Ðường dây nóng nối hai miền Triều Tiên
Đường dây nóng của Hội Chữ Thập Đỏ tại làng Bàn Môn Điếm- Thiết lập năm 1971
- Bắc và Nam Triều Tiên tiếp xúc hai lần một ngày
- Bắc Triều Tiên cắt dây nhiều lần
- Mới đây cắt từ tháng 3-2013 tới tháng 8 tháng 6
- Bắc Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi hôm 12 -6 - 2013.
Đường dây nóng Quân đội
- Được sử dụng để phối hợp sự đi lại của dân chúng tới Khu Công Nghiệp Kaesong.
- Kaesong hoạt động tại miền Bắc bằng tiền của Nam Triều Tiên.
- Bắc Triều Tiên cắt đường dây này năm 2009, khiến công nhân Nam Triều Tiên bị kẹt một thời gian ngắn ở Kaesong
Truyền thông Bắc Triều Tiên dẫn lời một phát ngôn viên của Ủy ban Hòa bình Thống nhất Tổ quốc nói rằng miền Nam đã hấp tấp khi phản đối cấp bậc của người đứng đầu phái đoàn mà Bình Nhưỡng định phái tới tham dự các cuộc thảo luận cấp cao.
Xướng ngôn viên đài phát thanh nhà nước dẫn lời thông cáo của phát ngôn viên, cáo buộc Seoul ‘ngay từ đầu không có ý định tổ chức cuộc đối thoại’ mà giờ đã bị hủy bỏ.
Tuyên bố của Bắc Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng không mong đợi gì từ các cuộc thảo luận như vậy. Đó có thể được coi là dấu hiệu cho thấy miền Bắc nhiều khả năng sẽ không đề nghị đàm phán trong tương lai gần.
Ông Cho Young-key, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Triều Tiên ở Seoul, tỏ ra bi quan về khả năng sẽ có bất kỳ cuộc đối thoại quan trọng nào giữa hai miền nam bắc trong tương lai gần.
Ông Cho gọi hành động của Bình Nhưỡng là ‘bất thường, thiếu logic và thất thường’. Ông đặt câu hỏi là liệu Bắc Triều Tiên có thực sự muốn tham gia đối thoại hay không.
Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên cho biết cảm thấy hết sức đáng tiếc khi miền Bắc đơn phương tiết lộ nội dung của các cuộc đàm phán trù bị cấp chuyên viên và ‘bóp méo sự thật’.
Trong một tuyên bố ra ngày hôm nay, Bộ này cũng thúc giục Bình Nhưỡng tham gia đối thoại cấp cao và trực tiếp nhằm giải quyết các vấn đề Liên Triều còn tồn tại.
Thứ Năm tuần trước, Bình Nhưỡng bất ngờ đề nghị mở các cuộc đàm phán chính thức.
Chưa có bất kỳ cuộc đối thoại cấp cao nào giữa hai miền Triều Tiên trong 6 năm qua. Hai nước không có quan hệ ngoại giao và trên lý thuyết vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột kéo dài 3 năm hồi đầu thập niên 1950 kết thúc trong bế tắc.
Cuộc chiến Triều Tiên có sự tham gia của các lực lượng Trung Quốc tới hỗ trợ miền Bắc trong khi liên quân LHQ do Mỹ đứng đầu chống lại cuộc xâm lăng miền nam của miền bắc.
Các binh sĩ Mỹ đã đồn trú ở miền Nam kể từ đó.
Trong những tháng qua, đồng minh đáng kể duy nhất còn lại của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, đã công khai bày tỏ sự thất vọng đối với miền Bắc khi nước này đưa ra những lời đe dọa tấn công miền Nam và Mỹ.
Nhiều chuyên gia quân sự ít coi trọng các tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng rằng nước này sẽ phá hủy Seoul và mở một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào nước Mỹ. Nhưng nhiều nhà phân tích nói rằng cần phải đánh giá nghiêm túc quyết tâm của miền Bắc để phát triển vũ khí hạt nhân thu nhỏ đặt trên các phi đạn đạn đạo, bất chấp các biện pháp chế tài quốc tế.