Đường dẫn truy cập

Người Trung Quốc không hạnh phúc


Người Trung Quốc không hạnh phúc
Người Trung Quốc không hạnh phúc

Một cuộc điều tra gần đây do Đại học Tsinghua và tạp chí Xiaokang hồi tháng 10 cho thấy 40% dân số Trung Quốc không hạnh phúc với cuộc sống của mình[i]. Một cuộc điều tra khác của tạp chí Outlook và Đại học Peoples cho thấy 70% nông dân Trung Quốc không hài lòng, chủ yếu vì vấn đề nhà nước lấy đất để làm dự án. Trong khi đó, tạp chí Hurun Report và Bank of China lại cùng thực hiện một cuộc thăm dò và kết quả là khoảng 60% số người giàu và siêu giàu ở Trung Quốc đang chuyển ra nước ngoài sinh sống hoặc đang dự định làm việc này[ii]. Nhân dân Nhật báo gần đây cũng cảnh báo rằng đang có một cuộc khủng hoảng lòng tin đối với nhà nước.

Một nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, China Society Yearbook[iii], xuất bản năm 2011 cho thấy người dân tại các thị trấn nhỏ và các vùng nông thôn đang ngày càng bất mãn về cuộc sống của họ. Các chỉ số về mức độ hài lòng với công việc, an sinh xã hội, và giải trí trong năm nay đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2006 trở lại đây. Nghiên cứu này cũng cho thấy lòng tin ngày càng giảm dần của người dân đối với nền kinh tế và với khả năng quản lý của nhà nước trung ương trên các mặt kinh tế, xã hội, và đối ngoài.

Điều này không khó để giải thích. Phần lớn nguồn lợi đến từ tăng trưởng kinh tế trong suốt hơn 30 năm qua không đến được người dân mà rơi vào tay của doanh nghiệp và chính phủ. Trong giai đoạn 1991 đến 2009, năng xuất lao động tăng bình quân 12,3%[iv] mỗi năm trong khi tiền lương chỉ tăng 7,1%[v]. Chính vì thế, thu nhập của hộ gia đình năm 1997 chiếm tới 67% GDP nhưng đến năm 2007 chỉ còn dưới 50%.

Điều tra của Đại học Tsinghua và tạp chí Xiaokang trích dẫn ở trên cho thấy trong số các nhóm người khác nhau tham gia trả lời, nhóm chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản trị cao cấp tại các doanh nghiệp tư nhân là nhóm hạnh phúc nhất, tiếp theo là nhóm các quan chức làm việc trong hệ thống công quyền. Đương nhiên, người lao động và nông dân xếp ở các vị trí cuối cùng – ít hạnh phúc nhất.

Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khi cuộc biểu tình đòi dân chủ bị dìm trong biển máu, Trung Quốc không còn các cuộc biểu tình hướng đến việc thay đổi thể chế chính trị với quy mô lớn. Trên thực tế, người dân Trung Quốc đang quay lưng lại với các cuộc biểu tình kiểu như vậy. Ngược lại, các cuộc biểu tình với từng mục đích cụ thể, phản đối một số chính sách cụ thể của nhà nước thì đang tăng lên mạnh mẽ. Theo Los Angeles Times trích dẫn số liệu của Học viện Cảnh sát Trung Quốc, số lượng các cuộc biểuu tình tăng từ 8700 vào năm 1993 lên tới 90 nghìn vào năm 2006. Báo này dẫn lời giáo sư Sun Liping thuộc đại học Tsinghua cho rằng số lượng các cuộc biểu tình lớn nhỏ ở Trung Quốc năm 2010 đã lên tới 180 nghìn.

Bất bình đẳng trong việc chia xẻ lợi ích tăng trưởng, bị nhà nước lấy mất đất đai, ô nhiễm môi trường, điều kiện an sinh xã hội, sưu cao thuế nặng, và tham nhũng của chính quyền… là các lý do thường thấy nhất dẫn tới các cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Riêng trong năm 2011, tình hình kinh tế đi xuống cũng tạo thêm nhiều lý do mới. Cuộc biểu tình ở thành phố Huzhou thuộc tỉnh Zhejang là một thí dụ. Vì vấn đề tài chính của ngân sách địa phương, chính quyền địa phương đã quyết liệt tìm cách tăng doanh thu thuế khiến thu nhập từ thuế của nhà nước đã tăng với tốc độ nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng GDP. Điều này đã đẩy người lao động và giới doanh nghiệp xuống đường chống lại cái mà họ gọi là sự bóc lột quá đáng của chính quyền.

Gốc rễ của sự bất đồng trong công chúng ở Trung Quốc đối với nhà nước nêu ở trên phần lớn thuộc về cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển của đất nước này. Một đất nước xác định con đường tăng trưởng dựa vào thâm dụng lao động và sản xuất gia công thì không thể không gặp vấn đề xung đột từ tiền lương thấp và an sinh xã hội kém. Một đất nước dựa vào phát triển công nghiệp bề rộng, khai thác và tiêu dùng tài nguyên ở quy mô lớn, và đóng vai trò công xưởng của thế giới thì không thể không gặp những vấn đề về môi trường và an toàn lao động. Một đất nước dựa vào mệnh lệnh hành chính để điều hành và pháp quyền (rule of law) không tồn tại thì không thể tránh được sự hà khắc, nghiệt ngã trong triển khai, bất bình đẳng trong cơ hội và tham nhũng.

Chính vì thế, những cuộc biểu tình như trên không thể giảm đi hoặc biến mất trong ngắn hạn, mà sẽ ngày càng tăng lên về số lượng và quy mô. Mặc dù chúng chưa trực tiếp tạo ra những thách thức đối với sự cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc hay tạo ra những xáo trộn quá lớn về xã hội hoặc bộ máy cầm quyền, nhưng nếu những bức xúc là nguồn gốc tạo ra chúng không được giải quyết, thì sự tiến hóa của các bất đồng và phản kháng này có thể dẫn tới những kết cục đầy bất ngờ mà không ai đoán trước được.

Cho đến giờ, có vẻ như chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc tìm được lối ra khỏi mớ bòng bong này. Trước mắt, cách hành xử của họ vẫn là tăng cường nguồn lực và sức mạnh của bộ máy an ninh. Theo Wall Street Journal, năm 2011 này là năm đầu tiên chi tiêu ngân sách cho an ninh vượt quá chi tiêu ngân sách cho quân đội và sự “bốc hơi” của các nhân vật bất đồng chính kiến đang ngày càng phổ biến[vi]. Giải pháp này thay vì hàn gắn quan hệ vốn không tốt đẹp với dân chúng thì lại tăng thêm các họat động đàn áp công khai, và việc này lại dẫn tới sự tức giận và phản kháng mạnh mẽ hơn.

[i] http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20111106000099&cid=1103&MainCatID=11

[ii] http://www.businessweek.com/printer/magazine/chinas-superrich-buy-a-better-life-abroad-11222011.html

[iii] http://www.brill.nl/publications/chinese-academy-social-sciences-yearbooks-society

[iv] Lu, Feng (2010). “Labor Productivity and Macroeconomic Cycles in China.” China Economic Observer, NSD, Peking University, August 29, 2010

[v] Conference Board (2010). Long-term Wage Trends in China. 2010

[vi] http://online.wsj.com/article/SB10001424052970204224604577029550570114554.html

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG