Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hy vọng dùng Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Phnom Penh vào tuần tới để tiếp tục đưa ra các tuyên bố nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và trung lập ngoại giao trong một khu vực đã trở thành chiến trường địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việc ông Biden nỗ lực củng cố các liên minh chiến lược diễn ra vài tháng sau khi Toà Bạch Ốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN nêu bật cam kết của Mỹ đối với khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích, sau cuộc họp ở Washington, tỏ ra bi quan rằng ngoại giao cấp cao sẽ không hạn chế được ảnh hưởng của Bắc Kinh trong ASEAN và quan điểm này không thay đổi trước thềm cuộc họp ngày 12/11 của khối 10 quốc gia Đông Nam Á.
Bà Joanne Lin Weiling, đồng điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, nói “Đó là vì Trung Quốc là một đối tác kinh tế quan trọng trong vùng...và Trung Quốc cũng đã thiết lập nhiều khu vực hợp tác hoạt động với ASEAN, nhiều hợp tác này đã được định chế hoá.”
Bà lưu ý rằng các liên minh chiến lược của ông Biden trong khu vực chủ yếu nhằm chống lại Trung Quốc, không mấy thích hợp với các thành viên ASEAN như Lào, Myanmar và Campuchia, những nước có “mối liên lạc và quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc”, bà nói, đồng thời cho biết thêm “ASEAN không loại trừ Trung Quốc trong cách tiếp cận của họ với Ấn Độ - Thái Bình Dương.”
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden hy vọng sẽ tìm được các đối tác dễ tiếp thu trong các lĩnh vực như hợp tác hàng hải, phát triển bền vững, kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng, và quan hệ kinh tế - và có khả năng sẽ tránh được các vấn đề gây xung đột rõ ràng với Bắc Kinh.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở châu Á, nói với VOA: “Thực tế trong khu vực là hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đang cố gắng hết sức để không bị buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”
“Vì vậy, có một trò chơi mơ hồ chiến lược đang diễn ra trong khu vực, nơi các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thực hiện những gì họ có thể từ mỗi bên trong khi cố gắng đưa ra ít cam kết cụ thể nhất có thể, điều này có thể khiến họ gặp vấn đề với bên này hay bên kia,” ông nói.
Toà Bạch Ốc thông báo rằng ông Biden sẽ đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN lần thứ 10 vào ngày 12 tháng 11. Các bên tham gia dự kiến sẽ thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-ASEAN để thúc đẩy quan hệ đa phương.
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN là một phần của một loạt các cuộc họp ngoại giao xung quanh hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia đang tổ chức trước khi chuyển giao quyền lãnh đạo hàng năm của khối cho chủ tịch Indonesia vào năm tới.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng về cuộc chiến Nga-Ukraine và tham vọng của Trung Quốc trong việc kiểm soát Đài Loan. Cuộc khủng hoảng cấp bách nhất trong ASEAN tiếp tục là Myanmar, nơi mà quân đội nắm quyền vào tháng 2 năm 2021 đã từ chối các can thiệp ngoại giao trong khu vực hoặc các lời kêu gọi toàn cầu đề nghị phóng thích tù chính trị.
ASEAN đã cố gắng đóng vai trò xây dựng hòa bình kể từ ngay sau khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và là con gái của người sáng lập đất nước, Aung San.
“Cuộc khủng hoảng Myanmar sẽ là đứng đầu và trung tâm trong các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao ASEAN bởi vì cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác đối thoại khác nhau đều vô cùng lo ngại về tình hình thảm khốc ở quốc gia đó, những vụ vi phạm nhân quyền và tội ác chống nhân loại đang diễn ra hàng ngày và nội chiến gia tăng,” ông Robertson nói.
Tháng trước, các ngoại trưởng ASEAN đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt về Myanmar tại Jakarta. Họ nói những nỗ lực để dập tắt giao tranh đã không đạt được tiến bộ đáng kể và kêu gọi “hành động cụ thể, thiết thực và có thời hạn” để tăng cường thực hiện đồng thuận 5 điểm mà nhóm đạt được vào tháng 4 năm ngoái về cách tìm kiếm hòa bình.
Ông Robertson nói thêm rằng ông hy vọng khối ASEAN sẽ đồng ý về “các hình phạt rõ ràng” nếu Myanmar không trả tự do cho các tù nhân chính trị, không ngừng các cuộc tấn công vào người dân của họ hoặc tiến tới dân chủ. Các “hình phạt” đó, theo lời ông, là lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu chống lại chính quyền quân nhân và lợi ích kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, khi phải đưa ra các cam kết liên quan đến dân chủ và nhân quyền ở quốc gia của họ, ông Robertson nói, Washington khó có thể đảm bảo được bất kỳ thỏa thuận chắc chắn nào.
Bảy quốc gia thành viên ASEAN cũng là một phần của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vốn được khởi động vào tháng 5 năm nay nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế hơn nữa trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững. Ông Biden cũng sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào ngày 13 tháng 11 trước khi rời Campuchia để tham dự cuộc họp G-20 ở Indonesia vào ngày hôm đó.
Ông Chheang Vannarith, chủ tịch điều hành của Viện Tầm nhìn Châu Á ở Campuchia, lưu ý rằng Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Tập Cận Bình đảm bảo quyền lực cho một nhiệm kỳ nữa tại Đại hội Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh. Và Đài Loan là một chủ đề ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cùng với Biển Đông và mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
“Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang tăng lên cùng lúc cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang gia tăng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, điều đó rất phức tạp,” ông nói.
Campuchia phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong tuần này là giữ cho tất cả 10 thành viên ASEAN và nhiều đối tác đối thoại hài lòng, hoặc ít nhất là tránh những điểm phơi bày sự bất đồng.
Như ông Chheang Vannatith nói, “Trở thành chủ tịch ASEAN năm nay không hề dễ dàng”.
Diễn đàn