Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nam Sudan thỏa hiệp với Sudan


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tại Juba, Nam Sudan, 3/8/2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tại Juba, Nam Sudan, 3/8/2012
Trong ngày thứ Sáu, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton ghé Nam Sudan và Uganda trong chuyến đi châu Phi 10 ngày của bà.

Trong một hành động ngoại giao quan trọng, bà kêu gọi Tổng thống Silva Kiir của Nam Sudan mau đạt tiến bộ trong cuộc đàm phán hiện nay với Sudan, quốc gia ở miền bắc đã cai trị Nam Sudan trước đây.

Cuộc tranh chấp về nguồn thu dầu hỏa đã đưa Sudan và Nam Sudan đến bờ vực chiến tranh.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng bà thông cảm Nam Sudan có một lập trường riêng, nhưng đã đến lúc phải hướng về tương lai.

Từ tháng 1 tới nay, Nam Sudan bị lạm phát gần 80%, và kho bạc sắp cạn tiền.

Hoa Kỳ đã giúp thu xếp cuộc nội chiến giữa Sudan và Nam Sudan vào năm 2005, và từ đó đến nay vẫn viện trợ mạnh mẽ cho Nam Sudan.

Đường ống dẫn dầu ở Sudan
Đường ống dẫn dầu ở Sudan
Tuy nhiên, hai nước bây giờ vẫn còn tranh chấp về nguồn thu dầu hỏa, quốc tịch và đường biên giới.

Giao tranh vẫn còn tại các khu vực Kordofan và Blue Nile, buộc hơn 200.000 người phải di tản.

Tại thủ đô Juba của Nam Sudan hôm thứ Sáu, bà Clinton loan báo viện trợ thêm 15 triệu đôla cho công tác nhân đạo tại nước này.

Sau khi rời Juba, Ngoại trưởng Mỹ đã đến Uganda, quốc gia mà bà gọi là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ để giúp ổn định khu vực.

Bà ca ngợi Uganda đã tham gia lực lượng Liên hiệp châu Phi chống lại phe al-Shabab ở Somalia, là phe được cho là có liên hệ với al-Qaida. Bà cũng ca ngợi Uganda đã bắt được Joseph Kony, thủ lĩnh của Đạo quân Kháng chiến của Thượng đế, nhóm phiến quân gây kinh hoàng cho Uganda và các nước bên cạnh từ năm 1986.

Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Tổng thống Yoweri Museveni của Uganda và sau đó đi thăm một trạm y tế tại thủ đô Kampala. Bà tỏ vẻ quan tâm trước tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tại Uganda, từ 6,4 của 2005 lên đến 7,3 của 2011. Đây là một con số gây thất vọng, vì Uganda được xem là một trong những quốc gia đứng đầu trong công tác chống HIV/AIDS.

Ngoại trưởng Mỹ hứa viện trợ thêm 25 triệu đôla để Uganda chống HIV/AIDS, đặc biệt là để xóa sạch việc truyền virut từ người mẹ sang bào thai.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ vẫn còn tiếp tục tại Kenya, Malawi và Nam Phi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG