Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính hôm Chủ nhật (21/5) đã nhất trí cùng chung tay giải quyết những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên biển để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, hãng thông tấn Nhật Kyodo đưa tin hôm 22/5.
Ông Kishida và ông Chính đã có cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản, trong đó các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế phát triển đã thảo luận về cách đối phó với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, trang thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.
Tokyo và Hà Nội đã và đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương, đặc biệt trong năm nay là năm kỷ niệm 50 năm Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cả hai phía đều có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trang tin của chính phủ Việt Nam cho biết thêm rằng việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh giữa hai nước sẽ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ quốc phòng, an ninh mạng.
Bên cạnh vấn đề hợp tác an ninh, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Nhật Bản cũng cam kết cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 60,98 tỷ Yên (440 triệu USD) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các bước chính sách của Việt Nam nhằm hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tác động của đại dịch Covid-19, vẫn theo Kyodo.
Tại cuộc hội đàm với thủ tướng Kishida, ông Phạm Minh Chính cũng chuyển lời mời Quốc vương và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hiroshima tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nước phát triển (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Các vấn đề về Trung Quốc là một trong những nội dung chính của cuộc họp thượng đỉnh lần này của G7.
Trong tuyên bố chung hôm 20/5, các lãnh đạo G7 nhấn mạnh là không muốn làm tổn hại đến Trung Quốc và đang tìm kiếm “mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định” với Bắc Kinh, và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện quân sự và đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan tự trị. Tuyên bố nói “không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực”, theo AP.
Phản ứng về tuyên bố này, Bắc Kinh hôm 21/5 triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, ông Hideo Tarumi, để phản đối tuyên bố của Nhóm G7, trong khi đặc phái viên của Nhật đưa ra phản biện.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã bày tỏ “sự không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối” của Bắc Kinh đối với các tuyên bố được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức. Đáp lại, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết Đại sứ Tarumi nói với ông Tôn rằng việc đưa ra tuyên bố là “lẽ tự nhiên” và ông kêu gọi Trung Quốc hãy thay đổi đường hướng, Kyodo tường thuật.
Phía ông Tôn cho rằng Nhật Bản, với tư cách là chủ tịch G-7 năm nay, đã bắt tay với các nước khác để “bôi nhọ và tấn công” Bắc Kinh thông qua tuyên bố chung tại Hiroshima, “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và làm tổn hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, vẫn theo Kyodo.
Diễn đàn