Đường dẫn truy cập

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Bắc Triều Tiên


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy sản xuất, ngày 17/6/2013.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy sản xuất, ngày 17/6/2013.
Hoa Kỳ cho biết họ sẽ xem xét tới đề nghị của Bắc Triều Tiên về việc đàm phán trực tiếp sau khi Bình Nhưỡng có những hành động cụ thể để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington, thông tín viên Scott Stearns của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Bắc Triều Tiên nói rằng họ đề nghị đàm phán trực tiếp để giảm thiểu những mối căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hoa Kỳ cho biết Bắc Triều Tiên trước hết phải chu toàn những nghĩa vụ quốc tế để chấm dứt chương trình hạt nhân.

Về việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki phát biểu như sau.

"Bắc Triều Tiên phải tham gia những cuộc thương thuyết thật sự và khả tín, những cuộc thương thuyết mang lại những hành động cụ thể cho mục tiêu phi hạt nhân hóa. Bắc Triều Tiên có làm gì khác hơn không? Không. Chúng tôi chưa thấy bằng chứng của việc này và đó chính là việc mà chúng tôi đang chờ đợi."

Bắc Triều Tiên nói rằng không nên đặt ra điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Bình Nhưỡng cho biết tuy họ muốn thảo luận về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng đôi bên cũng cần phải thảo luận về mục tiêu phi hạt nhân hóa có tính chất bao quát hơn, bao gồm cả Nam Triều Tiên.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Ryoo Kihl Jae nói rằng diễn tiến này cho thấy Bắc Triều Tiên rất muốn đàm phán với Washington.

Ông Ryoo nói: "Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đã dùng chữ phi hạt nhân hóa để tìm cách đưa Hoa Kỳ vào bàn thương thuyết. Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên muốn nói là đó là lập trường mà họ đã có từ lâu."

Một nhà phân tích của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Michael Auslin, cho rằng đàm phán về phi hạt nhân hóa chỉ phí thời giờ mà thôi chứ không có ích lợi gì cả.

Ông Auslin giải thích: "Hãy công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Họ là một cường quốc hạt nhân. Họ sẽ không bước lui. Họ sẽ mỗi ngày một tiến bộ hơn. Một ngày nào đó họ sẽ có vũ khí nhiều hơn. Họ sẽ trở nên tinh tế hơn. Và bây giờ chúng ta đang làm gì? Chúng ta chối bỏ thực tế nếu chúng ta cứ làm như họ là những gì mà họ không phải."

Vì có những sự khác biệt như vậy, Bộ trưởng Thống nhất Nam Triều Tiên không tin là sẽ có các cuộc đàm phán.

Ông Ryoo nói: "Tôi nghĩ rằng hầu như hoàn toàn không thể có đàm phán giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đang tham khảo ý kiến một cách chặt chẽ về vấn đề này."

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang hy vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giúp đỡ trong việc đưa Bắc Triều Tiên trở lại với cuộc đàm phán. Nhưng nhà phân tích Auslin cho rằng nếu Bắc Kinh muốn giúp đỡ thì họ đã làm rồi.

Ông Auslin cho biết: "Nếu họ tin rằng việc gây sức ép lên chế độ Bắc Triều Tiên phù hợp với quyền lợi của họ và thay đổi thái độ của họ với một cung cách mà chúng ta tin là họ có thể làm, thì họ đã làm như vậy rồi. Vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta không nên bàn tới chuyện này nữa. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quên Trung Quốc đi."

Cuộc đàm phán giữa hai miền nam, bắc Triều Tiên đã bị đổ vỡ hồi tuần trước. Tuần này, các giới chức Bắc Triều Tiên và Trung Quốc sẽ họp tại Bắc Kinh trong lúc các giới chức Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên nhóm họp ở Washington.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG