Đường dẫn truy cập

Biden nói ông sẽ ‘đóng cửa’ biên giới Mỹ-Mexico. Nên hiểu điều này thế nào?


Dây kẻm gai tại biên giới Mỹ-Mexico ở Eagle Pass, Texas, ngày 16/1/2024.
Dây kẻm gai tại biên giới Mỹ-Mexico ở Eagle Pass, Texas, ngày 16/1/2024.

Tổng thống Joe Biden trong vài ngày qua đã đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ về việc đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico khi ông cố gắng cứu vãn một thỏa thuận biên giới tại Quốc hội mà qua đó cũng sẽ giải phóng tiền cho Ukraine.

Thỏa thuận này đã được thương thuyết trong nhiều tháng và dường như sắp hoàn tất tại Thượng viện trước khi nó bắt đầu đổ vỡ, phần lớn là do ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump không muốn nó xảy ra.

“Một dự luật lưỡng đảng sẽ tốt cho nước Mỹ và giúp sửa chữa hệ thống di trú bị hỏng của chúng ta, đồng thời cho phép những người xứng đáng tới đây được tiếp cận nhanh chóng, và Quốc hội cần phải hoàn thành điều đó,” ông Biden nói vào cuối tuần qua. “Nó cũng sẽ trao cho tôi với tư cách là tổng thống, quyền khẩn cấp để đóng cửa biên giới cho đến khi biên giới được kiểm soát trở lại. Nếu dự luật đó hôm nay là luật, tôi sẽ đóng cửa biên giới ngay lúc này và sửa chữa nhanh chóng.”

Lời lẽ cứng rắn của ông Biden đến từ đâu?

Ông Biden muốn tiếp tục tài trợ cho Ukraine khi Ukraine đang đối mặt với cuộc xâm lược của Nga. Đảng Cộng hòa tại Thượng viện ban đầu cho biết họ sẽ không xem xét cấp thêm tiền cho Kyiv trừ khi được kết hợp với một thỏa thuận quản lý biên giới.

Khi các cuộc đàm phán tiến triển, ông Biden đã bắt đầu nỗ lực đạt được một thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng sau nhiều năm bế tắc trong việc cải tổ hệ thống di trú. Nhưng tuyên bố của ông rằng ông sẽ đóng cửa biên giới “ngay bây giờ” nếu Quốc hội thông qua thỏa thuận được đề xuất là có ý nghĩa chính trị hơn là chính sách.

Ông đang tìm cách giải tỏa những lời chỉ trích về cách ông xử lý vấn đề di cư ở biên giới trong khi vấn đề di trú ngày càng trở thành vấn đề được người Mỹ quan tâm trước cuộc bầu cử tổng thống.

Biên giới có thật sự đóng cửa theo thỏa thuận không?

Không. Thương mại sẽ tiếp tục, những người là công dân và cư dân hợp pháp có thể tiếp tục qua lại.

Ông Biden đang đề cập đến thẩm quyền trục xuất đang được các nhà lập pháp đàm phán sẽ tự động có hiệu lực vào những ngày mà số lượt vượt biên bất hợp pháp lên tới hơn 5.000 trong mức trung bình 5 ngày qua biên giới phía Nam, nơi hiện có tới 10.000 lượt vượt biên mỗi ngày. Chính quyền đóng cửa sàng lọc tị nạn đối với những người vượt biên bất hợp pháp. Di dân vẫn có thể nộp đơn tại các cửa khẩu nhập cảnh cho đến khi số lượt qua lại giảm xuống dưới 3.750 mỗi ngày. Nhưng đây chỉ là ước tính, con số cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Ngoài ra còn có nỗ lực thay đổi cách xử lý các trường hợp xin tị nạn. Hiện nay, phải mất vài năm mới giải quyết xong một vụ việc và trong khi đó, nhiều di dân được cho vào nước Mỹ để chờ đợi. Đảng Cộng hòa coi đó là một lý do khiến ngày càng nhiều di dân có động lực đến Hoa Kỳ.

Mục tiêu là giảm thời gian giải quyết xuống còn sáu tháng. Việc này cũng sẽ nâng cao các tiêu chuẩn mà di dân có thể nộp đơn xin tị nạn ngay từ đầu. Tiêu chuẩn hiện nay được thiết kế rộng rãi để những người xin tị nạn không bị bỏ rơi, nhưng các nhà phê bình cho rằng hệ thống này đang bị lạm dụng.

Ông Trump cũng đe dọa đóng cửa biên giới?

Đúng. Ông Trump tuyên bố sẽ “đóng cửa” hoàn toàn biên giới Mỹ-Mexico, bao gồm cả thương mại và giao thông - trong nỗ lực buộc Mexico phải làm nhiều hơn để ngăn chặn dòng di dân. Tuy nhiên, ông đã không làm theo. Nhưng ý kiến này đã bị chỉ trích nặng nề bởi đảng Dân chủ, cho rằng nó hà khắc và bài ngoại. Lần gần nhất ông Trump nhắc đến là trong thời kỳ đại dịch, khi ông sử dụng các thẩm quyền khẩn cấp để hạn chế nghiêm ngặt việc tị nạn. Nhưng thương mại và giao thông vẫn tiếp tục.

Ông Biden lâu nay chỉ trích chính sách biên giới của ông Trump là vô nhân đạo. Những bước đi gần đây của ông Biden nối gót ông Trump cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng về tình trạng di cư bất hợp pháp. Nhưng lập trường của ông Biden có nguy cơ khiến những người cấp tiến xa lánh, những người vốn tin rằng ông đã đi quá xa về các chính sách biên giới.

Ông Biden có quyền đóng cửa biên giới không?

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một đồng minh của ông Trump và là người chỉ trích thỏa thuận được đề nghị, đã lập luận rằng các tổng thống có đủ thẩm quyền để ngăn chặn việc vượt biên bất hợp pháp. Về lý thuyết, ông Biden có thể hạn chế mạnh mẽ các yêu cầu xin tị nạn và hạn chế việc vượt biên, nhưng nỗ lực này gần như chắc chắn sẽ bị thách thức trước tòa và có nhiều khả năng bị chặn hoặc cắt giảm đáng kể nếu không có luật của quốc hội ủng hộ những thay đổi mới.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói: “Quốc hội cần phải hành động.” “Họ phải hành động. Chủ tịch Johnson và các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện nên cung cấp cho chính quyền những thay đổi về chính sách và nguồn tài trợ cần thiết.”

Triển vọng cho thỏa thuận được đề nghị là gì?

Triển vọng mờ mịt.

Một nhóm thượng nghị sĩ nòng cốt đàm phán thỏa thuận đã hy vọng sẽ công bố văn bản chi tiết trong tuần này, nhưng những người bảo thủ đã nói rằng các biện pháp này không đi đủ xa để hạn chế di trú.

Chủ tịch Hạ viện nói luật này sẽ “chết khi đến Hạ viện” nếu thông tin rò rỉ là đúng sự thật.

​Như nhà đàm phán hàng đầu của Thượng viện, James Lankford, đã nói trên “Fox News Sunday,” rằng sau nhiều tháng thúc đẩy an ninh biên giới và kêu gọi một thỏa thuận gắn liền với viện trợ Ukraine, “khi chúng ta cuối cùng cũng đi đến hồi kết,” Đảng Cộng hòa dường như đang nói rằng ‘Ồ, đùa thôi, tôi thực sự không muốn thay đổi luật vì là năm bầu cử tổng thống’.”

Ông Trump không muốn trao chiến thắng cho ông Biden về một vấn đề đã thúc đẩy chiến dịch tranh cử thành công năm 2016 của đảng Cộng hòa và vấn đề mà ông muốn sử dụng khi tìm cách quay trở lại Tòa Bạch Ốc.

Ông nói hôm 27/1: “Tôi sẽ chiến đấu bằng mọi cách. Rất nhiều thượng nghị sĩ tìm cách, một cách tôn trọng, đổ lỗi cho tôi. Tôi nói, không sao đâu. Hãy đổ lỗi cho tôi. Xin vui lòng.”

Điều gì đã xảy ra đối với các nỗ lực biên giới của ông Biden cho đến nay?

Việc ông Biden ủng hộ khung làm việc của quốc hội cho thấy những nỗ lực của chính quyền nhằm ban hành một cuộc cải cách di trú rộng rãi hơn đã bị cản trở như thế nào.

Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Biden đã gửi đề nghị di trú toàn diện tới Quốc hội và ký nhiều sắc lệnh hành pháp hơn ông Trump. Kể từ đó, ông đã thực hiện hơn 500 hành động điều hành, theo một thống kê của Viện Chính sách Di cư phi đảng phái.

Cách tiếp cận của chính quyền ông là kết hợp các con đường nhân đạo mới cho di dân với cuộc trấn áp ở biên giới nhằm nỗ lực ngăn cản di dân thực hiện hành trình nguy hiểm đến biên giới Mỹ-Mexico và thay vào đó di chuyển bằng máy bay với một người bảo trợ. Một số chính sách đã thành công nhưng số lượng người vượt biên vẫn tiếp tục tăng. Ông cũng tìm cách làm cho vấn đề trở nên mang tính khu vực hơn, sử dụng kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của mình để làm trung gian cho các thỏa thuận với các quốc gia khác.

Các phụ tá và đồng minh của ông Biden coi những thay đổi về tị nạn là một phần của nỗ lực trấn áp và đó là một phần lý do tại sao họ tiếp thu các đề nghị. Nhưng họ đã chống lại những nỗ lực tước bỏ khả năng của tổng thống trong việc cấp “đặc xá nhân đạo” về di trú - cho phép di dân vào Hoa Kỳ trong các trường hợp đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp hoặc tình trạng bất ổn toàn cầu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG