Đường dẫn truy cập

Mỹ, VN thực hiện dự án xử lý dioxin lớn nhất đến nay ở Biên Hòa


Mỹ, Việt Nam tiến hành dự án khắc phục hậu quả dioxin ở sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, 5/12/2019
Mỹ, Việt Nam tiến hành dự án khắc phục hậu quả dioxin ở sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, 5/12/2019

Sáng 5/12, các đại diện của hai chính phủ Việt Nam và Mỹ tiến hành lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chính phủ Mỹ cam kết 300 triệu đô la cho dự án này, dự kiến thực hiện trong 10 năm để khôi phục môi trường cho sân bay và khu vực lân cận.

Tin tức trên các trang Zing.vn, VNExpress và Người Lao Động cho hay tham gia sự kiện mang tính “cột mốc quan trọng” trong quan hệ Việt-Mỹ là Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Đại biện Lâm thời Mỹ tại Việt Nam Caryn R. McClelland, và một số quan chức khác.

Tại sân bay Biên Hòa, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m3, gấp nhiều lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng, theo đánh giá được Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đưa ra năm 2016.

Sân bay Biên Hòa bị giới chuyên gia đánh giá là nơi nhiễm dioxin “nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới”, theo một bản tin của VNExpress.

So sánh hai sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng, tiến sĩ Lê Kế Sơn, nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, nói với VOA:

“Ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa phức tạp hơn, đa dạng hơn, và khu ô nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa thì gần với dân cư của thành phố Biên Hòa. Cụm dân cư ở đó đông đảo hơn và chịu ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm nhiều hơn so với sân bay Đà Nẵng”.

Hồi tháng 11/2018, Mỹ và Việt Nam tuyên bố hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với kết quả là khoảng 90.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin đã được “xử lý triệt để”. Chi phí cho dự án ở Đà Nẵng gồm khoảng 110 triệu đô la tài trợ của chính phủ Mỹ và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Tại lễ khởi động dự án xử lý sân bay Biên Hòa, Đại biện Lâm thời Mỹ McClelland phát biểu: "Không những chúng ta sẽ hợp tác để giảm thiểu nguy cơ và bảo đảm an toàn cho các cộng đồng xung quanh, mà chúng ta sẽ còn một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt-Mỹ, trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung", theo các bản tin trong nước.

Một góc sân bay Biên Hòa, tháng 10/2018
Một góc sân bay Biên Hòa, tháng 10/2018

Tiến sĩ Lê Kế Sơn, vốn là Trưởng đoàn Việt Nam trong Hội đồng Hỗn hợp Việt Nam-Hoa Kỳ về Chất Da cam, lưu ý rằng tương tự như ở sân bay Đà Nẵng, hai bên Việt, Mỹ cần lường trước những khó khăn sẽ phát sinh khi khắc phục dioxin ở Biên Hòa. Ông nói với VOA:

“Ở Đà Nẵng, như chúng ta đã biết, khối lượng đất nhiễm dioxin là cao hơn dự kiến ban đầu, và thời gian hoàn thành cũng kéo dài hơn so với ban đầu. Vì thế, việc lường tới khối lượng đất lớn hơn, tính chất phức tạp hơn, cũng như là chi phí lớn hơn và thời gian kéo dài hơn phải tính đến ở sân bay Biên Hòa”.

Tiến sĩ Sơn, người cũng từng giữ chức Tổng cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét thêm rằng dự án Biên Hòa là bước tiếp nối dự án ở Đà Nẵng, mà ông xem là “dấu mốc quan trọng nhất” đánh dấu “sự khởi đầu hợp tác chính thức hai bên” về xử lý dioxin ở Việt Nam.

Theo tiến sĩ Sơn, từ chỗ hai bên không hợp tác, tiến đến hợp tác với nhau về nghiên cứu, sau đó, gần đây cùng chung tay xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng, và hiện nay là Biên Hòa, điều đó cho thấy hai nước đã có “thay đổi rất lớn” về cách nhìn nhận cũng như trong việc làm cụ thể.

Mặc dù vậy, ông Sơn cho rằng bên cạnh khắc phục ô nhiễm, hai nước cũng cần thay đổi nhiều hơn về “cách tiếp cận, trách nhiệm và phương pháp làm việc” để giúp đỡ người khuyết tật, trong đó có những người bị ảnh hưởng bởi Chất Da cam/dioxin. Ông nói cụ thể hơn:

“Khi giúp người khuyết tật, bao gồm cả nạn nhân Chất Da cam, phải tính tới việc thay đổi cơ bản cuộc sống của họ, làm sao để họ có thể tự đứng trên đôi chân của mình sau này. Bên cạnh đó, khả năng tai biến dị sản, dị tật bẩm sinh hay bệnh lý khác liên quan đến dioxin vẫn còn có thể xảy ra. Cho nên song song với giúp người khuyết tật, phải có biện pháp ngăn chặn, hoặc hạn chế, hoặc giúp đỡ những người bị phơi nhiễm dioxin để làm sao chấm dứt được hậu quả lâu dài”.

Sĩ quan hải quân Mỹ chơi với trẻ nhiễm Chất Da cam ở Đà Nẵng, tháng 3/2018
Sĩ quan hải quân Mỹ chơi với trẻ nhiễm Chất Da cam ở Đà Nẵng, tháng 3/2018

Các bản tin trong nước cho biết cùng ngày 5/12, cũng tại sân bay Biên Hòa, đại diện hai nước Việt Nam và Mỹ ký thỏa thuận triển khai một dự án khác trị giá 65 triệu đô la nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Dự án sẽ sử dụng số tiền kể trên để chi cho các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng để hỗ trợ người khuyết tật ở 8 tỉnh.

Theo Hiệp hội Nạn nhân Chất Da cam Việt Nam (VAVA), ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm Chất Da cam/dioxin. VAVA nói hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm loại hóa chất mà họ gọi là “độc chất đáng sợ”.

Ngoài ra, VAVA khẳng định con cháu của nạn nhân “cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh…”.

Các tài liệu của Mỹ cho thấy trong 10 năm, từ 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% là Chất Da cam/dioxin xuống các vùng đất có tổng diện tích hơn 3 triệu hecta tại Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG