Đường dẫn truy cập

Hong Kong bắt đầu xây dựng Luật An ninh Quốc gia riêng, tương tự luật được Trung Quốc dùng để đàn áp giới bất đồng


Trưởng đặc khu Hong Kong John Lee (giữa), Bộ trưởng Tư pháp Paul Lam (trái) và Bộ trưởng An ninh Chris Tang tổ chức họp báo tại trụ sở chính phủ ở Hong Kong vào ngày 30 tháng 1 năm 2024.
Trưởng đặc khu Hong Kong John Lee (giữa), Bộ trưởng Tư pháp Paul Lam (trái) và Bộ trưởng An ninh Chris Tang tổ chức họp báo tại trụ sở chính phủ ở Hong Kong vào ngày 30 tháng 1 năm 2024.

Hong Kong hôm 30/1 bắt đầu tham vấn cộng đồng về Luật An ninh Quốc gia của địa phương, hơn ba năm sau khi Bắc Kinh áp đặt một đạo luật tương tự nhằm xóa bỏ hoàn toàn những người bất đồng chính kiến ở thành phố bán tự trị.

Luật mới có thể mở rộng khả năng của chính phủ trong việc truy tố cư dân vì các hành vi phạm tội như cộng tác với lực lượng nước ngoài để tác động đến luật pháp hoặc “công bố những tuyên bố sai lệch” và đóng cửa các tổ chức xã hội dân sự. Một số điều khoản của nó đe dọa truy tố hình sự đối với các hành vi đã phạm ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Tiểu hiến pháp của Hong Kong, Luật Cơ bản, kêu gọi thành phố ban hành luật an ninh quốc gia. Việc này đã bị trì hoãn trong nhiều thập niên vì sự phản đối rộng rãi của công chúng do lo ngại luật này sẽ làm xói mòn quyền tự do dân sự. Trong năm 2003, nỗ lực thông qua một phiên bản của luật đã gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố thu hút nửa triệu người và đạo luật này đã bị gác lại.

Tuy nhiên, việc thành phố đàn áp phe đối lập chính trị có thể sẽ dọn đường cho dự luật được thông qua dễ dàng. Kể từ năm 2020, nhiều nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của thành phố đã bị bắt, bị bịt miệng hoặc bị buộc phải lưu vong. Hàng chục nhóm xã hội dân sự đã bị giải tán và các cơ quan truyền thông ‘nói thẳng nói thật’ như Apple Daily và Stand News đã ngừng hoạt động.

Văn bản dự thảo sẽ được lập nên dựa trên ý kiến đóng góp từ quá trình tham vấn cộng đồng, bắt đầu từ ngày 30/1 và sẽ kết thúc vào ngày 28/2. Nhưng thành phố hôm 30/1 đã công bố một tài liệu dài 110 trang nêu rõ kế hoạch ban hành luật.

Lãnh đạo thành phố John Lee gọi đạo luật này là “trách nhiệm theo hiến pháp”.

“Chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa,” ông nói trong một cuộc họp báo. “Những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia là có thật. Chúng ta đã trải qua tất cả những mối đe dọa này. Chúng ta đã phải chịu đựng chúng một cách tồi tệ”.

Cả chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh đều ca ngợi Luật An ninh Quốc gia trước đây đã khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ vào năm 2019.

Ông Lee nói vẫn cần có một phiên bản địa phương để giữ cho Hong Kong an toàn trước “sự phá hoại tiềm ẩn” và “các dòng chảy ngầm cố gắng tạo ra rắc rối”, đặc biệt là những ý tưởng còn sót lại về nền độc lập của Hong Kong. Ông Lee cũng cho biết một số hãng tin nước ngoài vẫn có thể hoạt động ở Hong Kong.

Ông nói các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Anh và Singapore, đều có luật tương tự để bảo vệ an ninh và Hong Kong sẽ học theo luật đó.

Các nhà phê bình lo ngại chính quyền sẽ sử dụng luật an ninh quốc gia địa phương như một công cụ khác để trấn áp những người bất đồng chính kiến, làm xói mòn thêm các quyền tự do đã được hứa hẹn với thuộc địa cũ của Anh khi nó trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.

Luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt đã hình sự hóa hành vi lật đổ, chủ trương ly khai và thông đồng với các lực lượng nước ngoài để can thiệp vào công việc của thành phố cũng như khủng bố, nhưng không bao gồm tất cả các hành vi phạm tội mà chính quyền muốn nhắm tới.

Eric Lai, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật châu Á Georgetown, cho biết thời gian tham vấn cộng đồng kéo dài một tháng và ngắn hơn ba tháng thông thường đối với các luật quan trọng. Theo ông Lai, việc này dường như là “bày hàng tủ kính”.

Những điểm nổi bật của bộ luật này bao gồm lệnh cấm “đe dọa an ninh quốc gia bằng cách cộng tác với các thế lực bên ngoài để can thiệp vào công việc của đất nước chúng ta hoặc đặc khu Hong Kong qua các biện pháp không phù hợp”. Tài liệu cũng gợi ý rằng việc thông đồng với “thế lực bên ngoài” để công bố một tuyên bố sai lệch nhằm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia có thể bị coi là tội gián điệp.

Luật cũng cấm kích động các quan chức nhà nước từ bỏ Luật Cơ bản hoặc lòng trung thành của họ với Hong Kong và Trung Quốc, mở rộng luật hiện hành vốn chỉ áp dụng cho cảnh sát và các lực lượng an ninh khác.

Ông Lee hứa rằng người dân vẫn có thể chỉ trích chính quyền Hong Kong và bày tỏ ý kiến, miễn là họ không có ý định gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Chính phủ đã bịt miệng hầu hết những người bất đồng chính kiến bằng cách sử dụng luật hiện hành. Hàng trăm người đã bị bắt theo luật năm 2020.

Khoảng 47 người đã bị buộc tội theo luật năm 2020 vì tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức, và hai người bị kết án trong cùng thời gian đó theo luật cũ vì vỗ tay trước tòa và lăng mạ thẩm phán trong phiên tòa.

Ông Lee cho biết luật sẽ không quy định việc chuyển nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử, không giống như luật năm 2020.

Giám đốc an ninh Chris Tang nói luật này sẽ bao gồm việc sử dụng máy tính và hệ thống điện tử để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cũng như tiết lộ bí mật quốc gia và hoạt động gián điệp, phản quốc và xúi giục nổi loạn. Đề xuất này bao gồm một định nghĩa mở rộng về bí mật nhà nước, trong đó có “sự phát triển kinh tế và xã hội của Hong Kong”, cũng như các hoạt động quốc phòng và ngoại giao.

Lãnh đạo đảng ủng hộ dân chủ lớn nhất thành phố kêu gọi làm rõ luật sẽ định nghĩa bí mật nhà nước như thế nào. Chủ tịch Đảng Dân chủ Lo Kin-hei đặt cây hỏi liệu các nhà báo có phải chịu trách nhiệm pháp lý khi đưa tin công khai về thông tin nội bộ của chính phủ hay không.

Đề xuất này cũng tìm cách sửa đổi và cập nhật một số luật hiện hành bao gồm tội phản quốc, trộm cắp bí mật nhà nước và gián điệp. Các phần của luật đề xuất sẽ được áp dụng ngoài biên giới Hong Kong.

Chính phủ đề nghị có thể sử dụng luật mới để hủy hộ chiếu của những người chạy trốn ra nước ngoài, trích dẫn một luật tương tự của Hoa Kỳ.

Những luật như vậy có thể ảnh hưởng đến nhiều nhà hoạt động phải sống lưu vong vì sợ bị bắt. Cảnh sát Hong Kong đã treo giải thưởng trị giá 1 triệu đô la Hong Kong (128.000 USD) đối với ít nhất 13 nhà hoạt động ở nước ngoài, bao gồm cả cựu nghị sĩ Nathan Law và Ted Hui, những người mà họ cáo buộc thông đồng với các thế lực bên ngoài để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Hong Kong và Trung Quốc.

Luật mới cũng có thể gây khó khăn hơn cho các nhóm xã hội dân sự hoạt động ở Hong Kong. Giám đốc an ninh của thành phố sẽ có được quyền lực mới để đóng cửa các tổ chức như vậy nhằm bảo vệ an ninh.

Sau thời gian tham vấn, luật đề xuất sẽ được soạn thảo dưới dạng dự luật và sẽ được Hội đồng Lập pháp xem xét kỹ lưỡng. Một khi luật được đề xuất đến cơ quan lập pháp, các nhà lập pháp dự kiến sẽ thông qua luật an ninh quốc gia địa phương mà không có nhiều sự phản đối trong ba lần xem xét do thiếu các nhà lập pháp đối lập sau cuộc cải tổ hệ thống bầu cử ở Hong Kong.

Ông Lee không đưa ra mốc thời gian để ban hành luật, ngoài việc nói rằng việc này phải được thực hiện “càng sớm càng tốt”.

Theo hiến pháp Hong Kong, thành phố này buộc phải ban hành luật “riêng” để cấm bảy loại hành vi: phản quốc, ly khai, nổi loạn, lật đổ chính quyền trung ương Trung Quốc, trộm cắp bí mật nhà nước, các tổ chức chính trị nước ngoài tiến hành các hoạt động chính trị trong thành phố và các tổ chức chính trị địa phương có quan hệ với các nhóm chính trị nước ngoài.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG