Đường dẫn truy cập

Trung Quốc gia tăng khiêu khích khiến Nhật bổ nhiệm nhân sự quốc phòng mới


Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara (ảnh chụp ngày 13/9/2023)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara (ảnh chụp ngày 13/9/2023)

Các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc gần Đài Loan và Nhật Bản đang khơi mào những thay đổi trong thái độ của chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản đã bổ nhiệm hai nhân sự quốc phòng quan trọng vào tuần trước. Các nhà phân tích cho rằng động thái này phản ánh tầm quan trọng của tình trạng trên Eo biển Đài Loan ngày càng tăng đối với Tokyo.

Ông Stephen Nagy, chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Nhật Bản, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động khiêu khích gần Đài Loan và người Nhật vô cùng lo ngại về những hoạt động này”.

Ông nói thêm: “Nhật Bản đang gửi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng họ đang tìm cách ưu tiên hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan bằng cách bổ nhiệm những cá nhân thân Đài Loan vào các vị trí liên quan đến quốc phòng”.

Một số cơ quan truyền thông tuần trước đưa tin rằng Nhật Bản đã bổ nhiệm một quan chức Bộ Quốc phòng đương nhiệm làm tùy viên quốc phòng trên thực tế tại Đài Loan, đảo ngược chính sách trước đây về việc bổ nhiệm các sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hồi hưu đảm nhận vai trò tại Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản-Đài Loan, tổ chức đại diện cho lợi ích của Nhật Bản ở Đài Bắc.

Các chuyên gia cho rằng diễn biến này cho thấy mong muốn của Tokyo trong việc nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại liên quan đến tình hình an ninh trên Eo biển Đài Loan. Họ hy vọng đạt được mục tiêu bằng cách bổ nhiệm đúng người làm tùy viên quốc phòng trên thực tế.

Ông Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược ở Đông Á tại Đại học King ở London, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “(Động thái này) nói lên khả năng phát triển các mối quan hệ mạnh mẽ hơn ở cấp độ nhân sự”.

Ông nói thêm: “Sự ổn định qua Eo biển Đài Loan có tác động không thể tránh khỏi đối với an ninh Nhật Bản và ngày càng có nhận thức ở Tokyo rằng việc có ai đó ở Đài Bắc sẽ giúp dễ dàng có một cuộc đối thoại có chất lượng tốt hơn”.

Nhật tăng cường đáp ứng trước căng thẳng gia tăng trên Eo biển Đài Loan

Ngoài việc bổ nhiệm tân tùy viên quốc phòng trên thực tế ở Đài Loan, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida còn bổ nhiệm ông Minoru Kihara, một chính trị gia có thành tích thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn giữa Tokyo và Đài Bắc, làm bộ trưởng quốc phòng mới của Nhật Bản. Việc bổ nhiệm ông Kihara là một phần của cuộc cải tổ nội các được chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 13/9 vừa qua.

Ông Kihara là tổng thư ký của nhóm liên nghị viện Nhật Bản-Đài Loan và đã đến thăm Đài Loan với tư cách là thành viên của phái đoàn quốc hội Nhật Bản vào tháng 8 năm ngoái. Ông Patalano từ Đại học King cho biết việc bổ nhiệm ông Kihara cho thấy Tokyo muốn một người có khả năng hiểu được Nhật có đóng vai trò nào hay không trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Eo biển Đài Loan.

Ông nói với VOA: “Ông Kihara trước đây từng là viên chức cao cấp tại Bộ Quốc phòng, ông ấy đã đến thăm Đài Loan và có mối quan tâm cá nhân đến sự ổn định xuyên eo biển”. “Việc này cho thấy Nhật Bản đang coi trọng sự phát triển trên Eo biển Đài Loan.”

Đáp lại việc bổ nhiệm nhân sự quốc phòng do Nhật Bản công bố, Bắc Kinh cho biết họ kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc tiến hành trao đổi chính thức với Đài Loan.

“Trung Quốc kêu gọi phía Nhật Bản rút ra bài học lịch sử, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và tinh thần của 4 văn kiện chính trị Trung-Nhật, đồng thời thận trọng trong lời nói và hành động đối với vấn đề Đài Loan”, ông Chen Binhua, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 13/9.

Nhật Bản tăng khả năng phòng thủ trước sự hung hăng gia tăng của Trung Quốc

Việc bổ nhiệm nhân sự quốc phòng của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động gây hấn gần Đài Loan và Nhật Bản trong những tuần gần đây. Kể từ ngày 17/9, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hiện 103 máy bay quân sự và 9 tàu hải quân của Trung Quốc gần hòn đảo này. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh chịu trách nhiệm và ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự mang tính phá hoại như vậy”, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói trong một tuyên bố.

Tuần trước, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở Tây Thái Bình Dương, triển khai hàng chục tàu hải quân, máy bay quân sự và tàu sân bay Sơn Đông.

Vào ngày 15/9, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết bốn tàu của chính phủ Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp mà tiếng Nhật gọi là Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, đây là lần xâm nhập đầu tiên kể từ ngày 23/8 và là lần xâm nhập thứ 23 của Trung Quốc trong năm 2023.

Các nhà phân tích cho rằng sự xâm phạm quân sự liên tục của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm các cuộc tuần tra chung của Trung Quốc với Nga quanh Nhật Bản và số lượng lớn các cuộc xâm nhập của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku hoặc Quần đảo Điếu Ngư có tranh chấp, đã giúp biện minh cho những nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trong năm qua.

Ông Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple Nhật Bản, nói với VOA: “Trung Quốc càng thực hiện các vụ đe dọa thì các nhà lãnh đạo Nhật Bản càng dễ dàng có được vỏ bọc chính trị cho các hành động trên mặt trận an ninh”.

Nhật Bản đang gặp khó khăn trong quan hệ với Đài Loan

Trong khi Nhật Bản chú ý nhiều hơn đến Eo biển Đài Loan thông qua việc bổ nhiệm nhân sự quốc phòng mới, ông Kingston nói Tokyo đang cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc hỗ trợ Đài Loan và duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Ông nói với đài VOA: “Nhật Bản đang gặp khó khăn”. “Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Nhật Bản và nhiều người nhận ra rằng sự thịnh vượng trong tương lai của Nhật Bản phụ thuộc vào việc khai thác tiềm năng của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc. Mặt khác, cảm tình dành cho Đài Loan rất lớn ở Nhật Bản và tôi không nghĩ công chúng sẽ cảm thấy thoải mái đối với bất kỳ chính sách nào làm giảm sự ủng hộ dành cho Đài Loan.”

Theo quan điểm của ông, Nhật Bản đã chuyển từ “ủng hộ Đài Loan một cách nhu mì, không quyết đoán” sang một vị thế táo bạo và mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, thay vì thực hiện những bước đi táo bạo, ông Kingston kỳ vọng Tokyo sẽ đạt được những tiến bộ từng bước và dần dần trong việc hỗ trợ Đài Loan. Ông giải thích: “Có lẽ tiến độ chưa đạt được những gì Đài Loan mong muốn, nhưng nó nằm trong vùng an toàn của Nhật Bản”.

Bất chấp nỗ lực của Nhật Bản nhằm giữ thế cân bằng, ông Nagy từ Đại học Cơ đốc Quốc tế cho rằng vẫn có cơ hội để Đài Bắc và Tokyo hợp tác trong các lĩnh vực như hoạt động cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và trao đổi không chính thức giữa các tổ chức nghiên cứu Nhật Bản và Đài Loan.

Ông nói: “Có khả năng [Nhật Bản] hợp tác với Đài Loan trong khuôn khổ đa phương, nhưng Nhật Bản sẽ phải rất cẩn thận về cách thức thực hiện điều này”.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG