Một số bạn đọc trong thời gian vừa qua có viết email hỏi tôi là việc tôi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam xảy ra khi nào? Có lẽ các bạn ấy đã đọc blog Ngày Xửa, Ngày Xưa phần 2 của tôi qua một số email forward của bạn bè gửi cho mà không vào trang nhà của đài VOA đọc trực tiếp vì trước đó tôi đã viết phần 1 của blog cho biết rõ về thời gian lẫn không gian của sự việc xảy ra ở Hải Phòng cách đây gần 13 năm trước. Nói chính xác hơn là vào cuối tháng 4 năm 1997 khi tôi đành phải giã từ đám học trò thân yêu ở Tổ Bán Báo Xa Mẹ để quay trở lại Hồng Kông và sau đó là lưu lạc sang Philippines mãi cho đến sau này.
Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày tôi ra phi trường Bác Tiến, trưởng tổ, cho cả một xe bus chở đầy đám học trò nghèo mồ côi ra Nội Bài để tiễn tôi đi. Các em khóc, lớn khóc, nhỏ khóc, tôi cũng khóc. Vì thật sự mà nói lúc ấy tôi rất mến các em, rất muốn ở lại để có thể ‘làm một chút gì đó’ cho đất nước, cho dân tộc.
Thế mà…
Nhưng rồi thời gian cũng làm cho tôi nguôi ngoai và may mắn thay, tôi đã nhanh chóng tìm được cho mình một niềm vui khác, lớn hơn và đạt được nhiều thành quả hơn với các anh chị em tỵ nạn ở Philippines nơi tôi đã có dịp trở thành một người luật sư đúng nghĩa.
Bẵng đi một vài năm sau tôi mới quay trở về Việt Nam để thăm ông bà và gia đình (vì ngay sau khi bị trục xuất tôi đã không được cấp chiếu khán cho về mặc dù công ty tôi có cố thử xin nhiều lần nhưng không được). Phần vì bận rộn công việc, phần tôi ngại tốn tiền (vì ai cũng biết về Việt Nam là sẽ tốn rất nhiều tiền!) nên tuy tôi sống ở Philippines gần 10 năm nhưng tôi chỉ về thăm nhà được dăm ba lần. Mặc dù nếu lên máy bay ở Manila thì đọc chưa xong hết tờ báo đã thấy máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Mãi cho đến sau này khi tôi sang Mỹ vào năm 2005 và cộng tác làm MC cho chương trình Asia thì tôi mới có dịp quay trở lại Việt Nam thường xuyên để phỏng vấn các văn nghệ sĩ. Hoặc làm các đoạn phim tài liệu phóng sự ngắn về những bài hát hay và những nhạc sĩ lừng danh một thời nay đã qua đời như nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Trịnh Công Sơn, v.v…
Tôi tự mình đi tìm tài liệu, phỏng vấn, không xin phép ai. Và do cẩn thận trong từng hành động, lời ăn tiếng nói, tôi đã không bị bất cứ một ai tra hỏi hoặc kiểm duyệt. Về lại Mỹ, mỗi khi lên sân khấu tôi thấy sao nói vậy, không thêm, không bớt. Cũng chẳng có ai buộc tôi phải nói thế này, thế nọ. Thành tâm mà nói tôi phải có lời cảm ơn ban giám đốc của chương trình Asia. Và nhân tiện có thể gửi luôn đến các anh công an trực thuộc Cục An Ninh Nội Bộ và Văn Hóa – Tư Tưởng vì trong suốt khoảng thời gian ấy tôi đã hoàn toàn không gặp rắc rối gì (hay chính xác hơn là chưa gặp rắc rối gì) từ mấy ảnh!
Bỗng đùng một cái tôi bị mất việc. Nguyên do cũng chỉ vì tôi không đồng ý với Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt ở Úc buộc tôi phải rút tên không làm MC trong một chương trình văn nghệ được tổ chức ở Úc vào đầu năm 2007 mà trong đó có sự góp mặt của ba nghệ sĩ từ Việt Nam sang, đó là Tấn Beo, Tấn Bo và Lưu Chí Vỹ. Không những tôi không đồng ý, tiếp tục giữ ý định làm MC mà tôi còn tự viết bài cho đăng báo thanh minh, thanh nga về lập trường của tôi.
Lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản. Ba người nghệ sĩ ấy chỉ là những người nghệ sĩ bình thường như tôi, không phải là “cộng sản” hay “cán bộ văn hóa” như một số người chống cộng nhận định. Nói phải có sách, mách phải có chứng. Chừng nào có bằng chứng họ là những người cộng sản, hay chuyên thói hùa theo những chính sách đàn áp của cộng sản thì lúc ấy tôi mới thay đổi ý kiến của tôi. Còn không thì ngay cả khi ba mẹ tôi bắt tôi phải bỏ thì tôi cũng không bỏ (đã bảo tôi là thằng con bất hiếu mà lị!).
Đối với riêng tôi (và tôi nghĩ là rất nhiều người trẻ lớn lên sau này – trong cũng như ngoài nước), chúng tôi may mắn không phải sống với giáo điều và trở thành cực đoan đến độ nhìn đâu cũng thấy cộng sản hay “phản động”. Hơn thế nữa, tôi nghĩ ở hải ngoại nếu chúng ta nhân danh lẽ phải quyết tâm tranh đấu cho sự tự do, công bằng cho cả dân tộc Việt Nam thì điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là không tước đoạt sự tự do và công bằng của người khác. Nhất là khi những người đó chính là những người Việt Nam mà chúng ta đang nhân danh tranh đấu.
Nhìn lại sự việc xảy ra cách đây hơn 3 năm trước, sau đó bị cho thôi việc, phải nghe nhiều lời dèm pha, chế giễu để rồi quay về lại Việt Nam làm việc và bị trục xuất thêm một lần nữa tôi thấy rõ là ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Nhưng nếu được cho làm lại từ đầu thì tôi cũng sẽ làm y như thế. Vì như câu nói nổi tiếng của Gandhi: you have to be the change you want to see in the world. Chính chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trong xã hội.
Oops. Nhưng mà blog từ đầu đến giờ có liên quan gì đến đầu đề: Trịnh Hội v. Công An Việt Nam đâu nhỉ? Lại lạc đề nữa rồi. Chắc là phải đợi đến tập 4 thôi. Xin lỗi các bạn nhiều nha. Vì thằng bé nó đang ré lên đòi sữa.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.