Các giới chức Hoa Kỳ cho hay Nga đối mặt với các biện pháp chế tài mới vì tiếp tục hỗ trợ cho phe nổi dậy chiến đấu chống lực lượng chính phủ ở Ukraine. Vụ khủng hoảng đã là trung tâm thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales, trong khi Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác hôm nay chuẩn bị loan báo bước kế tiếp trong việc đối phó với Nga. Tháp tùng tổng thống đi dự hội nghị, thông tín viên VOA Luis Ramirez ghi nhận diễn biến trong cuộc họp.
Trong khi chiến sự tiếp tục ở đông bộ Ukraine, các giới chức Hoa Kỳ phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh nói rằng dường như có phần chắc là Hoa Kỳ sẽ xúc tiến các biện pháp chế tài mới đối với Nga.
Tổng thống Obama dành ngày hôm qua, thứ Năm để họp với các nhà lãnh đạo NATO và thẩm định về vụ khủng hoảng đã tiếp tục leo thang giữa bằng chứng cho thấy Nga đã gửi binh sĩ và thiết bị băng qua biên giới vào Ukraine để giúp phe nổi dậy.
Hy vọng đã đặt vào điều mà một giới chức Toà Bạch Ốc mô tả là nỗ lực “ngoại giao rất tích cực” của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko – cũng đang dự cuộc họp thượng đỉnh. Ông Poroshenko tuyên bố nước ông và phe nổi loạn được Nga hậu thuẫn sẽ ra lệnh ngưng bắn trong ngày hôm nay nếu cả hai bên đồng ý về một thoả thuận hoà bình. Tổng thống Ukraine nói:
“Điều duy nhất chúng ta cần bây giờ để có hoà bình và ổn định chỉ là hai điều chính. Trước tiên, Nga phải rút quân. Và thứ hai, đóng cửa biên giới. Nếu có được 2 điều đó, tôi bảo đảm với quý vị rằng Ukraine sẽ tìm ra được một giải pháp hoà bình chỉ trong vài ngày.”
Tổng thống Obama không đưa ra nhận định công khai hôm qua nhưng theo dự kiến sẽ đưa ra lời phát biểu vào cuối cuộc họp thượng đỉnh.
Một trong các mục tiêu chính của ông tại cuộc họp này là quy tụ các thành viên NATO để tăng cường sự đóng góp vào liên minh. Các giới chức Hoa Kỳ nói nhóm này, bị các chuyên gia phân tích mô tả là đã không còn nhận thức được mục tiêu trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh, nay có lý do để đầu tư thêm vào quốc phòng.
Các chuyên gia phân tích nói sự can thiệp của Nga ở Ukraine phải có tác dụng như một lời cảnh tỉnh phải làm điều mà Hoa Kỳ đã hối thúc các thành viên làm từ nhiều năm nay.
Ông Luke Coffey là một chuyên gia về an ninh châu Âu tại Quỹ Heritage ở Washington. Ông nói Hoa Kỳ đã đảm nhận một phần quá mức trong gánh nặng NATO:
“Chẳng hạn như số tiền mà thành phố New York chi cho ngành cảnh sát còn lớn hơn so với khoản mà 14 thành viên NATO chi vào quốc phòng. Đây là quy mô của vấn đề và Tổng thống Obama cần phải nói rất rõ với các đồng sự rằng đã đến lúc họ phải dành tiền cho việc này bởi vì thế giới không an toàn hơn chút nào.”
Trên đường đi dự cuộc họp thượng đỉnh này, Tổng thống Obama đã có một chặng dừng chân mang tính tượng trưng, nhưng quan trọng, ở Estonia, nơi ông bảo đảm với các quốc gia vùng Baltic rằng Hoa Kỳ sẽ giúp bảo vệ họ trong trường hợp Nga có hành động hiếu chiến.
Trong số các biện pháp dự trù sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh này có việc NATO phê chuẩn một lực lượng phản ứng nhanh và việc bố trí thiết bị quân sự ở đông Âu, nơi Hoa Kỳ vốn đã có hàng ngàn binh sĩ luân phiên đến để tham gia các cuộc thao dượt chung.