Hôm thứ Tư 25/10, quốc hội Nga hoàn tất thủ tục thông qua luật rút lại việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn cầu, là bằng chứng cho thấy mối quan hệ với Mỹ trở nên vô cùng nguội lạnh khi Moscow theo đuổi cuộc chiến ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Nga chưa sẵn sàng tiếp tục thảo luận các vấn đề hạt nhân với Mỹ trừ khi Washington từ bỏ chính sách "thù địch".
Dự luật hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đã được thông qua với 156 phiếu thuận, 0 phiếu chống ở thượng viện sau khi hạ viện cũng đã nhất trí thông qua trước đó. Giờ đây, luật được chuyển tới Tổng thống Vladimir Putin để ký ban hành.
Ông Putin đã yêu cầu phải có sự thay đổi này để "phản chiếu" lập trường của Hoa Kỳ, quốc gia đã ký CTBT vào năm 1996 nhưng chưa hề phê chuẩn.
Mặc dù chưa bao giờ chính thức có hiệu lực, song CTBT đã làm cho việc thử hạt nhân trở thành điều cấm kỵ - không có quốc gia nào ngoại trừ Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến nổ hạt nhân trong thế kỷ này.
Nga cho hay họ sẽ không nối lại việc thử hạt nhân trừ khi Washington làm vậy, nhưng các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng dù là Nga hay Mỹ tiến hành một cuộc thử cũng có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Hồi tháng trước, CNN công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đã mở rộng các bãi thử hạt nhân của họ trong những năm gần đây.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết vào tuần trước rằng họ đã tiến hành một vụ nổ bằng thuốc nổ hóa chất tại bãi thử ở Nevada "để cải thiện khả năng của Hoa Kỳ trong việc phát hiện các vụ nổ hạt nhân có lượng nổ thấp trên khắp thế giới".
Phát biểu với các nhà lập pháp Nga trước cuộc bỏ phiếu hôm 25/10, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho rằng vụ nổ ở Nevada "chắc chắn là một tín hiệu chính trị".
Ông nói: “Như tổng thống của chúng ta đã phát biểu, chúng ta phải cảnh giác và nếu Hoa Kỳ chuyển sang bắt đầu các cuộc thử hạt nhân, chúng ta sẽ phải đáp trả ở đây theo cách tương tự”.
Nga cho hay các trạm giám sát của họ sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cho mạng lưới toàn cầu chuyên phát hiện các vụ nổ hạt nhân.
Trong một phát biểu riêng rẽ, được hãng tin RIA trích dẫn, ông Ryabkov nói rằng Nga chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Việc hai nước không đối thoại hạt nhân đặt ra câu hỏi về số phận của hiệp ước START mới, là hiệp ước hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai.
Nga đã đình chỉ hiệp ước này trong năm nay và nó sẽ hết hạn vào năm 2026, khiến hai nước không còn bất kỳ thỏa thuận vũ khí hạt nhân song phương nào nữa.
Diễn đàn