ở nước ngoài từ năm 2013 đến năm 2021. Con số này bao gồm hơn 100.000 người mỗi năm từ năm 2019 đến năm 2021, năm cuối cùng có số liệu thống kê của UNHCR.
Sự gia tăng đáng kể số lượng di dân Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia ở Mỹ, với một số câu hỏi liệu có gián điệp Trung Quốc trong số họ hay không.
Dân biểu Cộng hòa Mark Green, chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về làn sóng di dân Trung Quốc vào Hoa Kỳ vào tháng 6 năm ngoái, cho rằng phần lớn là những người đàn ông trong độ tuổi quân dịch có mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Dân biểu Green và Thượng nghị sĩ Marco Rubio cùng Dân biểu Troy E. Nehls đã giới thiệu Đạo luật Không cho tị nạn các Gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm ngoái, nếu được thông qua, sẽ ngăn ngừa các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc xin tị nạn tại Mỹ.
Dữ liệu của CBP cho thấy các nhân viên tuần tra biên giới đã bắt gặp 5.717 di dân là người Trung Quốc trưởng thành độc thân trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ tháng 1 nào khác được ghi nhận. Vào tháng 12, con số đó đạt mức cao kỷ lục là 7.581, trong khi tổng số kể từ đầu năm 2023 tới nay hiện ở mức 64.979.
Theo quan sát của VOA, số di dân Trung Quốc là đàn ông đi một mình nhiều hơn phụ nữ.
Với chặng đường còn vài nghìn km nữa, ông Cong cho biết có rất ít điều chắc chắn. Ông nói rằng ông hy vọng sẽ bắt đầu cuộc sống ở Mỹ bằng việc rửa bát trong một nhà hàng sau khi đến đích cuối cùng.
“Tốt hơn là mình nên làm tất cả những gì có thể còn hơn là trôi nổi trong vô vọng,” ông nói.
Diễn đàn