Đường dẫn truy cập

Indonesia: Chính quyền Myanmar chịu trách nhiệm về khủng hoảng


Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - Retno Marsudi.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - Retno Marsudi.

Chính phủ quân sự của Myanmar phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu tiến bộ trong kế hoạch hòa bình đã thống nhất với ASEAN, ngoại trưởng Indonesia nói hôm thứ Năm (3/11), đồng thời thêm rằng khối này làm hết trách nhiệm trong nỗ lực chấm dứt các hành động thù địch ở quốc gia bị xung đột tàn phá.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thúc giục Myanmar thực hiện một kế hoạch hòa bình được thống nhất vào năm ngoái để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực đã bao trùm đất nước này kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2 năm 2021.

Kế hoạch, được thống nhất cách đây khoảng 18 tháng, bao gồm tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng, tiếp cận viện trợ nhân đạo và một đặc phái viên ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi của Indonesia, quốc gia sẽ trở thành chủ tịch khối khu vực vào năm tới, nói với Reuters rằng nguyên nhân cho sự thiếu tiến bộ nằm ở chính quyền Myanmar.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn: “Những lời chỉ trích không nên nhằm vào ASEAN, mà nên nhằm vào chính quyền (Myanmar)”.

“Nếu chúng ta đang nói về việc ai sẽ bị đổ lỗi, ai đã thất bại, thì đó không phải là chúng tôi, đó không phải là ASEAN. Chúng tôi đã làm hết phần việc của mình”.

Chính quyền Myanmar đã không trả lời yêu cầu bình luận. Trước đây, họ đổ lỗi cho sự thiếu tiến bộ về bất ổn trong nước và do đại dịch.

Bà Retno cũng cho biết những người đồng cấp Đông Nam Á của bà đang đưa ra các khuyến nghị mới để thực hiện kế hoạch hòa bình trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tuần tới.

“Chúng tôi tạo điều kiện cho đối thoại quốc gia để đưa Myanmar thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Và chúng tôi biết ai có thể giải quyết vấn đề của Myanmar, đó là người dân Myanmar chứ không phải người ngoài”, bà nói.

Chính sách lâu nay của ASEAN là không can thiệp vào các vấn đề riêng của 10 quốc gia thành viên, nhưng khối này đã vấp phải lời kêu gọi từ các nhà hoạt động về việc tăng cường áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar.

Tuần trước, ASEAN cho biết họ vẫn cam kết thực hiện cái gọi là đồng thuận hòa bình năm điểm ngay cả khi sự thất vọng gia tăng giữa các thành viên về bạo lực leo thang ở Myanmar, bao gồm cả một cuộc không kích vào một buổi hòa nhạc và hành quyết các nhà hoạt động dân chủ.

Trả lời cuộc họp báo tuần trước, một phát ngôn viên của quân đội đổ lỗi cho các phong trào phản kháng vũ trang là nguyên nhân bạo lực, nói rằng áp lực đặt ra khung thời gian sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực.

ASEAN đã cấm các tướng lĩnh của Myanmar tham dự các cuộc họp cấp cao và chính quyền quân sự Myanmar lại không cho phép các đại diện phi chính trị tham gia các cuộc họp này.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG