Campuchia, nước đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho biết hôm thứ Năm 27/10 rằng khối này vẫn quyết tâm thực hiện bản kế hoạch hòa bình đã đạt được với nhà cầm quyền quân sự Myanmar.
Một cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng trong khối đã được tổ chức tại Jakarta để thảo luận về kế hoạch hòa bình bị đình trệ, mặc dù không có đại diện nào từ Myanmar có mặt.
Các tướng lĩnh của Myanmar đã bị cấm tham gia các cuộc họp cấp cao của ASEAN kể từ năm ngoái, khi quân đội lật đổ chính phủ dân bầu của khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi.
Chính quyền quân sự Myanmar chưa làm gì nhiều để tôn trọng các cam kết của họ đối với bản kế hoạch hòa bình "đồng thuận" 5 điểm, bao gồm việc ngừng bạo lực ngay lập tức, bắt đầu đối thoại, cho phép phái viên của chủ tịch ASEAN thúc đẩy hòa giải và ASEAN cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Hôm 27/10, các ngoại trưởng và đại diện của ASEAN nhất trí rằng khối này nên "quyết tâm hơn nữa" để mang lại một giải pháp hòa bình ở Myanmar càng sớm càng tốt, nước chủ tịch nói trong một tuyên bố, lưu ý rằng tình hình của Myanmar vẫn "nguy cấp và mong manh".
"Các bộ trưởng ngoại giao bày tỏ quan ngại và thất vọng về việc không có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch đồng thuận 5 điểm", Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp.
Những tuần gần đây đã chứng kiến một số vụ việc đẫm máu nhất ở Myanmar, bao gồm một vụ đánh bom tại nhà tù lớn nhất Myanmar và một cuộc không kích ở bang Kachin hôm 23/10, mà truyền thông địa phương cho biết đã giết chết ít nhất 50 người.
Bà Retno nói: "Các hành vi bạo lực cần phải dừng lại ngay lập tức. Và Indonesia đã đề cập rằng yêu cầu này cần phải được chuyển đến quân đội Myanmar ngay lập tức".
ASEAN có chính sách bấy lâu nay là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên, nhưng một số nước đã kêu gọi khối này mạnh dạn hơn trong hành động chống lại chính quyền quân sự Myanmar và làm việc với các bên liên quan khác như chính phủ đối lập đang hoạt động ngầm.
Khi được hỏi liệu các đại diện ASEAN có gặp Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) ở Myanmar hay không, quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto R. Suryodipuro cho biết: "Làm việc với tất cả các bên liên quan có nghĩa là bao gồm cả các bên khác, NUG là một trong số đó".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên trách về Đông Á, Daniel Kritenbrink, hôm 26/10 mô tả tình hình ở Myanmar thật "bi thảm" và cho biết Hoa Kỳ, nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo quân sự, sẽ thực hiện "các bước bổ sung để gây áp lực lên chế độ đó", nhưng ông không nói cụ thể hơn.
(Reuters)
Diễn đàn