Đường dẫn truy cập

Trung Quốc không phải là melting pot


Trung Quốc không phải là melting pot
Trung Quốc không phải là melting pot

Trung Quốc hiện đại là một đất nước rộng lớn với dân cư thuộc nhiều sắc tộc có lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ rất khác nhau. Có khoảng 91,9% dân cư hiện nay là người Hán, phần còn lại thuộc về người Mông Cổ, Zhuang, Miao, Hui, Tây Tạng, Uyghurs, và Hàn Quốc[i]. Xung đột sắc tộc ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu diễn ra vì lý do chính trị. Một bộ phận không nhỏ thuộc các nhóm người Tây Tạng, Uyghurs, và Mông Cổ muốn dành được độc lập, hoặc được quyền tự trị rộng lớn hơn, cho các vùng Tây Tạng, Xinjiang, và Nội Mông.

Trong các cuộc xung đột này, được biết đến nhiều nhất là công cuộc đòi độc lập của người Tây Tạng. Lý do có lẽ phần lớn vì sức ảnh hưởng lớn của lãnh tụ Dalai Lama. Dưới sự lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của ông, phong trào đòi độc lập cho Tây Tạng cơ bản vẫn giữ được tinh thần bất bạo động.

Tuy thế, bạo lực vẫn thi thoảng xảy ra, đặc biệt trong cuộc biểu tình quy mô lớn của người Tây Tạng vào tháng 3, 2008 trước sự kiện Olympic Bắc Kinh. Sau 05 ngày biểu tình và bạo động, có ít nhất 16 người đã thiệt mạng và 325 người bị thương ở Lhasa[ii]. Trong ngày thứ 5 của cuộc biểu tình, bạo động đã xảy ra tại Lhasa khi các tu sĩ Phật giáo cùng người dân địa phương dằng co với cảnh sát Trung Quốc, đốt cháy các cửa hàng, ô tô, xe quân sự, và ít nhất một xe bus du lịch. Chính quyền đưa hàng ngàn cảnh sát chống bạo động và xe bọc thép tới thành phố. Mặc dù không có thông tin về thương vong tiếp theo, thông tin chính thức từ phía chính quyền cũng nhìn nhận cảnh sát đặc nhiệm đã bắn vào đoàn biểu tình và làm bị thương một số người.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hiện nay của Trung Quốc từng là Bí thư Đảng của Tây Tạng vào năm 1989 và là người ra lệnh đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của người địa phương ở đây. Theo số liệu từ Friends of Tibet, số người bị giết hại lên tới khoảng 400, hàng nghìn người bị thương, và ba nghìn người bị bắt giữ[iii]. Theo New York Times, nhờ chiến công này mà Hồ Cẩm Đào được Đặng Tiều Bình – người ra lệnh thảm sát ở Thiên An Môn cùng năm – để ý tới và cất nhắc vào Ban thường trực của Bộ Chính Trị[iv].

Trước đó nữa, vào các năm 1979 đổ về trước, các cuộc nổi dậy thường xuyên nổ ra và Trung Quốc luôn đáp ứng bằng vũ lực. Theo số liệu Friends of Tibet lấy từ nguồn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, chỉ riêng từ tháng 3 năm 1959 đến tháng 10 năm 1960, có tới 87 nghìn người Tây Tạng bị giết ở riêng vùng Central Tibet. Tổng kết giai đoạn 30 năm từ 1949 đến 1979, Friends of Tibet cho rằng có tới hơn 1,2 triệu người Tây Tạng bị chết vì chiến tranh với Trung Quốc (bị giết ngoài mặt trận, chết đói, chết trong tù, xử tử…)

Vì lịch sử đẫm máu giữa hai dân tộc như vậy, sự yên ổn tạm thời ở Tây Tạng hiện nay trên thực tế hàm chứa nhiều nguy cơ hơn là cơ hội. Sự kiện hồi tháng 3, 2008 không gây đổ máu nhiều một phần vì chính quyền Bắc Kinh không thể ra tay mạnh mẽ trước sự kiện Olympic. Một phần khác có thể coi là thành công (hay thất bại?) của Dalai Lama trong việc giữ các hoạt động đòi độc lập của người Tây Tạng trong phạm vi bất bạo động.

Tuy nhiên, Dalai Lama hiện nay, ngài Tenzin Gyatso, sinh năm 1935, đã 76 tuổi. Nhiều người lo ngại rằng một khi ngài Tenzin Gyatso qua đời, cục diện mối quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc sẽ có những thay đổi lớn. Phong trào đấu tranh của người Tây Tạng có thể lại quay lại phương pháp cũ.Và với bản chất không thay đổi của nhà nước Trung Quốc, việc đàn áp và đổ máu chắc chắn sẽ lại được thực hiện giống như hồi trước.

Điểm nóng về xung đột sắc tộc thứ hai là giữa người Hán và người Uyghur thuộc khu tự trị Xinjiang. Xinjiang trong tiếng Hán có nghĩa là Tân Cương, hay là vùng biên ải mới. Vùng đất này chỉ bị nhập vào Trung Quốc vào thế kỷ 19, dưới thời nhà Thanh. Vào năm 1933, trong điều kiện Trung Quốc lâm vào nội chiến, các lãnh tụ của người Uyghur thuộc thành phố Kashgar (nằm trên Con đường Tơ lụa cổ xưa) đã tuyên bố độc lập và thành lập nên Nước Cộng hòa Đông Turkestan. Nền cộng hòa này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn và cuối cùng hoàn toàn bị thôn tính và trở thành một phần của nước Trung Quốc mới[v].

Mặc dù với danh nghĩa đây là vùng tự trị, chính quyền trung ương của Trung Quốc đã nhanh chóng xiết chặt kiểm soát tại vùng đất nhiều dầu lửa này và thực hiện chính sách tái định cư bằng cách đưa hàng triệu người Hán lên khai thác kinh tế mới ở Xinjiang. Nhờ chính sách này, người Uyghur hiện nay chỉ chiếm chưa đầy một nửa tổng số dân khoảng 20 triệu trong khu tự trị. Riêng ở thành phố Urumqui, thủ phủ của khu tự trị này, người Hán chiếm tới 75% dân số và điều hành hầu như toàn bộ hệ thống doanh nghiệp ở địa phương.

Khác với cuộc đấu tranh mang tính hòa bình của người Tây Tạng cuộc đấu tranh dành quyền tự trị của người Uyghur từ đầu thập kỷ 1990s đã chuyển sang dựa trên các biện pháp bạo lực. Từ các vụ nổ bom ở cả Xinjiang và Bắc Kinh, đến việc ám sát sác quan chức người Hán, sự phản kháng của người Uyghurs ngày càng trở nên bạo lực. Abulahat Abdurixit, chủ tịch của chính quyền của Khu tự trị Xinjiang, thừa nhận vào năm 1999 rằng “từ đầu nhữngn năm 1990s, nếu phải đếm số vụ nổ bom, ám sát, và các họat động khủng bố khác, thì con số lên tới mấy nghìn vụ”[vi].

Sự phản kháng của người Uyghur có vẻ như không hề lắng xuống trong những năm gần đây. Cuộc nổi dậy của họ hồi giữa năm 2009 ở vùng miền tây Xinjiang đã khiến ít nhất 197 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Hàng loạt các vụ tấn công khác vẫn liên tục diễn ra trong suốt các năm 2010 và 2011. Riêng trong tháng 5 năm 2011, có tới 3 vụ tấn công riêng lẻ dẫn tới cái chết của ít nhất 30 người.

Có vẻ như chính quyền trung ương Trung Quốc không tìm ra con đường nào khác giải quyết bài toán của người Uyghur ngoài việc trấn áp bằng bạo lực. Bộ trưởng An ninh Công cộng Meng Jianzhu phát biểu trong một hội thảo chống khủng bố hồi năm 2011 tại thủ phủ Urumqui của Xinjiang rằng “những tên tội phạm nào dám thách thức pháp luật và tiến hành các vụ khủng bố sẽ bị chúng ta trừng trị thẳng tay, không khoan dung, và không bao giờ mềm yếu” [vii]. Đáng buồn là chiến thuật bàn tay sắt đó có vẻ như mang đến hại nhiều hơn lợi vì nó làm tăng thêm nỗi oán hận và tuyệt vọng trong cộng đồng người Uyghur và đẩy họ tiến dần hơn tới các hoạt động cực đoan.

Điểm nóng cuối cùng về xung đột sắc tộc ở Trung Quốc liên quan đến người Mông Cổ sống trong vùng Nội Mông phía bắc Trung Quốc. Cũng giống như với người Tây Tạng và người Uyghur, lý do chính dẫn tới căng thẳng là vấn đề bản sắc dân tộc và phong cách sống truyền thống của các dân tộc này bị đảo lộn bởi chính sách tái định cư ồ ạt người Hán tới các vùng này và quá trình phát triển kinh tế quá nhanh kèm theo những thay đổi đột ngột về môi trường sống tại các khu tự trị.

Cũng giống như người Tây Tạng và người Uyghur, người Mông Cổ hiện đã trở thành thiểu số trên chính vùng đất của họ và chỉ còn chiếm 20% dân số ở Nội Mông. Người Mông Cổ nhìn chung được coi là đồng hóa tốt hơn vào Trung Quốc. Cho tới nay, cuộc đấu tranh phản kháng trên quy mô lớn của người Mông Cổ là vào năm 1981 – tức là đã 30 năm – nhằm phản kháng đợt đưa hàng trăm nghìn người Hán vào Nội Mông sinh sống.

Tuy vậy, một vài sự kiện đơn lẻ diễn ra gần đây vẫn cho thấy vấn đề sắc tộc ở Nội Mông vẫn là một quả bom nổ chậm. Sự kiện hồi tháng 5, 2011 là một ví dụ. Hoạt động khai mỏ ở Nội Mông là một ngành kinh tế béo bở và thu hút nhiều người Hán đến đây. Sự kiện này được châm ngòi khi những người Mông Cổ tìm cách ngăn cản các xe tải trở than đi qua đồng cỏ của họ và một người chăn cừu bị xe tải cán chết. Vài ngày sau đó, một cuộc ẩu đả lớn đã xảy ra ở công ty khai mỏ khi những người Mông Cổ đến khiếu nại. Một người Mông Cổ nữa lại bị giết bởi một lái xe người Hán được cho là cố ý cho xe cán chết[viii].

Sự kiện này ngay lập tức dẫn tới cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng 30 năm qua của người Mông Cổ ở Nội Mông. Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng phản ứng nhanh không kém. Cảnh sát đặc nhiệm được cử tới khu vực này, trường học bị đóng cửa và hệ thống điện thoại bị cho tạm ngưng họat động. Từ Bắc Kinh, quan chức chính phủ tuyên bố họ sẽ đáp ứng các yêu cầu hợp lý của những người biểu tình, truy tố hai người Hán lái xe ra tòa về tội giết người, nhưng cũng đồng thời tuyên bố sẽ ra tay trấn áp không thương tiếc những người mà họ gọi là “quấy rối”.

Joseph Cheung, giáo sư chính trị thuộc Đại học Hồng Kông, cho rằng sự kiện như ở Nội Mông cho thấy những oán thán ngày càng nhiều trong xã hội Trung Quốc. Theo ông, sự kiện hồi tháng 5, 2011 không phải là sự kiện cá biệt, và tình hình hiện nay đã căng thẳng tới mức bất cứ một sự kiện nhỏ nào xảy ra cũng có thể dẫn tới các cuộc biểu tình trên quy mô lớn.

[i] https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ch.html#People

[ii] http://www.pbs.org/newshour/updates/asia/jan-june08/tibet_03-20.html

[iii] http://www.friendsoftibet.org/databank/tibethistory/tibeth2.html

[iv] http://www.nytimes.com/2008/03/15/world/asia/15tibet.html?pagewanted=all

[v] http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1909416,00.html

[vi] Nicolas Becquelin, “Xinjiang in the Nineties”, China Journal, July, 2000 p. 87.

[vii] http://www.huffingtonpost.com/2011/08/05/china-uighur-protests_n_919231.html

[viii] http://www.voanews.com/english/news/asia/east-pacific/China-Determined-to-Suppress-Inner-Mongolia-Protesters-122859949.html

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG