Đường dẫn truy cập

Người gốc Á tại Mỹ ít bị nhiễm COVID


Một người bán khẩu trang và khăn giấy sát trùng trên hè phố New York (ảnh chụp ngày 18/5/2020
Một người bán khẩu trang và khăn giấy sát trùng trên hè phố New York (ảnh chụp ngày 18/5/2020

Dữ liệu về lây nhiễm COVID-19 và con số tử vong tại thành phố New York tính theo sắc tộc cho thấy người gốc Á có tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp hơn các sắc dân khác. Số liệu tương tự tại Los Angeles cho thấy người gốc Á cũng có tỉ lệ lây nhiễm thấp nhất trong tất cả các sắc dân.

Bà Cindy Song, một công chức về hưu sống tại Washington, chứng kiến cơn bão COVID-19 đến và chuẩn bị thích ứng.

Được bạn bè người Hoa cảnh báo trên truyền thông xã hội về nguy cơ, từ đầu tháng 3 bà đã hủy các kế hoạch du hành và các cuộc hẹn với bác sĩ, tránh các nhà hàng, bạn bè hay siêu thị, cũng như mang khẩu trang và giữ khoảng cách trong thời gian ít khi đi ra ngoài.

“Chúng tôi biết bệnh này, virus này, thực sự làm chết người, thực sự tệ hại,” bà Song, sinh quán tại tỉnh Giang Tô, nói. “Tuy nhiên mỗi khi chúng tôi đi ra ngoài và gặp người khác và những người chúng tôi quen biết, họ cho chúng tôi cảm tưởng là chúng tôi hành động thái quá.”

Một trong những điều mỉa mai xoay quanh virus corona là dữ liệu cho thấy người Mỹ gốc Á--bị kỳ thị và tấn công vì bị nghi mang mầm bệnh--lại là những người ít bị lây nhiễm hay chết vì COVID trong tất cả các nhóm sắc tộc tại Mỹ.

“Thái độ bài ngoại này không bao giờ là việc đúng đắn, nó được căn cứ vào kiểu rập khuôn,” ông Merlin Chowkwanyu, giáo sư về y học xã hội Trường đại học Columbia, nói.

Dữ liệu có được về lây nhiễm và chết người vì COVID-19 tại New York phân chia theo sắc tộc cho thấy người Châu Á có tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp nhất với cách biệt lớn, trong bất cứ nhóm nào, bao gồm người da trắng.

Theo dữ liệu gần đây nhất có được thì số tử vong của người gốc Á tại thành phố đông dân nhất và bị tác động nặng nề nhất ở Mỹ, New York, cho thấy cứ 100 ngàn ca tử vong có 122 người gốc Á, so với con số 265 người gốc Châu Phi, 259 người gốc Châu Mỹ Latin và 130 người da trắng.

Những con số tương tự tại Los Angeles cũng cho thấy người gốc Á có tỉ lệ lây nhiễm thấp nhất trong tất cả các nhóm và tỉ lệ tử vong cao hơn một ít so với người da trắng.

Tại Los Angeles, các giới chức báo cáo cứ 100 ngàn người chết thì có 89 người bản địa Hawaii và gốc Quần đảo Thái Bình Dương, và tỷ lệ này nơi người gốc Châu Phi là 18, và với người gốc Châu Mỹ Latin là 15,5. Còn tỷ lệ nơi người gốc Á là 12, và người da trắng là 9.

Một cuộc nghiên cứu của tổ chức Henry J. Kaiser Family Foundation rút ra từ dữ liệu trên toàn quốc cho thấy các sắc dân thiểu số bị dịch bệnh tác hại nặng nề không đồng đều liên hệ đến lợi tức thấp, bị phơi nhiễm vì việc làm và có sẵn vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên người gốc Á có nguy cơ thấp bị nhiễm nặng so với bất cứ nhóm sắc dân nào khác, kể cả ngưởi da trắng đa số.

Một vài yếu tố có thể giúp giải thích việc này, các chuyên gia nói, ngay cả khi họ nhấn mạnh là dữ liệu chỉ là sơ khởi, và vẫn còn có số lớn những điều chưa biết về virus.

Một yếu tố dường như là “WeChat”, đề cập đến những mạng xã hội với nhiều người có mặt tại Trung Quốc.

Theo như các nhà khoa học xã hội, biết được một người nào đó lây nhiễm virus thường là điều kiện tiên quyết để thay đổi thái độ, và cư dân tại các Phố Tàu Chinatown có những cảnh báo sớm từ các tin nhắn cá nhân vượt qua Thái Bình Dương, trong một số trường họp trước khi Bắc Kinh tiết lộ thông tin.

Vào tháng 1, ngay cả trước khi các nhà hàng bị mất khách tại thành phố New York, nhiều gia đình và bạn bè đã cảnh báo chúng tôi về nhu cầu khủng khiếp,” ông Văn Trần, một nhà xã hội học đô thị tại Trường đại học Thành phố New York, nói. “Việc này không hoàn toàn và thành thực được chính phủ Trung Quốc thông báo cho thế giới.”

Với ký ức về hội chứng hô hấp cấp tính trầm trọng (SARS) bùng phát trong hai năm 2002-2003, người Châu Á tích trữ thực phẩm sớm, nhiều tiệm tạp hóa châu Á và những doanh thương khác bắt đầu cách ly xã hội tốt trước khi nhà cầm quyền địa phương bắt buộc.

Người Châu Á cũng có khuynh hướng che mặt sớm, dù có việc “sợ khẩu trang” trong dân cư.

“Mang khẩu trang là điều người Châu Á đã làm trước khi đại dịch này bắt đầu,” ông Scott Frank, chuyên gia y tế công cộng tại Trường Y Đại học Case Westen Reserve, nói.

Do kỳ thị nên những cuộc tấn công bằng lời nói cũng như tấn công thể chất gia tăng, nhiều người Mỹ gốc Á tránh đám đông vì sợ bị kỳ thị cũng như để giảm thiểu việc lây nhiễm.

Bà Song nói trong những tuần lễ gần đây, bà bị một người da trắng nhổ nước bọt và một người bán tạp hóa ngăn không cho bà sờ vào rau. “Tôi sợ người ta nhắm vào tôi,” bà nói.

Các phụ nữ gốc Á bị tấn công tại Bắc Mỹ trong hai tuần qua vì mang khẩu trang.

Tuy nhiên việc sớm tránh xa Phố Tàu gây tác hại cho kinh doanh—dù có chiến dịch mạnh mẽ của những thị trưởng nhằm mang khách hàng trở lại—cũng có nghĩa là tiếp xúc giữa người với người trong các khu sắc tộc đã giảm bớt đáng kể.

“Bạn có thể nói đây là điều đáng lạc quan,” ông Trần nói. “Cuối cùng, người được cứu không phải chỉ là người lao động trong cộng đồng, nhưng còn là công việc kinh doanh và tất cả mọi người khác nữa.”

Một tỷ lệ cao những người Trung Quốc sống tại thành phố New York là những di dân mới, một nhóm có thể tạng khoẻ mạnh so với người Mỹ trung bình vì họ ít ăn đồ chiên, thịt đỏ và đường, các nhà dịch tễ học nói.

Tuy nhiên con cái họ có khuynh hướng hội nhập.

Đến thế hệ thứ ba họ thường bị huyết áp cao, béo phì và lối ăn uống không khác biệt với đa số người Mỹ, các chuyên gia y tế nói.

Các yếu tố kinh tế xã hội cũng giúp người gốc Á, các chuyên gia nói. Dù người Mỹ gốc Á tại New York và trên toàn quốc có nhiều người lao động chân tay, nhưng cộng đồng này về mặt kinh tế tốt hơn và được giáo dục nhiều hơn những nhóm thiểu số khác.

Điều này khiến họ có bảo hiểm nhiều hơn, để dành nhiều hơn để đối phó với những hạn chế ở tại nhà và có không gian sống rộng rãi hơn để thích nghi với cách ly xã hội.

Người Châu Á thường là cư dân hợp pháp tại Mỹ so với cộng đồng người Châu Mỹ Latin vốn thường tránh các bệnh viện để tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên có một số việc không có lợi cho cộng đồng gốc Á. Nhiều thế hệ đầu tiên người già không nói tiếng Anh thường tránh bệnh viện, bởi vì theo truyền thống văn hóa, họ muốn chết với gia đình hơn là cô độc, và gặp khó khăn tìm người thông dịch trong hệ thống y tế quá tải.

Dữ liệu tại tiểu bang Wisconsin với các con số thống kê cũng chia theo sắc tộc cho thấy người gốc Á có tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp hơn những nhóm sắc tộc khác, trừ người Mỹ bản địa.

Trong lúc bà Song ở tại nhà theo hướng dẫn cách ly xã hội của Washington, bà suy nghĩ về những lo âu mà đôi khi bà cảm thấy vì là người gốc Á tại Mỹ trong thời gian đại dịch. “Tôi đang nghĩ nhuộm tóc vàng, mang kính đen to và che mặt tôi,” bà nói đùa. “Đã đến lúc thay đổi.”

(Nguồn SCMP/LA Times)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG