Khuyến khích người dân giám sát lẫn nhau
Ngày 7/1/2025, trên trang Diễn Đàn của Đài VOA có bài “Phân Tích Nghị Định 168: Khả Năng Vi Hiến, Tác Động, Và Các Đề Xuất Chính Sách”. Tác giả là một luật sư (LS) đang sống và hoạt động tại Canada (1). LS. Vũ Đức Khánh nhấn mạnh nhiều đến các khía cạnh pháp lý, tức là khả năng vi hiến của Nghị định 168. Và cuối cùng, ông kết luận: “Nghị định 168/2024/NĐ-CP đặt ra một thách thức lớn trong việc cân bằng giữa mục tiêu quản lý trật tự giao thông và quyền con người, quyền công dân. Các quy định trong nghị định, nếu không được điều chỉnh, có thể vi phạm Hiến pháp và gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng…” (2). Đọc bài viết của vị Luật sư trẻ ở hải ngoại – “một khúc ruột ngàn dặm” từng thu hút sự chú ý của nhiều giới, kể cả các quan chức cộng sản ở trong nước – tôi nhớ đến một nhận xét nổi tiếng khác trên diễn đàn lập pháp của đất nước vào những năm 1980 của Luật sư Ngô Bá Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử chỉ lại dùng luật rừng!” (3).
Câu chuyện Nghị định 168 quả là có thể dẫn đến khả năng vi hiến cao, như nhận xét của LS. Khanh, hay phản ánh đặc trưng “thích áp dụng luật rừng” như khái quát của cố LS. Ngô Bá Thành. Cả hai đều nói lên bản chất khó chối bỏ của cộng sản: Cấm dân ghi hình cảnh sát giao thông tác nghiệp vì sợ dân “cản trở” họ, nhưng lại khuyến khích người dân ghi hình vi phạm giao thông, rồi đem nộp cho công an để lĩnh thưởng. Ngày 1/1/2025, Nghị định 176/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước ngoặt được công an tụng ca là “đầy sáng tạo” trong quản lý xã hội tại Việt Nam (4). Theo đó, Bộ Công an được phép “chi hỗ trợ cá nhân hoặc tổ chức nào” sẵn sàng cung cấp thông tin về hành vi vi phạm giao thông. Người dân có “công trạng” ấy sẽ được hưởng 10% số tiền xử phạt và tối đa năm triệu đồng/một vụ việc. Đây được coi là “chính sách khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” (5). Nhưng đằng sau vẻ ngoài mang tính “cộng tác” này là cả một khối mâu thuẫn lớn đáng suy ngẫm.
Nói một cách cho “vuông”: Nghị định này là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của nền quản lý nơm nớp lo sợ sự giám sát quyền lực của người dân, nhưng lại lợi dụng chính người dân để họ giám sát lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra: Vì sao ghi hình Cảnh sát Giao thông (CSGT) làm việc lại bị cấm? Phải chăng lo ngại người dân có thể ghi lại những hành vi sai phạm hoặc thiếu minh bạch của lực lượng này? Nếu việc thực thi pháp luật là công khai và đúng đắn, tại sao lại phải sợ “ống kính” của người dân? Trong khi đó, việc khuyến khích người dân ghi hình lẫn nhau lại được biện minh bằng “lợi ích cộng đồng”, thể hiện sự khôn vặt trong việc sử dụng dân để quản lý dân (?), nhưng đồng thời lại bảo vệ quyền lực khỏi sự giám sát của chính người dân (!). Một mặt, người dân “được khuyến khích” trở thành những công cụ giám sát lẫn nhau. Mặt khác, quyền giám sát quyền lực – một nguyên tắc quan trọng của bất kỳ xã hội dân chủ nào – lại bị tước bỏ. Đây là một biểu hiện rõ ràng của cách thức vận hành của một cơ chế quản lý sợ hãi sự minh bạch và công khai, nhưng lại không ngần ngại thao túng và lợi dụng chính người dân để duy trì trật tự theo cách của mình.
Xã hội chia rẽ trong một thể chế dối trá
Đây không còn là câu chuyện nhỏ về việc ghi hình CSGT hay giám sát giao thông. Nghị định 168 phản ánh trần trụi cách mà chính quyền đang vận hành một thể chế đang bào mòn đạo đức xã hội. Hệ lụy nhãn tiền là một môi trường xã hội thiếu lành mạnh, nơi người dân bị đẩy vào thế đối lập, nghi kỵ và tố giác lẫn nhau để đổi lấy lợi ích vật chất. Trong khi đó, những hành vi sai phạm từ phía các lực lượng thực thi pháp luật lại được “miễn nhiễm” trước những con mắt giám sát của chính những người dân mà họ phục vụ. Câu chuyện này không chỉ là một mâu thuẫn lớn về mặt chính sách. Nó mở ra một cánh cửa để nhìn vào bản chất vận hành của một hệ thống sợ hãi sự thật, căm ghét tính minh bạch và ưa thích dối trá trong cách quản lý xã hội. Đồng thời, nó tạo ra những hệ lụy nguy hiểm, băng hoại đạo đức và làm tan rã những giá trị cốt lõi của xã hội.
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của chế độ toàn trị là sợ sự minh bạch. Minh bạch là kẻ thù của những ai vận hành quyền lực bằng sự dối trá và áp bức. Việc cấm người dân ghi hình CSGT “tác nghiệp” là minh chứng cho điều này. Chính quyền tuyên bố rằng việc ghi hình “có thể cản trở công việc” của lực lượng chức năng, nhưng thực chất, điều mà họ sợ hãi chính là sự thật bị phơi bày. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ: Phải chăng những hành vi lạm quyền, mãi lộ hoặc làm việc thiếu trách nhiệm là lý do thực sự khiến họ phải cấm ghi hình? Nếu lực lượng CSGT làm việc đúng quy định, công khai và minh bạch, thì việc ghi hình sẽ không thể “cản trở” bất cứ điều gì. Tuy nhiên, trong cùng một Nghị định, người dân lại được khuyến khích ghi hình lẫn nhau. Bất cứ hành vi vi phạm giao thông nào mà bạn ghi lại – dù là đỗ xe sai chỗ, vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều – đều có thể trở thành cơ hội để kiếm tiền thưởng. Chính quyền hứa chi trả tối đa 10% số tiền xử phạt hành chính, và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Điều này không khác gì việc biến mỗi người dân thành một “agent de police” (nhân viên cảnh sát) để giám sát lẫn nhau.
Facebooker Thái Hạo khi bình luận về Nghị định trên có nêu bật một nội dung thật đáng sợ: “Việc cho người dân báo cáo vi phạm giao thông của nhau để lĩnh thưởng, mà nhiều người gọi là “đấu tố”, là hết sức phải thận trọng, vì nó sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn về nhân cách và văn hóa, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức xã hội. Người dân thấy có ai đó cố tình vi phạm giao thông và đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác thì nên báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, đó là trách nhiệm, nhưng dứt khoát không nên “treo thưởng” (6). Cùng trong nỗi ám ảnh kinh hoàng ấy từ lịch sử, Giáo sư Mạc Văn Trang thẳng thắn kêu gọi chính quyền: “Đừng xúi dân làm chuyện bất lương!” Theo vị Giáo sư này, trừ khi biết những kẻ phản quốc hay tội phạm nghiêm trọng mà không tố giác thì có tội, còn đi theo dõi, rình rập người khác có “hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông” báo cho nhà chức trách để lĩnh tiền thì đó là việc bất lương, sẽ bị người đời khinh ghét (7). Ông nhắc lại bao nhiêu chuyện “tố điêu” thời cải cách ruộng đất… bao nhiêu chuyện “tố gian” thời bao cấp liên quan đến “sản xuất chui”, “tiêu thụ hàng trái phép”, “nghe đài địch”… gây ra những hậu quả xã hội xấu xa (8).
Giao thông là xương sống kinh tế quốc gia mà cứ đè phương tiện giao thông ra phạt ngất ngưởng là ác ý. Một status từ Nickname “Đồng Điếu” dưới bài viết của Thái Hạo đặt câu hỏi thế này: “Xin lỗi chứ ai ra nghị định 168 này là ác ý. Luật gì cũng phải dựa theo mức sống của người dân chứ. Tại điều 3 nghị định 73/2024 mức lương cơ sở người Việt Nam hiện chỉ có 2,34 triệu, mà mấy ông phạt lỗi nào cũng từ 4 đến 6 triệu, ô tô phạt tới 18 đến 20 triệu. Thế thì mấy ông ra Luật có thấy điều này nó vô lý không? Bây giờ những người làm nghề chạy xe ngoài đường như shipper, tài xế... mỗi ngày làm việc cật lực làm sao họ tránh hết được tất cả các lỗi? Đó là chưa kể hệ thống đường xá Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chỗ thì biển báo thiếu, chỗ thì sai sót, đường thì nhỏ, ùn tắc, chỗ thì đèn hiệu lỗi... thế cứ mỗi lần bị phạt mất cả vài tháng lương thì làm sao người lao động sống nổi?” (9) Hiếm có Nghị định chính phủ nào vừa ký chưa ráo mực mà người dân đã rần rần phản đối như thế này. Hàng loạt stt. trên các trang mạng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của tính minh bạch và yếu tố giáo dục, thay vì kiểm soát và áp đặt. Tăng mức phạt như hiện nay quả là bất nhẫn!
Tham khảo:
(1và 2) https://www.voatiengviet.com/a/7927369.html
(7 và 8) https://baotiengdan.com/2025/01/07/dung-xui-dan-lam-chuyen-bat-luong/
Diễn đàn