Đường dẫn truy cập

Nếu Trung Cộng đánh, Đài Loan sẽ biết trước


Lính Đài Loan diễn tập tại Hsinchu, Đài Loan, tháng Chín, 2023.
Lính Đài Loan diễn tập tại Hsinchu, Đài Loan, tháng Chín, 2023.

Năm 1999, Trung Cộng đã bắt và xử tử Thiếu tướng Lưu Liên Côn (Liu Liankun, 劉連昆) vì làm gián điệp cho Đài Loan.

Chủ nhật vừa qua, chính phủ Thái Anh Văn đã phản đối Cộng sản Trung Quốc khi chín chiến thuyền và 103 chiến đấu cơ hướng về phía Đài Loan, 40 máy bay đã vượt qua lằn ranh giới tưởng tượng chạy giữa biển. Nhưng quân đội Đài Loan không được đặt trong tình trạng báo động. Và dân chúng vẫn sinh hoạt bình thường.

Chính phủ Đài Bắc không nao núng vì nếu Trung Cộng định tấn công Đài Loan thật, mọi người sẽ biết trước, ít nhất là sáu tháng. Đó là thời gian tối thiểu để Trung Cộng chuẩn bị đối phó với các vấn đề do chiến tranh gây ra. Đài Loan và Mỹ, cũng như các nước khác đều quan sát và sẽ thấy những công tác chuẩn bị này. Rất nhiều tin tức không thuộc phạm vi quân sự được ghi nhận, thẩm lượng để đoán trước một quốc gia có thể chuẩn bị tham chiến. Nhiều dấu hiệu xuất hiện trong cuộc sống bình thường, không thể che giấu được.

Thời Chiến Tranh Lạnh, gián điệp của Liên Xô luôn luôn theo dõi những thông tin về nước Mỹ để đoán Mỹ sắp gây chiến chưa. Các bệnh viện Mỹ có mở phong trào kêu gọi người hiến máu hay không? Các lò sát sinh có giết nhiều bò, heo, gà, vượt trên nhu cầu bình thường hay không? Ngày nay, ngoài các hoạt động kinh tế có thể nhìn thấy, người ta còn có thể chú ý tới các chuyển động trong hệ thống tài chánh, ngân hàng, dù chỉ diễn ra trên mạng internet.

Trước khi Nga tấn công Ukraine năm ngoái, chính phủ Mỹ đã báo động các đồng minh ở Âu châu về hơn trăm ngàn quân Nga tập trung tại vùng biên giới. Không ai tin, vì nghĩ rằng Vladimir Putin chỉ đe dọa suông.

Không ai chú ý tới một tín hiệu báo trước Putin chắc chắn sẽ đánh, là Trung Cộng cũng đang chuẩn bị. Tập Cận Bình biết nếu Putin đánh Ukraine, khí đốt sẽ lên giá. Sáu tháng trước ngày quân Nga tràn qua biên giới, Trung Cộng đã mua 91 phần trăm số khí đốt lỏng (LNG) trong thị trường thế giới để tích trữ. Trong số 20 công ty quốc doanh đứng ra mua, 9 công ty xưa nay chưa bao giờ bước vào thị trường khí đốt, theo báo Economist. Hơn nữa, các công ty mua đều ký các hợp đồng đòi phải giao hàng ngay, càng sớm càng tốt; trái với thói quen của họ trước đây vẫn chấp nhận hạn kỳ một năm.

Những tin tức, những biến chuyển trong đời sống dân sự có thể gián tiếp báo động chiến tranh sẽ xảy ra, nếu các cơ quan tình báo nối các sự kiện lại để tìm hiểu quan hệ nhân quả. Chính phủ Đài Loan chắc chắn phải theo dõi đời sống kinh tế, xã hội trong lục địa. Nhưng thế nào họ cũng dùng một hệ thống gián điệp làm việc trực tiếp.

Năm 1999, Trung Cộng đã bắt và xử tử Thiếu tướng Lưu Liên Côn (Liu Liankun, 劉連昆) vì làm gián điệp cho Đài Loan. Năm 1996, Trung Cộng nã đại pháo rất nhiều đợt qua eo biển; Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui, 李登輝) trấn an dân chúng rằng các đầu đạn đó chỉ toàn thuốc pháo, không nguy hiểm. Và đó là sự thật. Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (Jiang Zemin, 江泽民) ra lệnh Tình báo Trung Cộng điều tra coi tại sao bên địch biết. Do đó, họ tìm ra Lưu Liên Côn và một đại tá khác, đã cho Đài Loan nhiều tin tức, Năm 2019, Tình báo Đài Loan đã vinh danh Lưu Liên Côn tại một đài kỷ niệm, theo Hoa Nam Tảo Báo (SCMP, 11 Feb, 2019).

Năm 2003, một tổng thống Đài Loan khác, Trần Thủy Biển Chen Shui-bian, 陳水扁) cũng vô tình tiết lộ tin tình báo khi ông tố cáo Trung Cộng đang bố trí 496 hỏa tiễn nhắm vào Đài Loan. Bắc Kinh ngạc nhiên tại sao ông có con số chính xác đó; điều tra, rồi bắt giữ một sĩ quan cộng sản cùng mấy thương gia Đài Loan. Sau khi hệ thống gián điệp này bị phá vỡ, Đài Loan bây giờ vẫn tuyển mộ các sinh viên trong lục địa, bắt đầu với những người sang hòn đảo du học.

Các thông tin do gián điệp cung cấp thì chắc chắn nhất; nhưng các dấu hiệu công khai trong tin tức hàng ngày cũng có thể báo trước khi nào Trung Cộng toan tính đánh Đài Loan. Nếu chiến tranh xảy ra, tàu bè sẽ bị ngăn không thể qua eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, và vùng biển Đông nước ta. Năm 1941 Nhật Bản phải tấn công Hawaii sau khi Anh, Mỹ phong tỏa vùng biển này. Hàng nhập cảng không thể tới các hải cảng Trung Quốc và Trung Cộng sẽ phải mua và tích trữ nhiều thứ trước khi gây chiến.

Đậu nành là một món đáng theo dõi. Trung Quốc mua nhiều ngũ cốc từ nước ngoài, hơn tất cả các nước khác, và luôn luôn lo đề phòng nạn đói. Năm 2021, một viên chức nói với báo Economist rằng, họ đã dự trữ lúa mì đủ ăn trong 18 tháng. Nếu bỗng thấy họ mua số gạo, lúa mì, đậu nành vượt lên cao quá, thì có thể đoán họ đang chuẩn bị một biến cố bất thường. Đặc biệt là đậu nành. Trung Quốc nhập cảng 84% số đậu nành cần dùng, phần lớn để nuôi heo. Trong số lượng thịt mà người Trung Hoa ăn, thịt heo chiếm 60%. Kho đậu nành dự trữ chỉ đủ dùng trong hai tháng. Nếu họ mua thêm nhiều đậu nành dù số gia súc không tăng nhiều, đẩy giá thị trường lên cao mà vẫn cứ mua, thì đó có thể là một dấu hiệu chuẩn bị chiến tranh!

Thứ nhì là dầu hỏa và khí đốt. Trung Cộng nhập cảng ba phần tư số dầu sử dụng. Dầu lửa chỉ chiếm 20% trong các nguồn năng lượng nhưng không thể thiếu. Mọi cuộc di chuyển quân đội và vũ khí phải dùng xăng, dầu. Hiện số dầu dự trữ đủ dùng trong ba tháng. Nếu họ bắt đầu mua và tích trữ dầu nhiều hơn thì Đài Loan phải tìm hiểu lý do. Nếu họ tăng số dầu dự trữ lên sáu tháng, một năm, hoặc chuyển các kho dự trữ vào sâu trong lục địa, ngoài tầm các hỏa tiễn, thì rất đáng lo ngại.

Số kim loại nhập cảng và xuất cảng là một tín hiệu khác, nhưng khó quan sát hơn thực phẩm và xăng dầu. Nhiều thứ kim loại cần thiết để làm vũ khí hoặc đầu máy xe cộ, số lượng mua bán của mỗi nước đều ghi rõ trong sổ sách các công ty quốc tế; nhưng giới tình báo muốn phân tích cũng không dễ. Nếu Trung Cộng tuyệt đối cấm bán ra ngoài những thứ khoáng chất hiếm như gallium hoặc germanium, cần dùng để làm vũ khí, thì đó cũng là dấu hiệu muốn gây chiến.

Ngoài những thứ hàng hóa có thể quan sát trên đây, người ta còn có thể theo dõi những lưu chuyển tiền tệ trong hệ thống tài chánh thế giới. Những giao dịch mua bán giữa các nước, dù mua dầu, đậu nành hay thiếc, sắt, đều chuyển qua các ngân hàng bằng đô la Mỹ. Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi, sử dụng đồng nguyên hay đồng rúp của Nga, nhưng khó vượt khỏi vòng ảnh hưởng của đô la. Một dấu hiệu đáng báo động là nếu thấy Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh, (Nhân Dân Ngân Hàng), giảm bớt số ngoại tệ dự trữ, thay mỹ kim, đồng Yen của Nhật và đồng Euro, bằng vàng khối. Nếu chiến tranh xảy ra, các nước đó đều có thể cấm vận, khiến tiền dự trữ không dùng được nữa.

Còn nhiều dấu hiệu tài chánh khác có thể báo trước chiến tranh với Đài Loan. Các xí nghiệp và ngân hàng Trung Quốc khi đánh hơi thấy chiến tranh có thể sẽ ngưng không bán chịu cho khách hàng, sẽ đòi nợ sớm hơn, bán nhanh các chứng khoán ngoại quốc mà họ đang làm chủ. Trung Cộng có thể kiểm soát ngoại tệ nghiêm ngặt hơn, vì khi thấy sắp chiến tranh dân Trung Hoa sẽ chuyển tiền ra ngoại quốc.

Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật gây hấn liên tục để thế giới phải lo lắng và không biết khi nào họ sẽ đánh. Năm nay, Trung Cộng lâu lâu gây căng thẳng để ảnh hưởng trên cuộc bỏ phiếu đầu năm tới. Bắc Kinh muốn ứng cử viên Quốc Dân Đảng thắng đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn, người từng tỏ ý muốn Đài Loan tách ra làm một quốc gia độc lập. Nhưng dân Đài Loan và các nước khác đều biết rằng nếu Trung Cộng đánh thật thì các vệ tinh nhân tạo đều biết ngay, và mọi người có thể thấy các dấu hiệu báo trước, từ nửa năm đến một năm.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG