Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, vừa đăng các trích đoạn trong hồi ký của ông, trong đó ông tiết lộ các hoạt động hậu trường chưa từng được Việt Nam công bố về quan hệ giữa hai cựu thù, chẳng hạn như chuyện Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright “thách thức” Tổng Bí thư Đỗ Mười về vấn đề nhân quyền, và thúc giục Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng thả tù nhân chính trị, khiến ông “tức giận”.
Ông Ted Osius giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, ghi lại các hình thức ngoại giao khác nhau một cách sinh động, kể từ khi hai quốc gia cựu thù bắt đầu tiến trình hòa giải từ những năm đầu của thập kỷ 1990 đến khi Washington giúp mang lại thịnh vượng mới cho Việt Nam trong những năm gần đây. Sách được cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry viết lời tựa “kể một câu chuyện đầy cảm hứng về cách ngoại giao quốc tế có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn,” trang web Ted Oisus viết.
Cựu Đại sứ chia sẻ trên trang Facebook rằng bản tiếng Anh của hồi ký “Nothing Is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (tạm dịch: “Không gì là bất khả thi - Qúa trình hòa giải của Mỹ với Việt Nam), do nhà xuất bản Rutgers University Press phát hành, sẽ dự kiến ra mắt vào tháng 10/2021.
Albright ‘thách thức’ Đỗ Mười…
Hôm 29/4, một ngày trước khi Việt Nam kỷ niệm 46 năm ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30/4/1975, ông Osius chia sẻ trên Facebook một trích đoạn trong sách của ông viết về chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh của Ngoại trưởng Madeleine Albright vào ngày 28/6/1997.
“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Albright giúp chúng tôi khánh thành Tổng Lãnh sự Quán, và tôi có thể bắt đầu nhiệm vụ là viên chức chính trị đầu tiên tại TP.HCM sau 20 năm, kể từ khi nó bị mất tên gọi chính thức cũ - Sài Gòn,” ông Osius viết.
“Chuyến thăm của ngoại trưởng cũng không phải toàn chuyện vui. Bà đã gặp Tổng bí thư đảng Cộng sản Đỗ Mười, khi đó 80 tuổi, ở Dinh Độc Lập, nơi từng là dinh thự của những tổng thống miền Nam Việt Nam.”
Cựu đại sứ cho biết ông là viên chức “ghi chép” nội dung cuộc họp giữa ông Đỗ Mười và bà Albright, và ông “đánh giá cao sự trực diện và thẳng thắn của bà Madeleine, khi bà thúc giục vị cựu lãnh đạo thời chiến về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nước ông [Việt Nam]”.
“Ông Đỗ Mười chưa từng quen với việc bị thách thức như vậy, nhưng ông biết rằng mình cần phải phối hợp với bà Madeleine nếu Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với Mỹ,” ông Osius kể trong hồi ký.
Ông Đỗ Mười chưa từng quen với việc bị thách thức như vậy, nhưng ông biết rằng mình cần phải phối hợp với bà Madeleine nếu Việt Nam muốn xây dựng quan hệ với Mỹ.Đại sứ Ted Osius kể trong hồi ký
... và làm tướng Hưởng ‘tức giận’
Ông Osius viết : “Bà Madeleine cũng giục các nhà lãnh đạo Việt Nam thả tù chính trị. Bà đề cập cụ thể đến ông Đoàn Viết Hoạt và ông Nguyễn Đan Quế. Hai năm sau, cả hai được phóng thích. Ông Hoạt và gia đình ông đồng ý rời Việt Nam để đến Mỹ sống lưu vong.”
“Tuy nhiên, Bác sĩ Quế không muốn rời Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng tức giận, đáp trả: “Đó là thỏa thuận mà!”
Nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết bạn bè thúc giục Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, anh trai của Bác sĩ Quế, nên khuyên em mình rời Việt Nam, nhưng Bác sĩ Quân nói rằng: “Nếu tiếng gọi lương tâm của anh ấy là phải ở lại Việt Nam, thì tôi là ai mà nói anh ấy phải ra đi?”
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông Đoàn Viết Hoạt chia sẻ rằng những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của phía Hoa Kỳ là một yếu tố quan trọng để Hà Nội phóng thích ông và Bác sĩ Quế:
“Việc chính phủ Hoa Kỳ áp lực với Hà Nội để thả tôi và Bác sĩ Quế thì cá nhân tôi không biết rõ chi tiết, nhưng tất nhiên là họ có thể tạo áp lực để tạo ra tình hình tốt hơn cho Việt Nam. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là một quan hệ tế nhị vì Việt Nam vẫn là một nước cộng sản.”
Cuộc gặp Trump – Phúc
Ngày 30/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành lãnh đạo đầu tiên từ Đông Nam Á đến Nhà Trắng hội kiến Tổng thống Donald Trump.
Đại sứ Osius bay cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ New York đến Washington, trong quãng bay này, Thủ tướng Phúc hỏi thăm ông Osius về cách làm thân với ông Trump, theo hồi ký “Không gì là bất khả thi - Qúa trình hòa giải của Mỹ với Việt Nam.”
Nhà ngoại giao Mỹ khuyên ông Phúc: “Hãy là chính Ngài. Ngài nên sử dụng các công cụ hỗ trợ trực quan, nhưng cũng đừng quá phụ thuộc vào những ghi chú được chuẩn bị sẵn.” Ông Osius đề cập đến bản đồ như là một ví dụ hỗ trợ hữu ích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó thực hiện theo lời khuyên của ông Osius. “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ông Trump xem bản đồ Biển Đông, như một lời nhắc nhở rằng hành vi của Trung Quốc khiến Việt Nam lo ngại,” nhà ngoại giao Mỹ viết.
Nhưng sau đó ông Phúc bày tỏ điều ông Osius cho là sự “thận trọng” khi Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster đề nghị “chuyến thăm tàu sân bay sẽ mang tính lịch sử và là biểu tượng quan trọng.”
“Thủ tướng Phúc thận trọng đáp lại rằng Việt Nam ‘trân trọng sáng kiến về đưa tàu sân bay. Khi chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ tiếp đón nó. Hiện tại chúng tôi chưa chuẩn bị cho việc này,’” hồi ký của ông Osius có đoạn.
Ông viết tiếp: “Các lãnh đạo Việt Nam trước tiên cần đánh giá phản ứng của Trung Quốc trước khi cam kết một ngày cụ thể. Trong tuyên bố chung đưa ra sau chuyến thăm của Thủ tướng đến Nhà Trắng, phía Việt Nam chỉ đồng ý rằng hai nhà lãnh đạo ‘đã xem xét khả năng một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam.’”
Về phần mình, Tổng thống Trump, liên tục đề cập đế vấn đề thặng dư mậu dịch với Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc. Hồi ký cho biết ông Trump ít nhất ba lần đã nói về vấn đề này.
“Tổng thống Trump một lần nữa thúc giục Thủ tướng Phúc giảm thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Hoa Kỳ từ 32 tỷ đôla xuống 0 trong bốn năm,” hồi ký viết.
Ông Trump kêu gọi “hai nước phải đạt nhiều bước tiến hơn trước hội nghị cấp cao APEC”.
Đại sứ Osius viết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những mặt tích cực của thương mại tự do và công bằng là tạo tăng trưởng và việc làm, và nói hai nền kinh tế Việt - Mỹ “bổ sung cho nhau” hơn là cạnh tranh.
Vài lời bình
Cựu Ngoại trưởng Albright nhận xét về hồi ký của cựu Đại sứ Osius: “’Nothing Is Impossible’ - một trong những câu chuyện ngoại giao đáng chú ý nhất trong ba thập kỷ qua. Trong cuốn sách mới của mình, Đại sứ Osius đưa độc giả về hậu trường của sáng kiến này, giúp họ hiểu cách hai kẻ thù truyền kiếp đã cùng nhau tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân của họ. ‘Không gì là bất khả thi’ là một cuốn hồi ký hấp dẫn của một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Hoa Kỳ.”
Ông Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận xét rằng ông Ted Osius “đã được các nhà lãnh đạo của cả hai nước đánh giá cao vì sự tận tâm và tư vấn sáng suốt của ông.”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại EU, nhận xét rằng ông Ted Osius “đã thể hiện sự cam kết và kiên trì vượt trội trong hành trình phức tạp và khó khăn hướng tới mục tiêu hòa giải Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Bà cho biết thêm: “Hồi ký của ông cung cấp cho chúng ta góc nhìn cần thiết của người Mỹ từ một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ. Chúng ta hãy hy vọng rằng trong tương lai gần cũng sẽ có những góc nhìn của Việt Nam về chủ đề hòa giải Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Ông Pete Peterson, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, viết: “Lối tường thuật trực tiếp sống động của ông về các thời điểm, các nhân tố chính và những hoàn cảnh phức tạp dẫn đến việc hòa giải và phát triển quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ khiến độc giả dán mắt vào các trang sách.”
Trả lời phỏng báo Dân Việt hôm 5/3, ông Ted Osius, hiện đang làm việc cho chi nhánh của Tập Đoàn Google ở Singapore, cho biết bản tiếng Việt cuốn hồi ký sẽ được xuất bản vào năm tới.