Như được nhắc trong bài blog trước, đúng là trong khoảng thời gian 6 tháng đầu ở Việt Nam tôi đã không tìm thấy được sự hữu dụng của mình đối với xã hội.
Tôi đã rất hữu dụng trong công việc chuyên môn. Khá hữu dụng đối với đại gia đình. Nhưng hoàn toàn không cảm thấy một tí mảy may hữu dụng nào đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Thậm chí những mong ước đóng góp tầm thường vào việc xây dựng một thế hệ luật sư trẻ có đầy đủ sự hiểu biết về luật pháp quốc tế tôi cũng không thực hiện được.
Cũng như các bạn đã biết khi tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996, tôi đã tự tìm đến Tổ bán báo Xa Mẹ ở gần phố Quang Trung, Hà Nội để dạy tiếng Anh miễn phí mỗi tối cho các em trẻ nghèo mồ côi, bán báo, đánh giày cần biết thêm một tí ngoại ngữ để giao tiếp trong công việc thường ngày với du khách.
Lần này về cũng vậy, tôi muốn đi dạy lại. Nhưng là dạy những luật sư trẻ vừa mới ra trường về luật pháp quốc tế, các phương cách tiếp cận hiện đại thông qua Internet và nếu có thể, dạy luôn một số từ ngữ, cách dùng tiếng Anh trong công việc chuyên môn. Tôi chủ động liên lạc với luật sư Lê Công Định cũng vì lý do này vì lúc ấy Định vẫn còn là phó chủ nhiệm Luật sư đoàn Thành phố.
Nhưng rất tiếc sau một vài lần gặp gỡ, trò chuyện, tuy Định ủng hộ ý kiến tôi đưa ra là mỗi tuần tôi sẽ đến dạy thiện nguyện vài tiếng vào buổi tối sau giờ làm việc, tôi đã được thông báo là Luật sư đoàn không… OK.
Chắc có lẽ họ sợ tôi sẽ không dạy tiếng Anh hay luật pháp quốc tế như lời đề nghị. Mà thay vào đó tôi sẽ dạy về chính trị và kêu gọi mọi người đứng lên lật đổ chế độ? Nếu thế thì rõ là họ hơi quá lo. Vì từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động chính trị, cũng chẳng có tham vọng gì về chính trị. Vả lại tôi biết gì về chính trị, có học qua về chính trị bao giờ đâu mà bày đặt dạy người ta? Chính tôi đây cũng tự biết là mình còn rất ngây thơ (nếu không muốn nói là còn hơi… ngu!) khi đụng đến hai chữ chính trị (đặc biệt là chính trị kiểu Việt Nam – trong cũng như ngoài nước) thì… ngu sao mà đi rao giảng điều mình không biết?
Nhưng. Thà bắn lầm còn hơn bỏ sót. Lòng thành của tôi đã bị từ chối. Và điều này hoàn toàn không phải vì mấy anh công an bắt đầu đặt vấn đề về thân thế tôi (chưa tới phiên mấy ảnh!) mà vì chính Luật sư đoàn Thành phố nơi được cho là có tiếng nhất, lớn nhất, có tinh thần công bằng nhất, và mỉa mai thay, tiến bộ nhất trong tất cả các luật sư đoàn ở Việt Nam.
Có lẽ tại vì cái gì nó cũng nhất thành thử bắn lầm hay nhanh chóng gạt bỏ người bạn đồng nghiệp, phó chủ nhiệm của mình khi anh vừa mới bị bắt nó cũng phải đứng nhất!
Thế mới thấy ở Việt Nam sự nghi ngờ nó hiện hữu không phải chỉ ở Bộ Nội vụ, Bộ Công an, v.v… nhìn đâu cũng thấy “mầm mống phản động” mà nó còn tồn đọng ở tất cả mọi cơ quan, ban ngành luôn bị những giáo điều cứng nhắc và Đảng Cộng sản chi phối.
Tôi xin đi dạy miễn phí không được. Xin đi làm MC những lúc rỗi rảnh cũng không xong. Mặc cho biết bao nghệ sĩ trong nghề có máu mặt cố đứng ra xin phép, chạy chọt. Cho đến hôm nay chính tôi cũng không hiểu tại sao họ lại sợ tôi… cầm microphone đến vậy!
Rõ chán. Ở nhà thì chẳng ai sợ mình. Nói đi, nói lại chẳng ai thèm nghe. Nhiều khi còn bị quát lại bảo rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Thế mà về Việt Nam lại có biết bao ông kẹ không dám cấp giấy phép cho mình. Mặc dù đó chỉ là cấp một giấy phép tầm thường cho một MC cũng tầm thường trong những chương trình văn nghệ xem ra cũng rất tầm thường.
Các nghệ sĩ hải ngoại, già trẻ lớn bé, ai về cũng được cấp giấy phép. Nhưng Trịnh Hội thì không.
Oái ăm là thế.
Bởi vậy vào một ngày đẹp trời tôi đã đành phải đi… đóng phim. Lúc ấy là vào khoảng đầu năm 2008 khi tôi vừa ăn Tết với gia đình ở Úc xong và về lại Việt Nam để tiếp tục công việc.
(Còn tiếp)
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.