Đường dẫn truy cập

Mỹ thuyết phục Việt Nam thế nào để đưa tàu sân bay vào Đà Nẵng: Tiết lộ của ĐS Ted Osius


Một thuỷ thủ canh gác trên tàu sân bay USS Carl Vinson sau khi cập cảng Đà Nẵng ngày 5/3/2018. Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ sau chiến tranh.
Một thuỷ thủ canh gác trên tàu sân bay USS Carl Vinson sau khi cập cảng Đà Nẵng ngày 5/3/2018. Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ sau chiến tranh.

Cuốn sách sắp ra mắt của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, về ‘hậu trường’ ngoại giao giữa hai cựu thù tiết lộ nhiều điều chưa được biết đến, trong đó có việc Mỹ đã làm gì để Việt Nam đồng ý cho chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay kể từ khi chiến tranh kết thúc

Sau cuộc chiến tranh kéo dài hai thập kỷ với gần 60.000 binh lính Mỹ và khoảng 3 triệu người Việt Nam thiệt mạng, Việt Nam và Mỹ giờ đây là những đối tác quốc tế quan trọng của nhau. Nhưng để hai cựu thù đi đến được một mối quan hệ đối tác toàn diện và ngày càng mạnh mẽ như ngày nay là cả một quá trình ngoại giao giúp làm tan căng thẳng và khắc phục những tổn thương cho cả hai phía trong hơn một phần tư thế kỷ qua, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, người từng là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của Sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngay sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995.

Một yếu tố quan trọng trong việc hoà giải thành công mối quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ-Việt là sự tôn trọng lẫn nhau, theo Đại sứ Osius cho biết trong buổi thảo luận gần đây về cuốn sách mà ông sắp cho ra mắt có tên “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là bất khả thi: Quá trình hoà giải của Mỹ với Việt Nam).

Người từng là đại sứ thứ 6 của Mỹ tại Hà Nội nói rằng sự tôn trọng mà Mỹ bày tỏ đối với Việt Nam đã giúp xây dựng được lòng tin và hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước.

Một trong những ví dụ minh hoạ cho điều này được ông Osius, người làm đại sứ tại Hà Nội từ 2014-2017, kể trong cuốn hồi ký dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay.

Tiết lộ trước về những gì được viết trong cuốn hồi ký, ĐS Osius, người bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ở Việt Nam vào năm 1996 khi là một quan chức quân sự chính trị cho tuỳ viên quốc phòng đầu tiên của Mỹ tại Hà Nội, nói rằng ông đã làm theo lời khuyên của một đại tá người Mỹ gốc Việt làm việc tại văn phòng ĐSQ Mỹ ở Hà Nội, mà theo ông, sau này đã dẫn tới sự tin tưởng của phía Việt Nam để cho phép Mỹ đưa tàu sân bay vào Đà Nẵng.

“Vào thời gian cuối nhiệm kỳ của mình, tôi may mắn được đón Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift, và chúng tôi đã theo lời khuyên của một người sau này là tuỳ viên quân sự, Đại tá Tôn Thất Tuấn – ông khuyên chúng tôi tới thăm Bạch Đằng Giang, gần Hải Phòng,” ĐS Osius, hiện đang là phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công ở châu Á Thái Bình Dương của Google, nói tại buổi thảo luận được Asia Foundation tổ chức trực tuyến hôm 15/7 để giới thiệu cuốn hồi ký của ông.

Truyền thông trong nước lúc đó đăng tin và các hình ảnh Tư lệnh Swift và Đại sứ Osius tới thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang với bãi cọc Bạch Đằng vào sáng ngày 6/10/2017. Trong gần 2 giờ, người đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cùng ĐS Osius đã thăm và thắp hương tại các đài tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc của Việt Nam, gồm vua Lê Đại Hành, Đức thánh Trần Hưng Đạo, vua Ngô Quyền, cùng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Tại sao tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương lại đi thăm Bạch Đằng Giang? Ý tưởng là để bày tỏ sự tôn trọng. Chúng tôi tôn trọng lịch sử quân sự của Việt Nam,” ĐS Osius, người đã từ chức đại sứ trước khi mãn nhiệm để phản đối việc Tổng thống Donald Trump trục xuất người tị nạn Chiến tranh Việt Nam được bảo vệ theo hiệp ước đã ký giữa Washington và Hà Nội, nói.

ĐS Osius cho biết ông đã đọc bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, được coi là ‘Tuyên ngôn độc lập’ đầu tiên của nước Việt, khi đi thăm sông Bạch Đằng, nơi 3 lần chứng kiến quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của các vị tướng sau này trở thành vua và đức thánh trần được tôn thờ ngày nay, đánh bại quân xâm lược từ phương Bắc bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông.

“Tại sao một bài thơ của thế kỷ 11, được viết để ủng hộ binh sỹ Việt Nam khi chiến đấu chống quân xâm lược từ phương Bắc, vẫn phù hợp với ngày hôm nay? Vì tôi cho rằng nó cho thấy người Mỹ tôn trọng những gì mà người Việt Nam đã phải đối mặt trong suốt lịch sử của họ,” ĐS Osius nói và cho biết cùng thời gian đó ông đang thúc đẩy cho một chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam.

Trước đó nhiều tháng, theo ĐS Osius, ông đã đưa ra đề xuất này với Chủ tịch nước lúc đó Trần Đại Quang và sau đó Tổng thống Trump cũng đã nêu lên ý tưởng này khi gặp Thủ tướng lúc đó Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017.

Tư lệnh Swift, khi được phóng viên trong nước hỏi lúc tới thăm Bạch Đằng Giang hồi tháng 10/2017, đã nói rằng “tàu sân bay của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong một thời điểm phù hợp,” theo Tuổi Trẻ, nhưng không xác nhận khi nào.

“Một tháng sau khi Tư lệnh Swift và tôi tới thăm Bạch Đằng Giang thì phía Việt Nam nói với phía Mỹ rằng ‘Chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyến thăm của một tàu sân bay’,” ĐS Osius, cũng là một thành viên quản trị của Asia Foundation, nói.

Tàu USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2018 và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Mỹ tới thăm Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc hơn 4 thập kỷ. Truyền thông quốc tế lúc đó nhận định rằng chuyến thăm lịch sử này cho thấy mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường mạnh mẽ trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông. Hai năm sau đó, tàu Theodore Roosevelt trở thành hàng không mẫu hạm thứ hai của Mỹ cập cảng Việt Nam.

“Những chuyến thăm của tàu sân bay (Mỹ) không chỉ mang tính biểu tượng mà nó còn là thông điệp gửi đến mọi người rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một mối quan hệ mới về an ninh,” ĐS Osius nói và cho biết mỗi lần tàu sân bay cập cảng thì có 5.000 lính hải quân Mỹ lên bờ và vào năm 2018 đó là số lượng quân nhân Mỹ lớn nhất vào đất liền Việt Nam kể từ sau chiến tranh.

Vị cựu đại sứ Mỹ đầu tiên nhận Huân chương danh dự của Thủ tướng Việt Nam nói ông tin rằng “bày tỏ sự tôn trọng là chìa khoá” để đưa mối quan hệ giữa hai nước “tiến lên phía trước.”

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người mà ĐS Osius kể trong cuốn sách của ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất giúp hoà giải và hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, từng phát biểu tại Hà Nội trong chuyến thăm vào năm 2015 rằng Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam và điều này cũng được chính Tổng thống Barack Obama nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng trong cùng năm đó. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ tiếp tục cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của quốc gia Đông Nam Á do Đảng Cộng sản cầm quyền.

Điều này, theo ĐS Osius, cho thấy Mỹ muốn đưa ra một thông điệp rằng Hoa Kỳ “sẽ không tìm cách lật đổ chế độ” của Đảng Cộng sản và rằng hai nước sẽ cùng làm việc với nhau như những đối tác để cùng nhau tìm ra những giải pháp.

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam là các đối tác đáng tin cậy với một nền tảng là tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó Phạm Bình Minh vào năm ngoái khẳng định với người đồng cấp phía Mỹ, Mike Pompeo, rằng Hà Nội coi trọng Quan hệ đối tác toàn diện với Washington.

Trong lời bình cho cuốn sách sắp ra mắt của ĐS Osius, cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright viết rằng “sự hoà giải của Mỹ với Việt Nam là một trong những câu chuyện ngoại giao tiêu biểu nhất trong 3 thập niên qua” và cho rằng cuốn hồi ký “Không gì là bất khả thi” đưa người đọc đến “hậu trường của sáng kiến (hoà giải), giúp họ hiểu được hai cựu thù đã hàn gắn như thế nào để có một tương lai tốt đẹp hơn cho những người dân của họ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG