Đường dẫn truy cập

VN lại đâm đơn lên tòa Mỹ đòi bồi thường cho nạn nhân chất da cam


Một phần sân bay Biên Hòa, một khu vực được cho là bị nhiễm chất da cam ở Việt Nam.
Một phần sân bay Biên Hòa, một khu vực được cho là bị nhiễm chất da cam ở Việt Nam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa gửi đơn lên tòa án Hoa Kỳ, “kêu gọi hành động đúng nghĩa vì cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.”

Báo VietnamNet hôm 18/4 cho biết Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi thư tới một tòa án Mỹ, yêu cầu các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.

Vào năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện công ty Monsanto, công ty Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất da cam lên tòa án tại New York. Tuy nhiên, thẩm phán Jack Weinstein đã ra phán quyết cho rằng việc cung cấp chất độc không cấu thành tội ác chiến tranh.

Truyền thông Việt Nam cho biết VAVA đã ba lần bị tòa án Mỹ bác đơn.

VietnamNet hôm 18/4 trích thư gửi tòa án Mỹ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhắc lại kết luận của bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang San Francisco, Mỹ, hôm 19/3/2019, nói rằng thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người, là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư của cư dân California Edwin Hardeman, 70 tuổi, và yêu cầu Monsanto bồi thường cho Hardeman gần 81 triệu đôla.

Truyền thông Việt Nam trích lời ông Thổ đặt nghi vấn: “Trong khi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Mỹ được bồi thường thì ‘công lý nào cho cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam’ khi đang từng ngày bị chất độc hóa học hủy diệt đến tận cùng? Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đau xót khi phía Mỹ bác đơn kiện vì cho là thiếu chứng cứ?”

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói thêm: “Xin quý vị hãy lật lại hồ sơ từ năm 2004 đến nay của nguyên đơn là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với bị đơn Monsanto, Dow Chemical. Hy vọng cán cân công lý luôn công minh”.

Thống kê của Việt Nam cho biết hiện có hơn 4,8 triệu nạn nhân của chất da cam/dioxin, đang bị hủy diệt từ từ do ung thư và các loại bệnh hiểm nghèo.

VOA Express

XS
SM
MD
LG