Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nhật Bản sẽ hội đàm an ninh cấp cao về răn đe hạt nhân


Quốc kỳ hai nước Mỹ, Nhật.
Quốc kỳ hai nước Mỹ, Nhật.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hội đàm về an ninh vào ngày 28/7, lần đầu tiên sẽ bàn thảo về “răn đe mở rộng”, một thuật ngữ dùng để mô tả cam kết của Hoa Kỳ sử dụng lực lượng hạt nhân của mình nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh.

Mặc dù trước đây, hai nước đã thảo luận vấn đề này ở cấp thấp hơn, nhưng các hội đàm lần này sẽ đi sâu vào một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản, nước lâu nay vẫn thúc đẩy việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ tấn công bằng bom nguyên tử.

Hồi tháng 4, Washington và Tokyo công bố việc nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật, một diễn biến có tính lịch sử, khi hai nước đồng minh nhắm đến ngăn chặn những mối đe dọa khu vực đang gia tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Liên minh Mỹ-Nhật được ký kết lần đầu tiên vào năm 1951.

“Trước những mối đe dọa ngày càng tăng chưa từng có trong khu vực, Mỹ và Nhật Bản sẽ thể hiện một cách có trách nhiệm về cách thức chúng tôi sẽ đứng lên và đảm bảo là không chỉ bảo vệ Nhật Bản, mà còn là cả sự đóng góp của chúng tôi cho an ninh khu vực nữa”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói trước cuộc hội đàm sẽ diễn ra tại Nhật Bản.

"Các cam kết trong hiệp ước an ninh của chúng tôi với các đồng minh Nhật Bản là cực kỳ vững chắc và chúng tôi cam kết sử dụng mọi phương tiện mà Mỹ có, bao gồm cả hạt nhân, để đảm bảo rằng chúng tôi đáp ứng các cam kết đó”, vẫn lời ông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng sẽ gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản trong chuyến thăm, là một phần của chuyến đi nhiều nước châu Á nhằm trấn an các đồng minh về sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tạo ra sự bất định về chính sách đối ngoại của Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tổ chức hội đàm ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các cuộc hội đàm về an ninh với Nhật Bản cũng sẽ bao gồm các nỗ lực tăng cường hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng hai nước và nâng cấp cơ cấu chỉ huy để cải thiện sự phối hợp giữa quân đội hai nước.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nói: “Những cuộc đàm phán 2+2 lịch sử này sẽ củng cố sự dịch chuyển của chúng tôi từ tập trung vào bảo vệ Liên minh sang phô trương thanh thế của Liên minh”.

“Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu chỉ huy của các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ăn khớp với việc Nhật Bản triển khai bộ chỉ huy liên quân của riêng họ mang tính đột phá vào tháng 3/2025, Liên minh sẽ sẵn sàng và được trang bị để ứng phó với các thách thức an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới”, vị đại sứ nói tiếp.

Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc việc cải tổ cơ cấu chỉ huy quân sự lớn nhất ở Đông Á trong nhiều thập kỷ khi Nhật Bản có kế hoạch thành lập một bộ tổng chỉ huy hỗn hợp mới để điều hành Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào tháng 3/2025.

Nhật Bản cung cấp căn cứ để Mỹ triển khai sức mạnh quân sự ở châu Á, với 54.000 binh sĩ Mỹ, hàng trăm máy bay và nhóm tàu sân bay tấn công duy nhất được triển khai ở tiền phương của Washington.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG