Đường dẫn truy cập

Nạn kỳ thị người gốc Á tại Hoa Kỳ lại bùng lên vì COVID-19


Jessica Wong (trái) và Jenny Chiang (giữa) từ Massachusetts và cô Sheila Vo, từ Boston sát cánh trong một cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ngày 12/3/2020 tại Boston. (AP Photo/Steven Senne)
Jessica Wong (trái) và Jenny Chiang (giữa) từ Massachusetts và cô Sheila Vo, từ Boston sát cánh trong một cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ngày 12/3/2020 tại Boston. (AP Photo/Steven Senne)

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc lan nhanh trên khắp thế giới, nạn kỳ thị người Á Châu lại nổi lên dữ dội sau một thời kỳ yên ắng. Cùng với số ca nhiễm tăng vọt – giờ đã vượt qua con số 6 triệu ca trên toàn cầu, đi kèm với số tử vong ngày càng tăng, nạn kỳ thị người gốc Á cũng lan nhanh, theo truyền thông Hoa Kỳ.

Hồi tháng Ba 2020, cơ quan FBI cảnh báo về nguy cơ gia tăng các tội hình sự vì hận thù sắc tộc mà nạn nhân là người gốc Á.

Theo báo Time, các dữ liệu cho thấy nguy cơ đó là có thực. Tờ báo dẫn lời thám tử Annette Shelton của Sở cảnh sát New York, cho biết tất cả 15 tội hình sự vì hận thù sắc tộc mà toán đặc nhiệm của NYPD đã điều tra đều nhắm vào người gốc Á.

Từ giữa tháng 3 đến nay, trên khắp nước Mỹ đã có hơn 1.800 vụ phân biệt đối xử vì Covid-19 được báo cáo lên trang "Stop AAPI Hate", trang web giám sát các tội ác vì hận thù sắc tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á.

Người Mỹ gốc Á là ai?

Theo cuộc kiểm kê dân số mới nhất, ước lượng có 20 triệu người gốc Á sinh sống ở Hoa Kỳ, chiếm khoảng 6% dân số. Con số này bao gồm các công dân Mỹ gốc Á, và cả những người đến từ Nam Á (Ấn Độ, Pakistan ..) và Đông Nam Á đang theo học hoặc làm việc tại Hoa Kỳ.

Họ thuộc nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau và tới nước Mỹ từ nhiều quốc gia, trong những hoàn cảnh rất khác biệt.

Rất nhiều người là di dân sinh ra ở nước ngoài, có nhiều người đến nước Mỹ trong tư cách tị nạn như người Việt Nam sau năm 1975, nhưng con cái họ sinh ra tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó có nhiều người như người Mỹ gốc Nhật Bản, đã sinh sống tại Hoa Kỳ trong nhiều thế hệ.

Ngoài ra, mỗi năm còn có khoảng 3 triệu du khách từ Trung Quốc tới thăm Hoa Kỳ.

Bất kể họ là thuộc thành phần nào, họ vẫn là nạn nhân bị kỳ thị, hay phân biệt đối xử vì những thành kiến đối với người Á Châu mà nguyên do là vì virus Covid-19, mà TT Trump thường gọi là 'virus Trung Quốc.

Giáo sư Evan Gerstmann giảng dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Layola Marymount ở California, nói điều oái ăm là ngay cả các bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế, ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu, cũng không thoát khỏi bị kỳ thị.

Hành động kỳ thị

Giáo sư Gerstmann nói những hành động kỳ thị xảy ra dưới nhiều hình thức, từ sách nhiễu bằng những lời lời lẽ kỳ thị, cho tới các cuộc tấn công gây thương tích. Và những vụ tấn công đó xảy ra tại nhiều thành phố trên khắp nước.

Tại New York, một phụ nữ bị 3 thiếu nữ vị thành niên tấn công trên một xe buýt. Ở California, một học sinh trung học bị hành hung phải đưa vào bệnh viện điều trị, ở Texas, một gia đình 3 người bị một người đàn ông đâm, vì ‘tưởng họ là người Hoa, lây virus Covid-19 cho người khác’.

Tại khu vực quanh San Francisco, một phụ nữ bị bắt giữ vì bị tình nghi đã gửi mẫu giấy viết tay tới nhiều gia đình gốc Á, đề nghị họ nên lập tức rời khỏi nước Mỹ.

Hãng tin AP trích dẫn nội dung của một thông điệp:

“Nếu ông/bà sinh ra ở một nước khác, thì hãy lập tức, khẩn cấp về nước đi.”

Và câu kết: “Một người Mỹ, da trắng, can đảm, đang phục vụ đất nước Hoa Kỳ này, sẽ sống tại căn nhà này.”

Thủ phạm là Nancy Arechiga, 52 tuổi, bị bắt cùng với tang vật là một túi đeo vai trong đó có chứa những mẫu giấy với nội dung tương tự.

Bà Arechiga được tới nhà tù quận Alameda để làm thủ tục điều tra phạm tội hình sự vì hận thù sắc tộc.

Bà được tại ngoại hầu tra cũng nhờ các nhà tù không muốn có tù nhân vì dịch Covid-19.

Một phụ nữ người Mỹ gốc Á nói với đài truyền hình KGO nói gia đình bà đã “ớn lạnh cả xương sống” khi đọc được một thông điệp tương tự, dán lên trên một thân cây trong khu phố.

Tại thành phố Seattle hồi đầu tháng 5 vừa qua, một người gốc Á bị một người đàn ông xô và hành hung.

Bạo động chống lại người Mỹ gốc Á, và di dân gốc Á, du sinh gốc Á theo học tại Hoa Kỳ đã tăng rõ rệt trong đại dịch Covid-19. Sự ác cảm đối với Trung Quốc trong một bộ phận dân chúng tăng cao, và một số nhà phân tích lo ngại là các cộng đồng gốc Á phần nào đã trở thành vật tế thần vì những tình cảm bài Hoa, vì người Mỹ không phân biệt được giữa người Trung Quốc và những người gốc Á khác.

Đóng góp to lớn của người gốc Á trong khủng hoảng Covid

Giáo sư Gerstmann nói thực ra, người Mỹ gốc Á và di dân gốc Á tại Hoa Kỳ xứng đáng được vinh danh về vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ông lưu ý rằng người gốc Á chiếm một tỷ lệ rất cao trong đội ngũ các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống Covid-19, 17% các bác sĩ là người Á châu, 9% là trợ lý bác sĩ và 10% y tá là người gốc Á.

Giáo sư Gerstmann nói người Châu Á và công dân Mỹ gốc Á còn đi tiên phong trong công cuộc tìm kiếm một vắc-xin chống dịch Covid-19. Ngay trong lúc này, một trong những nỗ lực tìm vắc-xin có nhiều hứa hẹn nhất đang được tiến hành tại Trường Y khoa Đại học Pittsburgh.

Hôm 2/4, đại học Pittsburgh loan báo triển vọng phát triển một vắc-xin chống SARS-CoV-2. Viện đại học này cho biết là khi được thử nghiệm trên loài chuột, “vắc-xin sản xuất các kháng thể đặc biệt chống SARS-CoV-2, đủ để vô hiệu hóa con virus.”

Hai tác giả có tên trong nhóm dẫn đầu công trình này là 2 tiến sĩ gốc Á: Eun Kim và Shaohua Huang.

Nhưng ngoài lĩnh vực y khoa, người gốc Á còn chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động công nghệ cao, và trong tình hình trường học, công sở, doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sang sinh hoạt online, Giáo sư Gerstmann nói chưa bao giờ sự đóng góp của người Á châu và người Mỹ gốc Á lại quan trọng hơn như lúc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG