Đường dẫn truy cập

Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng


Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và CEO của Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) Adam Boehler tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC hôm 2/6. (Ảnh chụp màn hình ĐSQ Việt Nam tại Mỹ)
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và CEO của Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) Adam Boehler tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC hôm 2/6. (Ảnh chụp màn hình ĐSQ Việt Nam tại Mỹ)

Chính phủ Mỹ xác định Việt Nam là một đối tác hàng đầu trong các dự án tại khu vực sắp tới để sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách đưa các dây chuyền sản xuất của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Thông tin trên được Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) Adam Boehler đưa ra trong buổi gặp mặt với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc tại Washington DC ngày 2/6, theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào giữa năm 2018, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Nhưng cú sốc do đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán, trong đó Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong nhiều chuỗi cung ứng, đã khiến Mỹ quyết liệt đẩy mạnh hoạt động này trong những tháng gần đây.

Giám đốc điều hành DFC hôm 2/6 cho biết với vị trí là cơ quan tài chính phát triển của Chính phủ Hoa Kỳ, DFC đang triển khai một loạt các kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, trong đó có khu vực tiểu vùng Mekong, để sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ, theo thông cáo của ĐSQ Việt Nam.

“Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Hoa Kỳ,” thông cáo viết.

Hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang cộng tác với “các quốc gia bạn bè” trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Nhật, Úc, New Zealand và Việt Nam, để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch COVID-19) xảy ra lần nữa.”

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan ra khắp thế giới từ đầu năm nay. Quốc hội Việt Nam trong phiên họp giữa tháng 5 khẳng định bên cạnh những khó khăn do đại dịch, Việt Nam vẫn có những thời cơ mới mở ra khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu.

Đánh giá về cơ hội này, Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.

“Đại dịch COVID-19 đã tạo ra thời cơ hiếm có cho Việt Nam, có thể biến nước ta trở thành một điểm sáng trong bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới,” Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh nhận định trong một bài viết được Lao Động đăng tải hôm 10/5.

Từ tháng 3, Apple và các công ty công nghệ khác của Mỹ như Microsoft và Google “đang tìm cách chuyển một số dây chuyền sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc tới các nơi khác, bao gồm Việt Nam và Thái Lan,” theo CNBC. Trong khi đó Asian Nikkei Review cho biết, khoảng 4 triệu tai nghe không dây AirPods của Apple sẽ được sản xuất ở Việt Nam trong quý II năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG