Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm nay lên đường đến Uganda để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức Nam Sudan và Uganda vào ngày mai. Thông tín viên Anne Look của đài chúng tôi tháp tùng phái đoàn Mỹ và gởi về bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Clinton sẽ bắt đầu chặng Đông Phi của chuyến công du 10 ngày ở Phi Châu với việc viếng thăm Nam Sudan và Uganda vào ngày thứ sáu tuần này.
Các vấn đề an ninh khu vực dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận.
Tại Uganda, Hoa Kỳ đã phái cố vấn quân sự để giúp nước này chống lại Đội quân Kháng chiến của Thượng đế, gọi tắt là LRA, là một lực lượng đã gây bất ổn cho vùng trung Phi trong hơn 20 năm.
Khi bắt đầu chuyến công du Phi Châu ở Dakar hôm thứ tư, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ muốn xây dựng những mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với những nước ở Phi Châu đang ra sức cung cấp an ninh và xây dựng thể chế dân chủ.
Bà Clinton nói: "Một số người ở Mỹ nói rằng chúng ta không cần phải làm như vậy. Họ cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào những quyền lợi trước mắt về an ninh và kinh tế của nước Mỹ và chớ nên lo lắng quá nhiều về công việc nặng nhọc chập chạp để xây dựng dân chủ ở những nước khác. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một cái nhìn thiển cận. Có được những đối tác hợp tác mạnh mẽ và ổn định trên thế giới là phù hợp với quyền lợi của đất nước chúng ta. Và những quốc gia dân chủ là những đối tác hợp tác mạnh mẽ nhất và ổn định nhất. Vì vậy đây không phải là một hành động vị tha mà là một cam kết chiến lược đối với sự thịnh vượng chung và an ninh chung."
Bà Clinton sẽ hội kiến Tổng thống Uganda, ông Yoweri Museveni, để thảo luận về vai trò của nước này như một “đối tác hợp tác chính của Mỹ trong việc thúc đẩy an ninh khu vực” và “khích lệ cho việc tăng cường các định chế dân chủ và nhân quyền.”
Tại Nam Sudan, bà Clinton sẽ hội kiến Tổng thống Salva Kiir để “tái khẳng định sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ” đối với quốc gia mới nhất của thế giới này và để thúc đẩy cho “tiến bộ trong cuộc điều đình về những vấn đề liên quan tới an ninh, dầu khí và quốc tịch” với Sudan. Hai nước phải đạt được một hòa ước trong tuần này để khỏi bị Liên hiệp quốc chế tài.
Nam Sudan chính thức tách khỏi Sudan để độc lập hồi tháng 7 năm ngoái, nhưng những vụ tranh chấp giữa đôi bên, đặc biệt là vấn đề chia nguồn thu dầu lửa và vấn đề phân định biên giới, đã tạo ra những mối căng thẳng và làm gia tăng mối rủi ro xảy ra xung đột trở lại.
Ngoại trưởng Clinton sẽ bắt đầu chặng Đông Phi của chuyến công du 10 ngày ở Phi Châu với việc viếng thăm Nam Sudan và Uganda vào ngày thứ sáu tuần này.
Các vấn đề an ninh khu vực dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận.
Tại Uganda, Hoa Kỳ đã phái cố vấn quân sự để giúp nước này chống lại Đội quân Kháng chiến của Thượng đế, gọi tắt là LRA, là một lực lượng đã gây bất ổn cho vùng trung Phi trong hơn 20 năm.
Khi bắt đầu chuyến công du Phi Châu ở Dakar hôm thứ tư, bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ muốn xây dựng những mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với những nước ở Phi Châu đang ra sức cung cấp an ninh và xây dựng thể chế dân chủ.
Bà Clinton nói: "Một số người ở Mỹ nói rằng chúng ta không cần phải làm như vậy. Họ cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào những quyền lợi trước mắt về an ninh và kinh tế của nước Mỹ và chớ nên lo lắng quá nhiều về công việc nặng nhọc chập chạp để xây dựng dân chủ ở những nước khác. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một cái nhìn thiển cận. Có được những đối tác hợp tác mạnh mẽ và ổn định trên thế giới là phù hợp với quyền lợi của đất nước chúng ta. Và những quốc gia dân chủ là những đối tác hợp tác mạnh mẽ nhất và ổn định nhất. Vì vậy đây không phải là một hành động vị tha mà là một cam kết chiến lược đối với sự thịnh vượng chung và an ninh chung."
Bà Clinton sẽ hội kiến Tổng thống Uganda, ông Yoweri Museveni, để thảo luận về vai trò của nước này như một “đối tác hợp tác chính của Mỹ trong việc thúc đẩy an ninh khu vực” và “khích lệ cho việc tăng cường các định chế dân chủ và nhân quyền.”
Tại Nam Sudan, bà Clinton sẽ hội kiến Tổng thống Salva Kiir để “tái khẳng định sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ” đối với quốc gia mới nhất của thế giới này và để thúc đẩy cho “tiến bộ trong cuộc điều đình về những vấn đề liên quan tới an ninh, dầu khí và quốc tịch” với Sudan. Hai nước phải đạt được một hòa ước trong tuần này để khỏi bị Liên hiệp quốc chế tài.
Nam Sudan chính thức tách khỏi Sudan để độc lập hồi tháng 7 năm ngoái, nhưng những vụ tranh chấp giữa đôi bên, đặc biệt là vấn đề chia nguồn thu dầu lửa và vấn đề phân định biên giới, đã tạo ra những mối căng thẳng và làm gia tăng mối rủi ro xảy ra xung đột trở lại.