Các nhà lãnh đạo NATO họp ở Anh quốc đã chấp thuận việc thành lập một lực lượng sẽ duy trì sự hiện diện ở Đông Âu để ngăn ngừa và nếu cần đáp lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Newport thuộc xứ Wales, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho hay lực lượng này sẽ gồm nhiều ngàn bộ binh, với sử yểm trợ của các đơn vị hải, không quân và lực lượng đặc biệt. Nhân sự của các nước thành viên sẽ phục vụ trên cơ sở luân phiên, và sẽ sẵn sàng bố trí khi được thông báo trước vài ngày.
Lực lượng sẽ có các căn cứ sẵn sàng tại nhiều nước NATO ở đông Âu, có thể là các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan và Rumani, với thiết bị và đồ tiếp vận tồn trữ và một ban chỉ huy nhỏ, nhân viên kế hoạch và thông tin liên lạc tại chỗ. Và sẽ có “một sự hiện diện liên tục”, theo nguyên văn lời ông, của lực lượng NATO thao diễn tại các nước thành viên phía đông.
Quyết định vừa kể là để đáp lại việc Nga can thiệp vào Ukraine, một nước không phải là thành viên NATO. Tổng thư ký Ramussen nói lực lượng mới nhắm mục đích bảo đảm là Nga không tìm cách có hành động tương tự ở bất kỳ nước cộng hoà Xô Viết cũ nào, nay là thành viên của liên minh tây phương.
Ông Rasmussen nói: “Quyết định thực hiện hôm nay để chuẩn bị cho các kế hoạch hành động sẵn sàng gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng cho Nga rằng chúng tôi quyết tâm tiến hành mọi biện pháp cần thiết để cung cấp sự bảo vệ hữu hiệu cho các đồng minh của chúng tôi.”
Ông Rasmussen gọi quyết định này là phản ứng “thích đáng” đối với điều mà ông gọi là “môi trường an ninh đã thay đổi đáng kể ở châu Âu.” Ông bác bỏ một phát biểu của Nga hôm nay nói rằng NATO lâu nay đã hoạch định việc gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu và chỉ nhân vụ khủng hoảng Ukraine để biện minh cho hành động.
Ông Rasmussen cũng hoan nghênh thoả thuận đạt được hôm thứ sáu về một cuộc ngưng bắn ở miền đông Ukraine, nhưng bày tỏ đôi chút hoài nghi về việc liệu cuộc ngưng bắn sẽ có hiệu lực hay không.
Ông nói: “Dĩ nhiện công bố một cuộc ngưng bắn là một chuyện. Bước kế tiếp và cấp thiết là thực thi nó một cách đúng đắn, và điều đó thì còn phải chờ xem. Nhưng được tới đâu hay tới đó.”
Tổng thư ký NATO khẳng định rằng vấn đề Nga-Ukraine bao trùm cuộc họp thượng đỉnh và nói rằng mối quan ngại về sự thay đổi thái độ của Nga cũng khiến các nhà lãnh đạo đồng ý gia tăng dự chi cho vấn đề phòng thủ, và khiến ông tin tưởng rằng họ sẽ thực hiện việc ấy.
Ông Rasmussen nói: “Quyết định này đã được thực hiện trong một bầu không khí an ninh hoàn toàn mới mẻ. Sự hiếu chiến của Nga nhắm vào Ukraine là lời cảnh tỉnh.”
NATO loan báo rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào năm 2016 sẽ do Ba Lan chủ trì, và ông Rasmussen gọi cuộc họp này tượng trưng cho sự cam kết của liên minh đối với các nước thành viên phía đông.
Ông Rasmussen cũng nói các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý hợp tác với nhau nhiều hơn về vụ khủng hoảng ở Iraq. Ông hoan nghênh sự tham gia vào các hoạt đông quân sự và nhân đạo của nhiều đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ. Và ông tuyên bố liên minh có thể góp phần phối hợp một số chức năng hỗ trợ, như không vận. Nhưng ông Rasmussen nói NATO sẽ không đóng vai trò nào bên trong Iraq trừ phi nhận được lời mời của chính phủ Iraq, và ngay cả khi đó, có lẽ cũng sẽ chỉ đóng vai trò huấn luyện.
Ông cho biết các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý chia sẻ thông tin về các công dân của họ đến Iraq để chiến đấu với các phần tử chủ chiến và sau đó tìm cách trở về châu Âu hay Bắc Mỹ.
Tại một cuộc họp với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ và các đối tác của nhiều nước thành viên NATO, đã có thoả thuận thành lập một lực lượng đặc nhiệm đa quốc để làm công tác đó.
Các vị bộ trưởng cũng đồng ý giao tiếp với chính phủ mới ở Iraq khi chính phủ này lên nhậm chức, để tìm cách cải thiện tình hình ở bắc bộ Iraq, mà họ tin là sẽ làm giảm bớt động cơ khiến người Iraq gia nhập hàng ngũ chủ chiến.