Những người Việt làm móng ở tiểu bang California, Mỹ, bức xúc trước phát biểu của thống đốc tiểu bang cho rằng tiệm nail chính là nguồn gốc làm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và lo ngại rằng việc này sẽ giết chết ngành công nghiệp nail vốn là kế sinh nhai của phần đông các gia đình người Việt ở Mỹ.
Trong buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 hôm 7/5, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, cho biết ‘ca nhiễm Covid-19 lây trong cộng đồng đầu tiên trong bang là từ một tiệm làm móng’. Tuy nhiên, ông Newsom không đưa ra bằng chứng do việc này thuộc diện cần bảo mật.
Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins thì cho đến ngày 13/5, tiểu bang California có trên 71.000 ca nhiễm virus corona và gần 2.900 người tử vong, xếp thứ 5 toàn quốc sau các tiểu bang New York, New Jersey, Illinois và Massachusetts.
Gửi thư phản đối
Bất bình trước phát ngôn này, các đại diện của cộng đồng người Việt trong tiểu bang, trong đó có Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí ở Quận Cam, đã gửi thư phản đối đến ông Newsom và yêu cầu ông trưng ra bằng chứng rõ ràng.
Lá thư của tổ chức Little Saigon San Diego Foundation, đại diện cho cộng đồng người Việt ở San Diego, thành phố lớn thứ hai trong tiểu bang, hôm 10/5, bày tỏ ‘sự bất bình và quan ngại nghiêm trọng về những tác động tiêu cực’ mà phát ngôn của Thống đốc Newsom gây ra.
“Trong trận đại dịch vốn không phân biệt sắc tộc này, hành động chưa từng có tiền lệ của Ngài đã đe dọa cơ hội phục hồi và trên thực tế phá hủy cơ hội sống sót của nhiều doanh nghiệp nhỏ của cộng đồng thiểu số,” lá thư viết.
Lá thư cho rằng phát ngôn của ông Newsom mặc dù khiến người ta nghi ngờ bởi vì ‘không rõ làm cách nào mà tiểu bang có thể khẳng định rằng tiệm nail là nguồn lây bệnh’ nhưng nó có thể ‘gây thiệt hại không cách nào khắc phục được cho thanh danh của những người vô tội và góp phần làm gia tăng tình trạng bài ngoại và phân biệt sắc tộc, nhất là đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á’.
Cộng đồng người gốc Việt ở San Diego kêu gọi ông Newsom ‘ngay lập tức ra tuyên bố công khai làm rõ và cung cấp bằng chứng vững chắc cho phát ngôn kia’ và lên án ‘những hành động thù ghét nhắm vào những người thợ nail gốc Á’.
“Nếu không làm như vậy thì cộng đồng dân châu Á của California với khoảng 4,9 triệu người, trong đó có 71.475 thợ làm móng gốc Việt, sẽ có thể là nạn nhân kế tiếp của sự thù ghét, thiên kiến và phân biệt đối xử,” lá thư cảnh báo.
‘Giết chết một ngành nghề’
Trao đổi với VOA từ San Diego, ông Sử Nguyễn, chủ tịch của Little Saigon San Diego Foundation và là người ký tên trong lá thư phản đối gửi ông Newsom, cho biết đến giờ ông vẫn chưa nhận được phản hồi gì’ từ Thống đốc Gavin Newsom.
Ông cho biết cộng đồng ‘đã có lời kêu gọi tổ chức biểu tình để nói lên tiếng nói của những người làm nail và cộng đồng Việt Nam’. Ngoài ra, trên mạng cũng đang lưu truyền kiến nghị để thu thập chữ ký đòi ông Newsom phải đính chính cho phát ngôn của ông.
Ông Sử nói lá thư được soạn thảo sau khi ‘rất nhiều người làm nail trong cộng đồng bày tỏ bức xúc với ông’ nên ban lãnh đạo Little Saigon San Diego Foundation đã quyết định viết thư cho ông Newsom. Ngoài ông Newsom, lá thư cũng được gửi đến các vị dân cử của tiểu bang và liên bang, ông Sử nói thêm.
Ông Sử nói bản thân ông ‘rất ngạc nhiên’ trước phát ngôn này vì ‘trước giờ ông chưa nghe thông tin gì về chuyện tiệm nail làm lây lan virus corona’.
“Câu nói đó sẽ giết chết một ngành nghề đã nuôi sống rất nhiều người trong cộng đồng người Việt,” ông Sử bức xúc.
Ông cho biết trong mùa dịch thì ‘rất nhiều người trong cộng đồng làm nail đã có sự phòng bị rất chu đáo, sắm sửa các vật dụng bảo vệ giống như trong bệnh viện’.
“Đây là ngành nghề có cơ hội tiếp xúc nhiều người với tính cách gần gũi mà vấn đề sức khỏe thì ai cũng sợ. Mỗi ngày ai cũng thấy thông tin trên báo chí nói về sự chết chóc và lây nhiễm. Đặc biệt là người Việt Nam có sự chuẩn bị chu đáo hơn,” ông Sử giải thích.
Theo lời ông thì tương lai ngành làm móng của người Việt sau đại dịch sẽ ‘rất bấp bênh’. “Trước khi có phát ngôn của ông Newsom thì họ đã lo rồi. Bây giờ họ lại càng lo hơn. Đóng cửa tiệm mà tiền mặt bằng vẫn phải trả mỗi tháng, có những tiệm phải trả 8-10 ngàn một tháng. Họ đã phải lấy cái này đắp cái kia để tìm cách sống còn,” ông nói.
Thêm dầu vào lửa?
Ông Sử cho rằng tuyên bố của ông Newsom càng làm thổi bùng thêm tình trạng kỳ thị sắc tộc nhằm vào người gốc Á, trong đó có người Việt ở Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump đã gọi virus corona là ‘virus Trung Quốc’.
“Phát ngôn của ông Newsom giống như khẳng định những gì đã phát biểu từ trước (về kỳ thị sắc tộc) là đúng,” ông phân tích. “Bây giờ nỗi sợ dịch bệnh càng làm cho nhiều người lo lắng và lánh xa cộng đồng Việt Nam.”
Do là người đứng đầu cộng đồng người Việt ở San Diego, ông Sử cho biết ông nghe ‘một cô nói vừa bước lên xe buýt thì tất cả mọi người trên xe đều tránh xa’.
“Có người hét lớn vào mặt người Việt Nam rằng: ‘Go back to China’ (Hãy về lại Trung Quốc của mày đi),” ông cho biết.
‘Gây nguy hiểm cho người làm nail’
Ông Lê Đình Thảo, vốn làm chủ tiệm hớt tóc trong khi vợ làm chủ tiệm nail ở San Diego, nói với VOA rằng ông Newsom ‘phát ngôn một cách bừa bãi, hồ đồ, nói không có căn cứ, không có bằng chứng’.
“Ông ta cần phải trưng ra bằng chứng nếu không thì phải đưa ra lời xin lỗi và đính chính,” ông Thảo nói.
Ông Thảo nhìn nhận rằng do đặc thù công việc của ngành làm móng, làm tóc và những ngành chăm sóc sắc đẹp khác thì việc lây lan trong tiệm ‘là có khả năng’.
“Nhưng có thể là từ bên ngoài họ đem virus đến lây lan cho tiệm. Chứ đằng này ông ấy lại nói là lây nhiễm từ tiệm nail đi ra là người đầu tiên,” ông Thảo bức xúc.
Ông cho rằng Thống đốc Newsom có thể có lý do để cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm khi đến tiệm làm móng vào lúc này nhưng cách nói của ông Newsom lại chĩa mũi dùi về phía các tiệm nail.
“Bây giờ nếu không cho mở cửa vì lý do an toàn thì tôi đồng ý nhưng ông ấy không thể nào vin vào lý do là tiệm nail nào đó là nơi lây lan,” ông nói.
Theo lời ông thì hiện giờ cộng đồng những người làm nail, làm tóc ở chỗ ông đang ‘có tâm lý bất an’ là ‘sợ đi ra đường sẽ bị người ta bức xúc họ đánh mình lúc nào không hay’.
“Mai mốt cho mở cửa lại thì liệu người Việt làm sao có thể dám đến chỗ làm? Có thể có những người có người nhà bị bệnh, bị chết, người ta bức xúc có thể làm bậy ảnh hưởng đến tính mạng người khác,” ông bày tỏ lo ngại.
“Nếu những người đó không dám đến chỗ làm thì gia đình họ, thân nhân họ không có miếng cơm manh áo mang về thì họ sẽ như thế nào?” ông nói.
Ông cho biết hiện giờ bản thân ông cũng cảm thấy ‘không thoải mái’ và ‘đi ra ngoài phải dòm chừng’.
Ông Thảo nói nếu Thống đốc Gavin Newsom không lên tiếng đính chính thì ông và những bạn bè của ông ‘sẽ xuống đường biểu tình đòi hỏi sự công bằng’ và sẽ ‘biểu tình trong trật tự có giữ khoảng cách xã hội’.