Vài ngày trước khi Thái Lan triển khai chương trình bảo vệ mới dành cho người xin tị nạn nước ngoài, các tổ chức nhân quyền và người tị nạn đang bày tỏ lo ngại rằng nhiều người xứng đáng có hy vọng sẽ bị từ chối hoặc cảm thấy quá sợ hãi trước việc bị bắt và trục xuất nên không dám nộp đơn.
Bắt đầu từ ngày 22/9, những người nước ngoài không có giấy tờ vì lo sợ bị đàn áp ở quê nhà có thể nộp đơn lên chính phủ Thái Lan để xin tình trạng “người được bảo vệ” và nếu được chấp thuận, họ sẽ được cấp nơi cư trú hợp pháp tạm thời.
Thái Lan chưa bao giờ ký công ước về người tị nạn của Liên hiệp quốc và cho đến nay, không có sự phân biệt pháp lý nào giữa người xin tị nạn với di dân bất hợp pháp, khiến hầu hết thường xuyên lo sợ bị bắt và trục xuất.
Liên hiệp quốc ước tính có khoảng 5.000 người xin tị nạn đang sống ở Thái Lan, nhưng các tổ chức nhân quyền cho biết con số thực tế có thể cao hơn. Trong khi hầu hết đều tránh bị bắt, một số đôi khi bị bắt và buộc phải quay trở lại các quốc gia mà họ bỏ ra đi để chạy lánh sự đàn áp.
Theo Cơ chế Sàng lọc Quốc gia mới, hay NSM, một ủy ban do cảnh sát trưởng quốc gia đứng đầu sẽ xem xét những người nộp đơn “không thể hoặc không muốn” trở về nước “do lo sợ bị đàn áp có căn cứ”.
Lệnh của cảnh sát đưa chương trình này vào hiệu lực nói rằng cuộc đàn áp có thể bao gồm bất kỳ nguy cơ đáng kể nào đối với tính mạng hoặc sự tự do của họ. Lệnh bổ sung thêm mối đe dọa “tra tấn, cưỡng bức mất tích hoặc các hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một số nhóm xã hội hoặc quan điểm chính trị”.
Thiếu tướng Khemmarin Hassiri, chỉ huy bộ phận đối ngoại của lực lượng cảnh sát, nói với VOA: “Hệ thống này đã sẵn sàng và ngày 22 tháng 9 là ngày bắt đầu thủ tục”.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng họ đánh giá cao định nghĩa rộng rãi của chương trình về đàn áp nhưng các quy định về đối tượng có thể nạp đơn lại quá hẹp. Họ nói rằng những căn cứ để từ chối yêu cầu cũng quá mơ hồ, khiến chương trình có nguy cơ bị lạm dụng và nhiều người tị nạn gặp nguy hiểm.
Bà Waritsara Rungthong thuộc Dự án Kiện tụng về Quyền của Người tị nạn ở Thái Lan, một nhóm trợ giúp pháp lý, nói: “Nếu chương trình hoạt động tốt… nó sẽ mang lại cho mọi người quyền cư trú trong nước [hợp pháp], và sau đó sẽ giúp họ tiếp cận một số quyền,” bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
“Nhưng tôi không thực sự mong đợi điều đó, bởi vì suy cho cùng, NSM chỉ là quy định của văn phòng thủ tướng và cảnh sát vẫn có thẩm quyền theo Đạo luật Di trú,” bà nói.
Bà Waritsara cho biết điều này có thể đồng nghĩa với việc tiếp tục bị bắt giữ và bị trục xuất.
Quá hẹp, quá mơ hồ
Một mối lo ngại hàng đầu khác là chương trình sẽ tự động loại bỏ những lao động nhập cư được công nhận hợp pháp từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Các tổ chức nhân quyền cho biết những người xin tị nạn thường trở thành lao động nhập cư chỉ để kiếm sống hoặc có được tư cách pháp nhân vì Thái Lan không công nhận người tị nạn. Họ nói rằng những người lao động nhập cư đôi khi phải về nước để gia hạn hợp đồng hoặc visa, một vấn đề đối với những người bỏ trốn vì sự an toàn của mình.
“Mặc dù… họ có tài liệu chứng minh rằng họ là lao động nhập cư, nhưng cần phải có một số quy trình nào đó để sàng lọc hoặc xem xét liệu người này có còn đủ điều kiện để nộp đơn xin NSM hay không vì người này có thể cùng lúc là người tị nạn,” bà Waritsara nói.
Các tổ chức nhân quyền cũng lo lắng về cách chương trình có thể đối xử với những người đủ điều kiện nộp đơn. Các quy tắc sàng lọc nói rằng ủy ban có thể từ chối những người nộp đơn đáp ứng tất cả các điều kiện khác nếu họ có thể gây rủi ro cho “an ninh quốc gia” mà không cần giải thích chi tiết.
Bà Naiyana Thanawattho của Asylum Access Thái Lan, một nhóm bảo vệ quyền của người tị nạn khác, cho biết ngôn ngữ khó hiểu như vậy có thể che giấu sự từ chối thực sự nhằm mục đích theo kịp hoặc nịnh nọt các quốc gia khác muốn những người bất đồng chính kiến của họ quay trở lại, ngay cả khi điều đó khiến họ gặp nguy hiểm.
Bà nói: “Điều đó có thể xảy ra vì không có sự minh bạch. Chúng tôi không có cách nào để kiểm tra… lý do thực sự đằng sau nó là gì. Và chúng tôi đã thấy nhiều trường hợp trong quá khứ, trước NSM, khi chính phủ cố gắng gửi ai đó đến một quốc gia nhất định theo yêu cầu của [quê hương họ]. Nó dựa trên mối quan hệ giữa các chính phủ.”
Vào năm 2015, Thái Lan đã gửi hơn 100 người Uyghur trở lại Trung Quốc, quốc gia mà Hoa Kỳ cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo. Thái Lan cũng gửi bốn nhà bất đồng chính kiến trở lại Campuchia, nơi họ bị bắt ngay vào năm 2021.
Vào tháng 4, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về việc bắt giữ một nhà bất đồng chính kiến mà họ tuyên bố đã tự nguyện trở về từ nơi ẩn náu ở Thái Lan, vài ngày sau khi ông này mất tích ở Bangkok. Bạn bè của người đàn ông nói rằng đoạn video ghi lại từ bên ngoài ngôi nhà mà ông đang thuê cho thấy ông đã bị bắt cóc.
Thiếu hụt niềm tin
Những trường hợp này và những trường hợp khác tạo nên cái mà tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch gọi là “trung tâm trao đổi” lâu dài giữa các chính phủ trong khu vực đang tìm cách truy bắt và trừng phạt những người bất đồng chính kiến của họ.
Ông Đặng, một người xin tị nạn không có giấy tờ từ Việt Nam, cho biết các trường hợp này đã tạo ra mức độ mất lòng tin đối với chính phủ Thái Lan, có khả năng khiến ông và nhiều người khác không muốn đăng ký chương trình bảo vệ mới.
“Tôi không nghĩ mình muốn nộp đơn,” ông Đặng nói và cho biết thêm rằng hầu hết những người xin tị nạn khác mà ông biết đều cảm thấy như vậy.
“Nếu chúng tôi nộp đơn xin, điều đó có nghĩa là họ có thông tin của chúng tôi trong tay và [chúng tôi] không chắc liệu họ có chia sẻ thông tin đó với chính phủ [khác] hay không,” ông nói. “Đây là một mối quan ngại lớn… và nếu họ chia sẻ với họ, tôi nghĩ họ sẽ tìm thấy tôi ở đây”.
Các tổ chức nhân quyền cho biết những người xin tị nạn cũng lo sợ họ sẽ bị bắt nếu ra trình báo và đưa vào các trung tâm giam giữ di dân trong quá trình kiểm tra vốn không có khung thời gian cố định.
Ông Khemmarin, chỉ huy cảnh sát, cho biết những người nộp đơn sẽ được đưa vào các “nơi trú ẩn” trên khắp đất nước.
“Nó chỉ là một cơ sở chứ không giống như nhà tù hay trung tâm giam giữ,” ông nói. “Chúng tôi [sẽ] không hạn chế họ, nhưng chúng tôi đảm bảo rằng trong suốt quá trình này, họ sẽ luôn có mặt cùng chúng tôi.”
Ông nói, chính quyền sẽ cho phép một số người nộp đơn ở bên ngoài nơi trú ẩn trong “những trường hợp đặc biệt”.
Người chỉ huy cho biết những người nộp đơn bị từ chối sẽ “phải hồi hương” nhưng thừa nhận rằng điều đó có thể là “không thể” đối với những người thực sự không có quốc tịch.
Ông Khemmarin cũng thừa nhận rằng các chính phủ trước đây đôi khi có thể đã lạm dụng quyền lực viện dẫn “an ninh quốc gia” để trục xuất những người xin tị nạn nhưng cho biết chính quyền mới, mới nhậm chức vào đầu tháng này, sẽ khắc phục điều đó.
Ông nói: “Đôi khi nó đã bị lạm dụng bởi hành động của cơ quan chính phủ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không đối xử đúng mực với họ”. “Với chính phủ mới, tôi nghĩ nếu chúng ta đi đúng hướng, tôi nghĩ vấn đề về người tị nạn sẽ được xác định và giải quyết thỏa đáng.”
Diễn đàn