Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ vừa lên tiếng thúc giục chính quyền Trump “kiềm chế không gây thêm gián đoạn chuỗi cung ứng” sau khi bày tỏ “thất vọng” về việc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khởi động các cuộc điều tra đối với Việt Nam, một động thái mà họ cho là có thể mở đường cho việc áp các mức thuế trừng phạt lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ quốc gia Đông Nam Á này.
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hôm 2/10 khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ đã được dùng làm cơ chế cho các cuộc điều tra về Trung Quốc và dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt hơn hai năm qua cùng các loại thuế quan lên một loạt hàng hoá, bao gồm may mặc, dệt may và giày dép, theo Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA).
Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng hoá du lịch của Mỹ, và càng trở nên quan trọng hơn khi các công ty của Mỹ thực hiện chiến lược đa dạng hoá rời khỏi Trung Quốc.Steve Lamar, Chủ tịch và giám đốc điều hành của AAFA
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/10, AAFA bày tỏ “sự thất vọng” trước thông báo của USTR rằng cơ quan này “sẽ tiến hành điều tra theo mục 301 đối với Việt Nam – một động thái có thể mở đường cho việc áp các loại thuế trừng phạt mới đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ (Việt Nam).”
Viện dẫn tác động tiêu cực của thuế quan cùa chính quyền đối với hàng hoá nhập khẩu từ các cuộc điều tra khác theo Mục 301, hiệp hội này thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump “kiềm chế không để gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch COVID-19.”
Cú sốc do đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán đã dẫn tới một sự đứt gãy lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ do Trung Quốc đóng vai trò then chốt khi là công xưởng sản xuất của toàn thế giới. Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 7/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc nhưng đặc biệt quyết liệt đẩy mạnh hoạt động này trong năm nay.
“Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng hoá du lịch của Mỹ, và càng trở nên quan trọng hơn khi các công ty của Mỹ thực hiện chiến lược đa dạng hoá rời khỏi Trung Quốc,” Chủ tịch và giám đốc điều hành của AAFA, Steve Lamar, nói trong tuyên bố đăng trên trang web của hiệp hội. “Khi các thương hiệu đã cố gắng hết sức để tái cấu trúc mô hình tìm nguồn cung ứng của họ để bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và nhân công trong chuỗi giá trị toàn cầu Mỹ khỏi những chi phí gia tăng do thuế quan của chính quyền (hiện tại) cũng như tuân theo chỉ thị của chính quyền để đa dạng hoá ra khỏi Trung Quốc, thì nhiều (công ty Mỹ) đã quay sang các đối tác đáng tin cậy của họ ở Việt Nam.”
Tháng 6 vừa qua, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DCF) Adam Boehler nói với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc rằng Chính phủ Mỹ xác định Việt Nam là một đối tác hàng đầu trong các dự án tại khu vực sắp tới để sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh chính quyền Trump tìm cách đưa dây chuyền sản xuất của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang cộng tác với “các quốc gia bạn bè” trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự (như sự gián đoán do đại dịch COVID-19 gây ra) xảy ra lần nữa.”
Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận các kết quả của cuộc điều tra (về sử dụng gỗ bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam) và xác định những hành động thích hợp để thực hiện, nếu có.Robert E. Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ
“Áp đặt các mức thuế trừng phạt mới lên hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp đến các khoản đầu tư đó và làm gia tăng giá cả đối với các gia đình Mỹ làm việc chăm chỉ hoặc làm tăng chi phí cho chuỗi cung ứng trực tiếp hỗ trợ hàng triệu việc làm ở Mỹ,” ông Lamar nói trong tuyên bố của AAFA.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gây hại cho môi trường và không công bằng đối với công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng gỗ khai thác hợp pháp.
“Ngoài ra, các hành vi tiền tệ không công bằng có thể gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam do tiền tệ bị định giá thấp,” ông Lighthizer nói. “Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận các kết quả của cuộc điều tra và xác định những hành động thích hợp để thực hiện, nếu có.”
Tuy nhiên, người đứng đầu AAFA, ông Lamar, nói trong tuyên bố ra hôm 5/10 rằng “đây không phải là lúc để áp đặt chi phí mới lên chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với những công ty tạo ra việc làm và vẫn đang phục hồi sau các tác động của đại dịch virua corona.”
“Thuế quan là thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ và người lao động Mỹ,” ông Lamar nói và kêu gọi chính quyền đương nhiệm “cần có một cách tiếp cận khác đối với chính sách thương mại, một cách tiếp cận không trừng phạt người tiêu dùng Mỹ, người lao động Mỹ và các cộng đồng Mỹ mà họ ủng hộ.”
Hôm 1/10, USTR chưa chính thức công bố về cuộc điều tra đối với Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng nói với phóng viên rằng phía Việt Nam “đang trao đổi với phía Hoa Kỳ để làm rõ thông tin.”
Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ và đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2016, theo AAFA. Tính đến tháng 7, các công ty Hoa Kỳ nhập khẩu hàng may mặc trị giá 6,94 tỷ USD từ Việt Nam, giảm 11% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2019. Trong cùng thời gian đó, các lô hàng giày dép nhập từ Việt Nam đã giảm 8,6% xuống 3,62 tỷ USD trong lúc đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới.